Với nhiều mức độ khác nhau, đội ngũ các nhà văn và phê bình gắn với đề tài chiến tranh từ đầu thế kỷ XXI đến nay có thể chia thành ba thế hệ: Đi ra từ kháng chiến chống Mỹ – Trưởng thành vào thời hậu chiến và công cuộc Đổi mới – Xuất hiện trong 20 năm gần đây…
Trong số các nhà phê bình quan tâm đến đề tài chiến tranh có thể phân loại theo nhiều hệ quy chiếu khác nhau: nhà văn – chiến sĩ, nhà phê bình chuyên nghiệp, người sáng tác viết phê bình, các thế hệ viết phê bình, các kiểu phê bình hàn lâm, nhà trường và báo chí…
Ở đây, chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các nhà phê bình áo lính, những người trực chiến và giữ vị trí chủ công trong hoạt động phê bình viết về đề tài chiến tranh.
Xét ra, có thể thấy nhiều người trong số họ từng mặc áo lính, đến thời điểm năm 2018 này đã nghỉ hưu, chuyển đổi vị trí công tác nhưng thời gian qua vẫn có nhiều trang phê bình, đọc điểm, giới thiệu, nhận xét, phát biểu cảm tưởng về đề tài chiến tranh: Ngô Vĩnh Bình, Hồng Diệu, Phạm Tiến Duật (1941-2007), Đinh Xuân Dũng, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Khải (1930-2008), Trần Đăng Khoa, Chu Lai, Đỗ Trung Lai, Lê Lựu, Lê Thành Nghị, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Sáng (1932-2014), Nguyễn Trọng Tạo, Thanh Thảo, Mai Nam Thắng, v.v…
Những người hiện đang là nhà văn, nhà phê bình áo lính và thực sự trực chiến có Nguyễn Hữu Quý, Phạm Duy Nghĩa, Hoàng Đăng Khoa (đã in Phiêu lưu chữ, 2016 và Song hành và đối thoại, 2018), Đoàn Minh Tâm, Nguyễn Thanh Tâm (đã in Giới hạn của những huyền thoại, 2017 và Ngọn sáng, 2018), Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Đình Tú, Uông Triều…; bên cạnh đó có sự góp sức của các cây bút phê bình dân sự: Trần Thị Mai Nhân, Đỗ Hải Ninh, Phan Tuấn Anh, Lê Hương Thủy, Thái Phan Vàng Anh, Đặng Thị Thái Hà, Hoàng Cẩm Giang, Đoàn Ánh Dương, Lê Nguyên Long, Trần Đăng Trung,…
Đến đây, chúng tôi tập trung nhận diện và cập nhật những hướng nghiên cứu, suy tư, nhận thức mới về đề tài chiến tranh thông qua các tiểu luận trên chuyên san Văn học về chiến tranh thời Đổi mới (Nghiên cứu Văn học, số 12-2017, 140 trang); tiếp đó được hoàn chỉnh, bổ sung trong tập tiểu luận và phê bình Tự sự về chiến tranh trong văn học Việt Nam đương đại(*).
Qua các tiểu luận này, có thể thấy nổi lên hai vấn đề cơ bản: 1) Nhận thức và cách viết mới, khác về đề tài; 2) Tâm thế tiếp nhận của người đọc đương đại…
Nhận thức và cách viết mới, viết khác về đề tài
Lấy dấu mốc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc 30 năm (1945-1975), bước chuyển của nhận thức thời Đổi mới (1986) và quá trình gia tăng giao lưu, hội nhập quốc tế (đầu thế kỷ XXI), đề tài chiến tranh đã làm nên tiến trình lịch sử với những bước vận động, cách tân rõ nét.
Đương nhiên trên quan điểm lịch sử – cụ thể, văn chương mỗi thời có đặc điểm riêng nhưng liên kết lại sẽ thấy rõ đường hướng vận động, thay đổi, phù hợp với thực tế cuộc sống.
