Hai cậu thanh niên mặt còn non choẹt sau khi nhìn quanh nhìn quất từ trong sân nhà ra phía bờ rạch quay qua nói:
– Cô ơi, cô coi tụi con ghi đủ hết chưa?
Phần nhà bị ảnh hưởng từ lằn vạch của tụi con vẽ nè.
Chị nhìn vào tờ giấy thấy ghi: Một cây mận trên 60 năm, hai gốc dừa, hai cây bằng lăng, hai cây cách… Ừ, ghi thì ghi vậy chứ bồi thường có bao nhiêu! Hai cậu nhỏ ở chỗ nâng cấp đô thị này cũng dễ thương lắm.
Mấy lần lại đo đạc, ghi chép lúc nào cũng lễ phép như học trò vậy. Ngó ra chúng còn nhỏ tuổi hơn hai đứa con chị mà. Vậy chứ lần nào chị hỏi về công trình sắp làm, hai đứa cũng nhiệt tình lắm:
– Dạ, làm chớ cô. Bên kia sông đã bồi thường và bắt thăm nền tái định cư rồi, nay mai dọn đi đó. Còn bên này tụi con đang tiến hành đo đạc, chắc cũng vài tháng nữa.
Đưa hai cậu nhỏ về rồi, chị ngồi lại trên băng đá trước nhà, suy nghĩ mông lung. Vậy là cái dự án xây bờ kè, đào vét lòng rạch, làm con đường nhựa trước nhà sắp thi công rồi sao? Hai năm nay vẫn biết đó là kế hoạch hai của thành phố sau kế hoạch một là mở rộng các con hẻm mà chị cứ ngờ ngợ hoài. Nhà nước nói vậy chứ biết chừng nào.
Nhưng rõ ràng từ khi thấy mấy con hẻm được mở ra bốn mét, sạch sẽ khang trang, trong lòng chị vẫn có chút hy vọng con rạch trước nhà sẽ được nâng cấp, bờ kè xanh từ con sông Cần Thơ kia sẽ đi qua nhà mình như chị đã từng được thấy trong bản đồ quy hoạch chung. Mấy hôm rồi đi chợ cũng có nghe râm ran chuyện dọn nhà đến chỗ mới.
Nghe nói nhiều gia đình bên kia con rạch nhà chị đã cất nhà rồi, chuẩn bị dời đi đó. Còn nữa, trong xóm bên này nhiều người cũng đang lo lắng về chuyện bồi thường, chuyện tái định cư. Không biết có về chung chỗ với xóm bên sông không? Mọi thứ cứ chộn rộn, nháo nhào. Nhất là mấy nhà làm ăn, buôn bán dựa vào khu chợ sát bên đây.
Ở đây bước ra là tới chợ. Chỉ mấy bước chân qua cây cầu bê tông nhỏ (xưa là cầu sắt) là đã thấy mấy bà, mấy chị bán rau cải, trái cây ngồi dài theo đường, xích tới vài bước là thịt, cá của khu “tự tiêu tự sản”, ai đi chợ sớm sẽ mua được đồ rẻ như cho. Làm sao không nao nao trong dạ khi nghĩ đến những ngày sắp tới, lạ chỗ lạ nhà, biết có làm ăn được nữa không…
Buổi tối rà rê chỗ nhỏ Phấn bán tạp hóa trong hẻm, tìm thông tin của bà con trong xóm. Trước giờ chỗ nhỏ này vẫn là trung tâm thông tấn xã của xóm mà! Hóa ra chịu khó hỏi han một chút đã vỡ ra bao nhiêu chuyện. Nào là cô Chi bán bọc ni lông, bán giấy đã có sẵn căn nhà bên phía Nam Cần Thơ rồi, ông tổ trưởng cố cựu của xóm đã mua đất trên con lộ mới gần chợ Cái Khế, chú Liêm thì giải tỏa căn bên mé này vẫn còn căn nhà đối diện. Chỉ có dân lao động vốn làm phu hồ, mua bán ve chai phế liệu hoặc buôn gánh bán bưng đầu chợ cuối chợ chắc phải về khu tái định cư ở ngoại ô thôi.
Nhà nhỏ Phấn này cũng vậy. Theo nhỏ Phấn thì “Khu tái định cư giờ đỡ hơn trước nhiều rồi. Chợ búa, đường lộ, trường họcđều có cả, vào đó chắc cũng sống được. Chỉ buồn là mất hết hàng xóm láng giềng baonhiêu năm gần gũi thôi…”.
