Một câu hỏi khá nhạy cảm mà ứng viên thường gặp trong quá trình ứng tuyển tìm việc hoặc trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng là câu hỏi về mức lương hiện tại cũng như trong quá khứ. Nhà tuyển dụng có nên đặt ra câu hỏi này cho ứng viên và ứng viên có nên tiết lộ thông tin này?
Dưới đây là lời khuyên của Suzanne Lucas, một chuyên gia quản trị nhân sự với hơn 10 kinh nghiệm và hiện là cây bút thường xuyên của chuyên mục Nhân sự trên tạp chí Inc.
Có một số điều ứng viên chắc chắn không nên làm trong quá trình tìm việc, chẳng hạn như nghe điện thoại di động trong cuộc phỏng vấn, mặc áo thun và quần ngắn khi đi phỏng vấn hoặc tham dự các buổi giới thiệu việc làm trong tình trạng “chếnh choáng hơi men”… Tuy nhiên, theo Lucas, tiết lộ mức lương hiện tại lại là một vấn đề khác.
Lucas cho rằng, các doanh nghiệp – nhà tuyển dụng nên đưa ra các đề xuất tuyển dụng dựa trên năng lực của ứng viên và những đóng góp mà ứng viên có thể đem lại cho nhà tuyển dụng trong tương lai chứ không phải dựa trên những gì mà ứng viên đã làm cho các công ty trước đây.
Thế nhưng, trên thực tế, đa số các công ty lại không tìm hiểu vềứng viên đủ và kỹ để tính toán “giá trị thực sự” của ứng viên mà chỉ nhìn xem công ty khác đang “định giá” cho ứng viên thế nào và sau đó đưa ra quyết định liệu với mức lương mà ứng viên cung cấp thì anh ta có “đủ điều kiện” để lọt vào các vòng phỏng vấn tiếp theo hay không. Nếu ứng viên đưa ra mức lương quá thấp, nhà tuyển dụng có thể suy diễn rằng đó là vì trước đây ứng viên không có năng lực (bất kể thành tích thực tế của ứng viên ra sao).
Còn nếu ứng viên tiết lộ một mức lương quá cao, nhà tuyển dụng có thể sẵn sàng loại ứng viên ra khỏi danh sách của vòng “chung kết” (shortlisted candidates) mà không cần xem xét liệu ứng viên có thật sự yêu thích và quan tâm đến vị trí đang được tuyển dụng vì những lý do khác ngoài chuyện lương bổng hay không.
Lucas cho rằng, trong môi trường tuyển dụng lý tưởng, nhà tuyển dụng cần phải cởi mở với ứng viên về mức lương mà mình có thể trả cho vị trí đang được tuyển dụng và để cho ứng viên tự đánh giá năng lực và triển vọng đóng góp của mình so với mức lương ấy. Tuy nhiên, hiện nay các công ty thường làm điều ngược lại: yêu cầu ứng viên cung cấp thông tin về mức lương ngay trong đơn ứng tuyển (thường được điền và nộp qua mạng và không chắc có được bảo mật thông tin hay không!).
Với thực tế đó, theo Lucas, việc tiết lộ mức lương hiện tại sẽ là một điều tốt trong trường hợp ứng viên đang yêu thích công việc của mình và đang có một mức lương tốt thì được một nhà tuyển dụng nào đó chủ động tiếp cận. Khi đó ứng viên có thể nói rằng: “Tôi hiện đang làm công việc X tại Công ty Y với mức lương Z. Tôi nghĩ nếu công việc mới có mức lương cao hơn Z 15% thì tôi mới xem xét thay đổi công việc”.
Thế nhưng, ở đây còn một vấn đề về tâm lý. Đó là nhiều nhà tuyển dụng chỉ thật sự “định giá” cao cho ứng viên nếu biết được một số công ty khác cũng đang sẵn sàng trả mức lương đó cho ứng viên.
Nếu hiện tại đã có một mức lương khá cao mà ứng viên còn đưa ra một mức lương mong muốn cao hơn mà không giải thích gì thêm thì điều đó sẽ làm cho nhà tuyển dụng có cảm giác rằng ứng viên là người quá tham lam và thật sự chưa quan tâm đến công việc mới.
Do đó, nếu ứng viên có thể chứng minh rằng nhà tuyển dụng khác cũng đang nghĩ rằng mình có năng lực và xứng đáng với mức lương đề xuất thì ứng viên sẽ có khả năng cao hơn để được vào các giai đoạn tiếp theo của cuộc phỏng vấn và trúng tuyển với mức lương ấy.
Trong trường hợp nhà tuyển dụng im lặng sau khi nghe ứng viên tiết lộ mức lương hiện tại và đề xuất mức lương mới, đồng thời tỏ ra không quan tâm đến ứng viên nữa thì tốt nhất nên rút lui để không phải mất thời gian đi tìm những công việc như vậy. Nhưng điều này chỉ có ý nghĩa nếu ứng viên đang rất hài lòng với công việc hiện tại.
Theo Lucas, lý do là nếu ứng viên không hài lòng với công việc hiện tại thì cũng không nên tiết lộ mức lương hiện tại của mình với nhà tuyển dụng làm gì vì điều đó chỉ làm ảnh hưởng đến sự đánh giá khách quan của nhà tuyển dụng vềứng viên. Tuy nhiên, như đã nói, thực tế không phải lúc nào ứng viên cũng có thể chọn lựa việc tiết lộ hay không tiết lộ mức lương hiện tại của mình.
Do đó, lời khuyên của Lucas đối với ứng viên là nên tự đánh giá các tình huống để đưa ra quyết định có nên tiết lộ mức lương hiện tại – một thông tin mang tính cá nhân cho nhà tuyển dụng hay không. Nếu có thể vượt qua vòng phỏng vấn với nhân sự thì ứng viên đang ở trong một vị thế rất thuận lợi, còn nếu đang bị “kẹt” ở vòng này thì có lẽ cần phải tiết lộ mức lương hiện tại để đi vào các vòng tiếp theo.
Đối với các nhà tuyển dụng, Lucas khuyên rằng nếu bộ phận nhân sự đang đặt ra các rào cản đối với ứng viên bằng cách chỉ xem xét những ứng viên đã tiết lộ mức lương hiện tại thì tốt nhất nên thay thế bộ phận này bằng những chuyên gia biết cách đánh giá triển vọng đóng góp của ứng viên hơn là những gì thuộc về quá khứ của họ.