Đặc điểm là sự hiển thị định lượng, còn giá trị mới là tinh chất và thước đo chất lượng vững bền. Ngay các tác phẩm nghiêng về cổ động, hiệu triệu, thiên về giọng điệu hùng ca, tụng ca nếu phù hợp với quyền lợi dân tộc và xu thế thời đại thì vẫn có giá trị lâu bền.
Nối tiếp lớp cha anh, thế hệ nhà văn tiêu biểu viết về chiến tranh xuất hiện vào giai đoạn đầu thế kỷ XXI có Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Đình Tú…
Khái quát về quá trình chuyển đổi nhận thức giữa các thế hệ, Lưu Khánh Thơ xác định: “Giai đoạn 30 năm chiến tranh cách mạng (1945-1975), thơ viết về cuộc kháng chiến của dân tộc là tiếng hát tự hào của cái “ta” nhân danh đất nước, nhân danh chính nghĩa.
Thơ viết về chiến tranh giai đoạn này là một “dàn đồng ca” với âm hưởng chủ đạo là cảm hứng sử thi. Thơ đã trở thành vũ khí chiến đấu, cất lên thành lời kêu gọi, thành khẩu hiệu, mệnh lệnh tiến công […].
Cũng viết về cuộc chiến tranh đã đi qua, nhưng sau năm 1975, các nhà thơ đã hướng tới những số phận, khắc họa được những nỗi đau mất mát, nó thấm thía và lay động lòng người hơn trước.
Nỗi buồn được cảm thông và chia sẻ trong thơ họ rất thật, nó mệt mỏi, nhức đau như chính sự tàn khốc của chiến tranh. Thơ của họ như bản giao hưởng của rất nhiều khái niệm, cảm giác, suy ngẫm và ý tưởng, cùng tấu lên tràn đầy sức tưởng tượng lạ lẫm.
Những “nỗi buồn chiến tranh” để lại không ít vết thương trong trái tim nhà thơ”… Mặc định như một sự so sánh và đối sánh về những khác biệt thế hệ, Nguyễn Thanh Tâm nhấn mạnh năng lực tiếp nối của thế hệ tác giả trẻ 8X dưới 35 tuổi với những Trịnh Sơn, Võ Thu Hương, Nguyễn Thị Kim Hòa, Nguyệt Chu, Trần Thị Tú Ngọc, Minh Moon, Đình Phương, Huỳnh Trọng Khang, Lê Quang Trạng (văn)…, Đỗ Tấn Đạt, Hồ Huy Sơn, Đào Quốc Minh, Du Nguyên, Lý Hữu Lương (thơ), v.v…
Từ đây, Nguyễn Thanh Tâm quan sát và nêu vấn đề: “Khi những tượng đài của văn học thời chiến vẫn tỏa bóng, thậm chí trở thành những huyền thoại, nhà văn trẻ phải đối diện với hai thách thức, thoát khỏi ám ảnh của những tác phẩm đã đóng đinh vào lịch sử văn học thời chiến, đồng thời, kiến tạo bản sắc của thế hệ mình.
Tuy nhiên, đọc tác phẩm của các nhà văn trẻ, chúng ta vẫn chưa nhận thấy những cuộc bứt phá ngoạn mục chứng tỏ họ đã thoát ra được cái bóng của cha anh”, đồng thời nêu rõ thách thức và khoảng cách thời cuộc chiến tranh sẽ ngày càng xa rộng hơn: “Chiến tranh đã lùi xa, trở nên lạ lẫm với những người trẻ tuổi.
Bởi thế, đến với chiến tranh, sự trình bày của họ trước hết có thể xem như là những đề xuất, những khả năng của một thực tại chiến tranh, thực tại văn chương mới”…
Nguyễn Thanh Tâm thừa nhận và ghi nhận một sự thật trước sự chuyển hướng, chuyển hóa trong nhận thức của lớp nhà văn trẻ về những nghịch lý trong kinh nghiệm đời sống thực tế với tâm lý sáng tạo nghệ thuật: “Có thể thấy, nổi bật lên trong sáng tác của các nhà văn trẻ là cảm thức hoài nghi, thậm chí phê phán chiến tranh.