- Xem thêm: Mắt phố
Ừ, hàng xóm láng giềng! Nhỏ Phấn coi hệch hạc vậy mà suy nghĩ thật thấm ý chị.Ông bà thường nói “Bán anh em xa mua láng giềng gần” quả đúng y chang. Mình tuy về làm dâu nhưng cái xóm lao động ven rạch này cũng đã vui buồn theo mình mấy chục năm nay chứ ít ỏi gì. Từ một xóm tản cư lèo tèo năm bảy gia đình, lâu dần, lâu dần xóm cứ mở ra, toàn dân ngụ cư đến từ những miệt vườn nào xa lắc, chật vật mưu sinh, chật vật quên đi miếng ruộng, mảnh vườn làm ăn thất bát để trụ lại mà sống lây lất qua ngày, chỉ mong con cháu sẽ được “đổi đời” một ngày nào đó, không biết có thật không. Cứ bấm đốt ngón tay mà tính thì người cố cựu chắc cũng hơn mười gia đình, giờ đã hơn bốn chục nóc nhà rồi, chưa kể những nhà trọ túm húm do mấy gia đình cũ cất lên, người chui ra chui vào chen chúc thấy mệt. Lâu ngày rồi cũng thành hàng xóm cả thôi.
***
Buổi sáng đi chợ, nhìn xuống dạ cầu lại buồn lòng vì đống rác cao ngất, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Dòng rạch nhỏ mấy năm nay vẫn là một trong nhiều “Kinh nước đen” của thành phố bất chấp bao chiến dịch dùng ghe vớt rác trên mặt sông từ trên đầu ngọn xuống đây. Sức người, sức của có hạn, tinh thần xung phong tình nguyện của đám sinh viên học sinh hay người lao động cũng chỉ là sự dấy lên của phong trào nhân mấy ngày lễ lớn, làm sao cho xuể khi con sông vẫn phải “trân” mình đón nhận mọi thứ rác rưởi từ những xóm nhà ven rạch càng lúc càng “nở nồi” theo từng đợt nhập cư vào phố chợ.
Chị nhớ mấy chục năm trước, ngay dốc cầu bên chợ này có quán cà phê thật ngon, mở cửa từ sáng sớm tới nửa đêm. Hai vợ chồng mới cưới đêm đêm vẫn dắt nhau đi bộ qua cây cầu sắt gió thổi ù ù đến quán ngồi nhâm nhi ly cà phê thơm phức. Đó là những giờ phút êm ả nhất, hạnh phúc nhất của một ngày, giờ nhớ lại vẫn còn ngùi ngùi, rưng rưng.
Khi chị về tới nhà, bỏ túi đồ ăn xuống nhà bếp ra ngồi nghỉ mệt trên băng đá trước sân thì con rạch cũng vừa đầy nước. Những lúc nước lớn, nhìn xuống dòng rạch có vẻ vẫn rộng thênh, vẫn miệt mài tuôn chảy như ngày xưa, khi chị mới bước chân về xóm. Bỗng dưng trước mắt chị lại hiện lên cảnh đám trẻ con trong đó có hai đứa con chị đang lội ùm ùm trên mặt sông, tiếng cười, tiếng la ó vang um cả một góc trời. Có lúc chúng ùa lên ngồi thành hàng trên tấm đan bắc làm cầu ngay nhà chị nghỉ mệt rồi lại nhảy ùm xuống nước, bơi tuốt ra chân cây cầu sắt dẫn ra sông cái ngoài kia. Cũng trên cây cầu nhỏ dưới mé rạch này, sáng sáng mấy chị, mấy bà hàng xóm bưng từng thau quần áo ra giặt và “tám” với nhau mọi thứ trên đời. Từ chuyện “thằng cha nhà tui hôm qua đi làm hồ về nhậu quắc cần câu, không còn đồng bạc dính túi” đến chuyện “Con Đào con bà Hiền mang bụng bầu rồi, không biết của thằng nào, xóm mình hay chỗ khác”. Rồi chuyện chợ búa, con cá, bó rau, ký gạo chỗ nào bán mắc, chỗ nào hay cân thiếu, con mẹ nào thuộc loại “chằn” ở chợ, sáng sớm chưa mở hàng mà trả giá là “mẻ” chửi tắt bếp…
Chuyện nổ như bắp rang vậy nhưng hễ thấy chị ra múc nước tưới cây hay luẩn quẩn gần đó thì y như là:
– Nè, tốp miệng lại mấy bà! Cô giáo ra kìa.
Mấy chục năm rồi mà bây giờ nhớ lại cứ muốn cười tủm tỉm như cô dâu mới ngày nào. Mà những ngày đó, dòng nước mới trong lành làm sao! Mấy đám lục bình trên sông cứ trôi vùn vụt khi nước lớn nước ròng, tới mùa lại nở hoa tím ngát rồi thong dong trôi ra sông cái chứ đâu có chết dí dưới chân cầu như hiện giờ.
