Những nỗ lực đầy tham vọng của Facebook nhằm thiết lập loại tiền kỹ thuật số toàn cầu có tên Libra đang gặp thất bại nặng nề khi các công ty thanh toán lớn bao gồm MasterCard và Visa tuyên bố rời khỏi dự án.
Quyết định hôm 11-10 của MasterCard và Visa đồng nghĩa không còn bất kỳ công ty thanh toán lớn nào là thành viên của dự án Libra (Thiên Bình).
Và như vậy Facebook không thể dựa vào một công ty tài chính toàn cầu nào để giúp người dùng biến tiền thật của họ thành đồng tiền ảo Libra và hỗ trợ cho các giao dịch.
Các thành viên còn lại của Hiệp hội Thiên Bình, trong đó có Lyft và Vodafone, chủ yếu là đầu tư mạo hiểm, viễn thông, công nghệ chuỗi khối, các công ty công nghệ, cũng như các tổ chức phi lợi nhuận.
Theo Reuters, trong một tuyên bố đại diện Visa khẳng định: “Visa đã quyết định không tham gia Hiệp hội Thiên Bình vào thời điểm này. Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá và quyết định cuối cùng của chúng tôi sẽ được xác định bởi một số yếu tố, bao gồm khả năng Hiệp hội để đáp ứng đầy đủ tất cả các kỳ vọng pháp lý cần thiết”.
Đáp lại, người đứng đầu dự án Libra của Facebook, David Marcus, cựu Giám đốc điều hành PayPal, đã lên Twitter phản đối việc đánh giá về số phận của đồng tiền số Libra thông qua những quyết định trên, mặc dù ông thừa nhận rằng “đó không phải là tin tốt trong ngắn hạn”.
Ông Dante Dispante, Giám đốc phụ trách Chính sách và Truyền thông của dự án Libra cho biết, họ sẽ đưa ra các kế hoạch điều chỉnh chính thức trong vòng ba ngày bất chấp những bước lùi nói trên.
“Chúng tôi đang tập trung vào việc phát triển và tiếp tục xây dựng một hiệp hội mạnh mẽ gồm những doanh nghiệp hàng đầu thế giới, các tổ chức có ảnh hưởng xã hội và các bên liên quan khác”.
“Mặc dù thành phần các thành viên Hiệp hội [Thiên Bình] có thể phát triển và thay đổi theo thời gian, nguyên tắc thiết kế về quản trị và công nghệ của Libra, cùng với tính chất mở của dự án này nhằm đảm bảo mạng lưới thanh toán Libra sẽ vẫn được duy trì”, ông Dispante khẳng định.
Facebook đã công bố kế hoạch ra mắt loại tiền kỹ thuật số Libra vào tháng 6-2020 với sự hợp tác của các thành viên của nhóm được gọi là Hiệp hội Thiên Bình.
Gần như ngay lập tức sau đó, dự án phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý toàn cầu, vốn cho biết họ đã đặt ra một loạt câu hỏi quan trọng mà Hiệp hội vẫn chưa có câu trả lời.
Tháng trước giới chức Pháp và Đức cam kết ngăn chặn đồng tiền số Libra hoạt động ở châu Âu và ủng hộ sự phát triển của một loại tiền điện tử công cộng thay thế.
Trong khi đó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell cho rằng dự án không thể xúc tiến được nếu không giải quyết được những vấn đề về quyền riêng tư, rửa tiền, bảo vệ người tiêu dùng và các vấn đề ổn định tài chính.
Sự ra đi hàng loạt của các công ty tài chính lớn vừa qua cho thấy họ đã xem xét kỹ lưỡng những lo ngại với đồng tiền của Facebook.
Ba ngày trước đó, hai thượng nghị sĩ cao cấp của đảng Dân chủ Mỹ đã gửi thư cho Visa, Mastercard và Stripe, kêu gọi các công ty này cảnh giác với một dự án sẽ thúc đẩy sự phát triển của hoạt động tội phạm toàn cầu.
“Nếu các bạn tham gia dự án này, các bạn sẽ chịu sự giám sát chặt từ các nhà quản lý không chỉ đối với các hoạt động thanh toán liên quan đến Libra, mà với tất cả các hoạt động khác”, Thượng nghị sĩ Sherrod Brown và Thượng nghị sĩ Brian Schatz viết trong thư.
Ông Brown sau đó cho biết trong một tuyên bố vào ngày 11-10 rằng các công ty đã “khôn ngoan tránh hợp pháp hóa đồng tiền toàn cầu của riêng Facebook”.
Trong khi đó, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg dự kiến sẽ trình bày về dự án Libra khi ra điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Mỹ vào ngày 23-10. Chủ tịch Ủy ban này, Maxine Waters đã liên tục kêu gọi Facebook tạm ngừng dự án.