Đó là tâm trạng của những người chứng kiến bi kịch hậu chiến, nơi dư chấn chiến tranh còn dai dẳng. Bản chất phục tùng hay lôi cuốn của diễn ngôn sử thi, của trật tự thời chiến đã bị giải toả bởi thực tại ảm đạm, bi đát mà chiến tranh còn để lại.
Có nghịch lý không khi nói, thiếu trải nghiệm chiến tranh hóa ra lại là một cơ hội của người viết trẻ? Không bị chi phối bởi các diễn ngôn quyền lực về chiến tranh, về nguyên lý phân cực (chính nghĩa – phi nghĩa, ta – địch, thiện – ác, bên này – bên kia,…), các thiết chính trị, xã hội, văn hóa thời chiến, các nhà văn trẻ tự do hơn trong cách hình dung, tưởng tượng và trình bày cuộc chiến như mình cảm nhận […].
Không bị các học thuyết hay tư tưởng hệ chi phối, những tưởng tượng, hình dung của nhà văn trẻ từ sách vở, nhân chứng,… đôi khi lại chạm đến vấn đề có tính phổ quát của chiến tranh: bạo lực và phi nhân tính.
Do thế, vấn đề thân phận con người cũng được nhìn gần hơn”, đồng thời nhấn mạnh một sự thật không thể trối bỏ trong thời buổi hội nhập, hòa hợp dân tộc: “Sự xuất hiện của những tác phẩm viết về chiến tranh nhìn từ phía bên kia hoặc không quan tâm đến bên nào có lẽ là một câu chuyện cần phải giải thích cụ thể hơn trên bình diện tâm lý học sáng tạo, xã hội học văn học”…
Ở đây, có thể nói đến sự gia tăng khoảng cách thời gian cuộc chiến đã giúp hậu thế đánh giá toàn diện, bản chất hơn hiện thực chiến tranh, tạo nên những liên kết, chiếu ứng lẫn nhau song cũng đưa đến những khác biệt trong việc định giá, đặc biệt mở rộng phương thức vận dụng và sáng tạo các hình thức diễn ngôn nghệ thuật mới mẻ.
Trên phương diện hình thức nghệ thuật, các nhà phê bình ghi nhận nhiều cách thức, xu thế sáng tạo khác xa so với giai đoạn trước đây.
Có thể thấy rõ các nhà văn viết về chiến tranh giai đoạn đầu thế kỷ XXI không quá chú trọng về nội dung “cái được biểu đạt” mà trở nên cân bằng, thậm chí đặt cược vào năng lực sáng tạo ngôn từ nghệ thuật “cái biểu đạt”.
Tìm hiểu sự chuyển đổi nhận thức làm nền cho sự vận động nghệ thuật, Lê Hương Thủy đặt cược vào tâm thức sáng tạo của một thế hệ nhà văn trẻ sống trong một bối cảnh khác, mong muốn viết mới, viết khác: “Đổi mới cách nhìn về hiện thực chiến tranh không đơn thuần là nhận thức lại hiện thực chiến tranh mà còn là việc viết về chiến tranh với một cảm quan mới”…
- Xem thêm: Một cách tồn tại ngược chiều gió thổi
Phan Tuấn Anh đặt vấn đề giới hạn nội dung chủ nghĩa dân tộc truyền thống trên tiêu chí nhận thức địch – ta, chính diện – phản diện, ta thắng – địch thua và sự chuyển đổi năm hệ hình diễn ngôn nghệ thuật ở bộ phận tiểu thuyết về chiến tranh biên giới như một kiểu đề tài ngoại biên (tính dục – libido discourse, chấn thương – trauma discourse, huyền ảo – magical discourse, đa thanh – polyphonic discourse và kẻ thua trận): “Chính từ diễn ngôn đa thanh đã qui định cấu trúc tác phẩm và chiến lược trần thuật của các tiểu thuyết không đi theo lối tuyến tính, đơn tuyến truyền thống, mà được cách tân theo hướng mê lộ và liên văn bản…
Khuôn mặt chiến tranh hiện ra không hề lãng mạn, hoặc tàn ác chỉ dành cho một phía, Nguyễn Bình Phương [trong tiểu thuyết Mình và họ – NHS thêm] đã trình bày một hiện thực khác, xa lạ so với những diễn ngôn dân tộc truyền thống, nhưng thực ra đó mới chính là khuôn mặt đích thực của chiến tranh.
