Nước nói với Thượng đế: “Người đã sáng tạo ra con vì sao lại cứ bắt con phải ở chỗ thấp nhất, như vậy là không công bằng?”.
Nghe nước nói vậy, Thượng đế nói: “Giữa trời đất và giữa muôn loài ngươi có thể đến được nơi cao nhất”.
Sau đó, nước bốc hơi trở thành mây trôi nổi trên muôn loài, nó cảm thấy rất đắc ý, nhưng không được bao lâu nó bắt đầu thấy chán.
Nước lại phàn nàn với Thượng đế: “Bản chất của con là thuần khiết nhưng bây giờ con lại phải chịu cùng một giuộc với bụi bặm, con không thích cuộc sống phiêu bạt, trôi nổi nữa”.
Thượng đế nghĩ một lúc rồi nói: “Ta có thể làm cho con hài lòng”.
Sau đó, thời tiết lạnh giá, nước ngưng tụ thành tuyết phủ đầy những đỉnh núi và nó cảm thấy rất mãn nguyện.
Nhưng qua một thời gian thời tiết ấm lên tuyết bắt đầu tan chảy thành các dòng nước và lại chảy về chỗ thấp.
Nước rất bực tức chất vấn Thượng đế sao lại như vậy?
- Xem thêm: Cái gì vĩ đại nhất?
Thượng đế nói: “Ta không thể vì ngươi mà phá hoại quy luật của trời đất. Ta sáng tạo ra thế giới này có những sự việc lúc đầu có thể không được hợp lý lắm, nhưng nghĩ cho kỹ cũng không có gì không đúng. Vật cực tất phản, vui quá hóa buồn, niềm vui không thể kéo dài mãi, đau khổ cũng chỉ có thời hạn. Trong sự chân tình ẩn chứa sự lừa dối, trong sự lừa dối lại chứa đựng cả ý tốt. Yêu hận đan xen, nhân quả tuần hoàn, không gì có thể tuyệt đối, chỉ có thể thuận thời mà theo, oán trách cũng không có tác dụng”.
Nghe Thượng đế nói vậy, nước có vẻ không hiểu nhưng lại không nói gì nữa.
Vậy nên nước có lúc bay lên thành mây, có lúc ngừng đọng thành tuyết mặc dù nó có thích hay không cũng phải chịu như vậy.
- Xem thêm: Người bị thời gian trói buộc
Lòng người cũng giống như nước.
Vật cực tất phản: Một vật hoặc một sự việc khi đến điểm giới hạn cực độ thì sẽ phản lại trạng thái ban đầu.