Ở cương vị của một giám đốc, nhiệm vụ của bạn là phát huy tối đa khả năng của các nhân viên. Phong cách lãnh đạo của sếp ảnh hưởng rất lớn đến động cơ và năng suất làm việc của nhân viên. Làm thế nào để tạo ra phong cách này?
Lãnh đạo bằng cách làm gương trước tiên phải nói và làm đi đôi với nhau. Sếp cần phải làm gương cho nhân viên qua tính trung thực và liêm chính của mình, qua hành động và việc thực hiện những điều mình đã hứa.
Nếu là người ban hành ra một số nguyên tắc làm việc thì sếp phải là người thực thi những nguyên tắc đó trước, đồng thời phải đảm bảo rằng chúng được củng cố và mang tính bắt buộc.
Nếu không làm được điều này, sếp sẽ gửi đi cho các nhân viên một thông điệp rằng những quy tắc đó chẳng có giá trị gì.
Dĩ nhiên, không nhất thiết phải lập ra những nguyên tắc cứng nhắc để trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả. Trên thực tế, khi càng có ít nguyên tắc thì chúng càng có sức mạnh và càng dễ nhớ hơn đối với các nhân viên.
Tuy nhiên, nếu có vi phạm nào, dù nhỏ, thì sếp cũng làm cho nhân viên mất tin tưởng và đi tìm những lời khuyên từ người khác. Khi phạm sai lầm, sếp phải dũng cảm thừa nhận ngay thì sếp mới được các nhân viên tôn trọng và tin tưởng.
Làm lãnh đạo không chỉ đơn giản là đưa ra luật và mong đợi mọi người sẽ tuân theo. Phong cách này đã từng có tác dụng rất tốt trong quá khứ nhưng không còn hợp thời trong thế giới công việc ngày nay.
Nếu sếp muốn các nhân viên tin tưởng và tôn trọng mình thì phải tìm hiểu và lắng nghe nhân viên để hiểu biết nhiều chuyện đang xảy ra xung quanh mình và nhân viên cũng có cơ hội để tham gia vào nhiều công việc hơn của tổ chức.
Mặt khác, việc lắng nghe và khuyến khích nhân viên nói là cơ sở để phát hiện nhân tài và những ý tưởng sáng tạo góp phần thúc đẩy phát triển tổ chức.
Nói đi đôi với làm nghe có vẻ rất hiển nhiên, nhưng thực tế thì các giám đốc thường quên những điều mà mình đã nói do áp lực của công việc và nhiều lý do khác.
Sếp cũng có thể là người “lách luật” để tạo ra sự thuận lợi cho mình. Nếu điều đó xảy ra, chắc chắn các nhân viên sẽ có thêm lý do để bất tín sếp và tâm lý này sẽ lây lan rất nhanh trong tổ chức.
Lãnh đạo bằng cách làm gương còn phải được thể hiện trong cách đối nhân xử thế. Nếu sếp làm lãnh đạo “từ trên cao”, lúc nào cũng đóng cửa văn phòng, hạn chế thể hiện các hành động hay thái độ của mình, sếp sẽ bị các nhân viên xem là người lạnh lùng, xa cách và họ sẽ ít chịu chia sẻ thông tin với sếp.
Đây là một điều bất lợi vì những vấn đề, rủi ro tiềm ẩn sẽ không đến tai sếp kịp lúc. Nguy hại hơn là điều đó sẽ tạo thành một phong cách trong văn hóa của doanh nghiệp. Nếu các sếp luôn tỏ ra niềm nở, ân cần với khách hàng thì các nhân viên của doanh nghiệp cũng sẽ làm như vậy.
Lãnh đạo hiệu quả bằng cách làm gương còn đòi hỏi sếp phải học cách đặt ra những thứ tự ưu tiên cần thiết trong công việc và dùng đúng người, đúng việc.
Việc phân bổ và giao phó công việc hợp lý là một minh chứng nữa cho thấy “hành động mạnh hơn lời nói” và tạo ra sự tin tưởng từ nhân viên.