Trong cuộc chiến, quân ta cũng sẵn sàng xuống tay bạo lực không kém gì quân giặc” và cuối cùng là một hoàn cảnh mới, tình thế mới, một thử thách mới, một lối ứng xử mới đã xuất hiện…
Tâm thế tiếp nhận của người đọc đương đại
Nghiên cứu tiếp nhận tức là “nghiên cứu sự nghiên cứu”, bao gồm công việc hệ thống, phân tích, đánh giá các đặc điểm, hiện tượng tác gia, tác phẩm thơ văn viết về chiến trong khoảng gần 20 năm đầu thế kỷ XXI.
Có một sự hô ứng rõ nét, hay là sự “Chúng khẩu đồng từ” giữa giới phê bình, dư luận bạn đọc và giới sáng tác về đề tài chiến tranh những năm đầu thế kỷ XXI. Bùi Việt Thắng đồng cảm với cách nghĩ mới, cách viết mới của Lê Lan Anh, Lê Minh Khuê và đi sâu thám sát hiện tượng Dạ Ngân trong một tác phẩm vừa mới xuất bản: “Dạ Ngân trở nên rất khác trước trong tác phẩm vừa trình làng năm 2017 – Người yêu dấu và những truyện khác…
Trước đây, đọc Dạ Ngân có thể đôi khi thấy buồn nhưng không thấy đau. Nay thì buồn đau. Đau vì chết chóc, giết chóc quá nhiều. Nhưng nỗi đau này không phải của riêng ai (của Má, của Tôi, hay Thế Cang,…).
Đọc Dạ Ngân lần này mới thấy một “Việt Nam máu và hoa” (thơ Tố Hữu). Đau đớn và day dứt vô tận “làm sao để thoát ra khỏi chiến tranh?”…
Thái Phan Vàng Anh tập trung đặt cược vào sự tiếp nhận thời hậu chiến, xác định sự đồng cảm với nỗi đau, phản tư – phản tỉnh – thức tỉnh “con người chấn thương” ở tầm dân tộc với sự trùng điệp “từ nỗi đau cộng đồng đến bi kịch cá nhân”, hướng đến giải cấu trúc “phía này – phía kia”, đồng cảm với suy tư của Vĩnh Quyền (tiểu thuyết Mảnh vỡ của mảnh vỡ, 2015. Giải B cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam, 2011-2015)…
Mở rộng tầm nhìn, Trần Đăng Trung đặt vấn đề về dòng chảy văn học chiến tranh không chỉ như một đối tượng nghiên cứu văn chương mà còn là nhu cầu tinh thần xã hội, tinh thần thời đại, hướng đến hoạt động nhận thức: “Hơn bất cứ cuộc chiến tranh thời hiện đại nào khác mà nước Mỹ từng can dự, Việt Nam là sự kiện sản sinh ra khối lượng sáng tác văn học đồ sộ nhất, đa dạng và phức tạp nhất với số lượng tác phẩm ngày càng gia tăng theo thời gian”…
Xác định thực trạng “Trong suốt một thời gian dài, những nghiên cứu về văn học chiến tranh Việt Nam bị bó hẹp trong khuôn khổ quốc gia – dân tộc của mỗi bên tham chiến”, Trần Đăng Trung đi tới thức nhận những phẩm chất nhân tính chung, những phản xạ tình thế trước thời cuộc và sự trưởng thành của con người thông qua sự trưởng thành của các năng lực tiếp nhận: “Những tác phẩm văn học cùng những diễn giải từ nhiều góc độ, quan điểm, hệ giá trị vén lên bức màn mờ ảo và hỗn loạn mà cuộc chiến gây ra đối với nước Mỹ”…
Nhận diện sự chuyển đổi từ định dạng nghiên cứu trường hợp hai cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương: Mình và họ (2014) và Kể xong rồi đi (2017), Đỗ Hải Ninh chiêm nghiệm khả năng phản ánh hiện thực qua khoảng cách “Âm vọng chiến tranh”, đi từ “giai điệu của ký ức chiến tranh” đến các tệp tin “Những tiếng nói đa thanh” và điệu khúc “Bản giao hưởng thời hậu chiến”…
Từ góc nhìn tiếp nhận văn hóa và đặt trong mối quan hệ liên ngành nghệ thuật, Hoàng Cẩm Giang đi sâu lý giải khả năng “cải biên văn học chiến tranh” ở phạm vi nữ quyền sinh thái gắn với tác phẩm văn học, vai trò kịch bản và tác phẩm điện ảnh thuộc nửa đầu thời kỳ Đổi mới (1986-2000).