Một cành mận khô rơi xuống trên mặt bàn. Chị nhìn lên, cây mận hơn sáu mươi năm đã khô cằn lắm rồi. Chùm gởi đã bám đầy trên mình nó, rút rỉa hết nhựa nên mấy năm nay những trái mận trắng đặc ruột tuyệt vời không còn nữa, chẳng bù với trước đây mỗi lần đến mùa mận, tụi nhỏ trong xóm cứ tụ tập rình mò bẻ trộm. Mỗi lần bắt được, má chồng chị lại xách lỗ tai từng đứa:
– Thằng con Xà Lương nè, để tao dẫn về nhà cho má mày biết.
– Con Hương chuột phải không? Không được leo mận nữa nghe, té gãy tay gãy chân ai chịu đây.
Làm hùm hổ vậy chứ chừng mận chín, bà lại bẻ cả thúng rồi kêu bọn nhỏ đến cho mỗi đứa vài trái:
– Mận để chín mới ngon chứ tụi bay giống gì cũng bẻ, trái mận chua lét, chát ngầm ăn gì được mà ăn.
Những hồi tưởng làm mắt chị cay xè. Ừ, mình đã học được rất nhiều thứ từ bà má chồng. Cả xóm hồi trước hễ nhắc tới “bà Năm” là ai cũng khen:
– Nhà nào có chuyện là bà Năm có mặt trước hết. Tối lửa tắt đèn mà thấy bà Năm là vững dạ liền. Từ đầu xóm tới cuối xóm có ai mà bà không giúp đỡ đâu!
- Xem thêm: Chung cư
Có lẽ với bà má chồng chị, sinh hoạt ở thành phố cũng như ở nông thôn thôi. Tản cư thì tản cư chứ cái hồn vía vẫn còn nhà quê, vẫn trái ớt cho đi, trái chanh cho lại ấy mà. Có phải khi khổng khi không mà người ta gọi nhau là “Bà con lối xóm đâu”! Ôi, sao mà chị thèm nghe lại tiếng la hét, tiếng cười đùa vỗ nước của bọn con nít xóm này quá! Lâu lắm rồi, không còn ai tắm dưới sông, không còn ai đem đồ ra giặt giũ nữa. Cây cầu bắc xuống mé rạch nhà chị sau một thời gian dài không người bước xuống đã đóng rong và gãy ra từng khúc, con rạch ngày càng lặng lờ, đục ngầu, buồn thiu với từng đám lục bình dật dờ không trôi nổi ra sông cái, đành phải tấp lại cùng những đám rác thải dưới dạ cầu. Không ít lần qua chợ, chị gặp mấy đứa sinh viên cầm lủ khủ chai lọ đứng trên cầu bàn tán:
– Trời, chỗ này đúng là kinh nước đen!
Lần nào đi đo nồng độ ô nhiễm cũng oải quá!
Đọc báo, xem tivi, chị thấy nói hoài về từng khu chợ chết, từng dòng sông dòng kinh chết… con rạch chảy qua nhà chị chắc cũng đang ngắc ngoải giãy chết đó chăng?
***
Chị lại thấy mình ngồi trước sân, nhìn qua bên kia con rạch vắng bóng người. Dãy nhà sàn nhô ra thụt vào trên mấy cây cột xiêu vẹo, lớn nhỏ đủ cỡ đã được phá sạch cả tuần nay rồi mà mắt chị nhìn vẫn chưa quen. Sự trống trải khiến mọi thứ lạ lẫm đến bất ngờ. Mấy hôm trước gặp đứa học trò bên đó chị còn nghe nó than:
– Vài bữa nhà em dọn vào khu tái định cư theo cả xóm rồi. Không còn đứng bên này thấy cô phơi đồ mỗi sáng nữa. Chắc lâu mới gặp cô…
Giờ nhớ lại thấy bâng khuâng. Nhớ những lúc cô trò í ới trò chuyện từ bên này qua bên kia con rạch nhỏ. Có khi nước ròng sát đáy, đứa học trò cũ sai thằng em lội sình mang sang cho cô mấy chùm long nhãn chín mọng trước nhà. Ôi, cái con rạch ô nhiễm, nước ròng đen kịt vẫn đọng đầy kỷ niệm dịu dàng, dễ thương. Không biết bây giờ gia đình cô học trò cũ đã ổn định chưa? Cuộc sống nơi chỗ mới có tốt đẹp hơn ở xóm ven rạch này không? Trước mặt chị con rạch như chứa đầy tâm trạng, thấp thỏm, phập phồng theo con nước lờ đờ chảy ra sông. Tận trong lòng, chị cũng thấy mình đầy mâu thuẫn. Một mặt muốn dự án quy hoạch bờ kè, làm đường, nạo vét con rạch tiến hành mau mau cho dòng nước trở lại trong lành đỡ ô nhiễm môi trường, nhà mình lại được ló ra mặt tiền chẳng sướng lắm sao? Một mặt cứ vướng víu chuyện bà con lối xóm nhiều nhà phải dọn đi, vào khu nhà mới trong kia, bao giờ mới gặp lại! Chưa kể đâu phải ai cũng vào khu tái định cư để lâu lâu nhớ ai đó mình có thể vào thăm, cùng “tám” với nhau một chút cho đỡ buồn. Tin tức từ “thông tấn xã” Phấn chẳng phải cho thấy sự tan đàn sẻ nghé đó sao. Ngay cả nhỏ cháu ngoại chị, mới mười tuổi cũng băn khoăn lo lắng:
– Ngoại ơi, dì Phấn dọn đi rồi ai bán bánh, kẹo, đồ chơi cho tụi con?