Hệ hình nữ quyền sinh thái được lược quy về các vấn đề “Người đẹp – cỏ cây, nỗi buồn chiến tranh và những tổn thương vĩnh cửu”, đặc biệt chú trọng điểm nhấn “cái nhìn của nam giới” (male gaze) vừa như một ẩn số vừa như nghịch lý của những tự sự lớn và nhỏ.
Khảo sát qua các phẩm kép văn học – điện ảnh, nhà văn – đạo diễn như Cỏ lau – Cỏ lau (Nguyễn Minh Châu – Anh Đức), Người sót lại của Rừng Cười – Người sót lại của Rừng Cười (Võ Thị Hảo – Trần Phương), Bến không chồng – Bến không chồng (Dương Hướng – Lưu Trọng Ninh),… người viết đi đến xác nhận những sự lệch pha trong tiếp nhận làm nên thị hiếu và những thang bậc giá trị nghệ thuật kiểu mới: “Có thể nói, vượt ra ngoài “tầm đón đợi” của độc giả/ khán giả vốn quen thuộc với những tự sự chiến tranh như thế, trong các phim nói trên, ta sẽ thấy một “vi lịch sử”, một cuộc chiến của riêng phụ nữ và cỏ cây, được kể lại qua “female gaze” độc đáo, đầy nữ tính và luôn gắn liền với trạng thái đẹp đẽ, tràn đầy sự sống hoặc bị băm nát, bị hủy hoại tàn khốc của tự nhiên.
“Một cuộc chiến tranh khác”, đó là điều đã được các phim cải biên tác phẩm văn học thời hậu chiến thực hiện thông qua ngôn ngữ điện ảnh, thông qua một cách đọc khác không chỉ với chiến tranh, với người nữ, hay với tự nhiên, mà với chính các diễn ngôn trần thuật của văn chương trong quá khứ”…
Xét về định lượng, hiện thực chiến tranh chỉ có một với tất cả phạm vi thời gian và không gian, chiến tích và quân số thương vong, mức độ khốc liệt và sức bền ý chí…
Tuy nhiên, đằng sau mỗi cuộc chiến đó là số phận nhân dân, đất nước, dân tộc, thời đại và những cách tiếp cận, tiếp nhận và lý giải khác nhau, truy tìm và truy cầu khác nhau.
Có thể nhận ra trong tính tương đồng trong tâm thế tiếp nhận cả ở phía người sáng tác và người phê bình – người đọc về văn học chiến tranh.
Đã có khoảng cách và sự phát triển nhất định trong hoạt động tiếp nhận văn học chiến tranh những năm đầu thế kỷ XXI với nhiều mức độ giao thoa, lan tỏa, hội tụ giữa các bên, giữa ta và ta, giữa “ta” và “địch”, giữa trong nước và nước ngoài, giữa người hôm qua với thế hệ hôm qua, giữa người hôm nay với người hôm qua, giữa người hôm nay với chính người hôm nay.
Đương nhiên, trên tất cả, sự nhận thức và cách tiếp nhận mới, khác đến đâu cũng không thể đi ngược những hy sinh mất mát một thời vì nền độc lập của đất nước, quốc gia, dân tộc…
(*) Đỗ Hải Ninh (Biên soạn): Tự sự về chiến tranh trong văn học Việt Nam đương đại. Nxb. Lao động, H., 2018, 556 trang. Các trích dẫn trong bài đều theo sách này.