- Xem thêm: Chiếc ghe xuôi trên sông
Trước giờ, bọn nhỏ có thói quen đi học về là chạy ra dì Phấn coi có hàng họ gì mới, đồ chơi gì mới không. Tiệm dì Phấn là chỗ tiêu tiền của đám con nít cả xóm mà. Người lớn cũng vậy, đường đậu, kim chỉ, trứng gà trứng vịt, nước mắm nước tương gì cần đột xuất cũng ra đây chứ đâu! Càng sống lâu trong xóm chị càng thấm thía câu “Tối lửa tắt đèn”. Những lúc đó lại chạnh nhớ lời phàn nàn của cô cháu gái vốn là cán bộ xã hội học trên thành phố: “Các con đường, con hẻm ngày càng mở rộng, càng khang trang thì văn hóa đô thị, văn hóa hẻm dường như ngày càng thu hẹp, mối quan hệ giữa con người với nhau càng nhạt nhòa theo kiểu đèn nhà ai nấy sáng”… Cái xóm ngụ cư mình đang sống đây qua cơn dâu bể rồi cũng như vậy sao? Câu hỏi trong lòng cứ như một tiếng thở dài…
***
Bà Ba Tiệm trên đường bị tai biến chết. Mấy năm nay tuổi cao sức yếu việc buôn bán bà để lại cho mấy đứa cháu, cả ngày đong đưa trên chiếc ghế xích đu bằng gỗ đã lên nước bóng lộn trước cửa. Nằm vậy chứ ai đi qua bà cũng nhận biết và hỏi thăm moat vài câu. Chẳng gì bà Ba cũng là một trong vài ba người lão làng nhất của cái xóm cặp lộ này. Tiệm tạp hóa của bà có từ mấy chục năm trước, lớn nhất khu này chứ không như cái tiệm nghèo trong hẻm của nhỏ Phấn. Bởi vậy hầu như cả xóm trên đường lẫn xóm trong hẻm đều tụ lại đám ma.
Mấy nhà bên sông vừa dọn đi cũng trở về phúng điếu. Không hẹn mà hàng xóm láng giềng lại quây quần về đây, không khí đám ma vì vậy lại vô cùng náo nhiệt. Buổi tối, chị cũng ra chỗ đám ma ngồi với bà con lối xóm. Mọi người lại nhắc về bà Ba Tiệm, người đã có mặt ngay từ những ngày xa lơ xa lắc của cái xóm bên cầu sắt này, về tiệm tạp hóa hàng trăm thứ bà rằng của bà, về cái uy của bà với mấy tay bợm nhậu trong cả xóm và cả với đám hút xách, giựt dọc bên chợ nữa. Bởi nói cho ra vẻ văn chương thì tuy tới giờ mọi người nhìn lên cáo phó mới biết tên thật của bà là “Trần Thị Hạnh” nhưng bà Ba Tiệm đúng là “cây cao bóng cả” đã từng chứng kiến bao thăng trầm của xóm, từng nhìn thấy bao đứa trẻ lớn lên “thành nhơn chi mỹ” hay sa đà, hư hỏng chốn này. Và rõ ràng sự ra đi của bà Ba đã khiến một tao chỉ nữa lại đứt đoạn, tách rời với quá khứ, với lịch sử của xóm cũ, người xưa.
- Xem thêm: Tình người
Chị nhìn thật kỹ mấy bàn đặc kín quanh mình, biết sắp tới không dễ gì gặp lại những con người này, những khuôn mặt quen thuộc này đầy đủ như đêm nay, lòng trào dâng một cảm xúc khó tả. Bỗng trong đám đông có ai đó nói lớn:
– Bà Ba mất rồi, mấy đứa xì ke giựt dọc bên chợ lại tha hồ qua hẻm chích choác đây.
Lại một giọng quen thuộc khác:
– Nhà cửa di dời hết rồi, hẻm cũng sắp mất rồi, chỗ đâu mà làm ăn chứ!
Ừ, những câu chuyện từ những người hàng xóm cũ của chị đêm nay, nghe sao cứ bùi ngùi, rưng rưng…