Một tác phẩm văn chương làm lại không phải là bằng chứng cho sự thiếu sáng tạo. Nó đơn giản là “tân trang”, là một phần thiết yếu để nghệ thuật tiếp tục tiến về phía trước, đồng thời vẫn kết nối với tinh hoa từ quá khứ.
Hãy cứ tái chế, tái tạo, viết lại, sử dụng mọi cách, tận dụng mọi thứ có thể nhào nặn trong tay và hãy nhớ tắt Facebook trong lúc làm việc.
1. Có phải là đạo văn?
Sáng ấy, với tách cà phê và chiếc máy tính xách tay, nhà văn Mỹ Lincoln Michel ngồi vào bàn làm việc, định viết lại một câu chuyện cũ và rồi anh phạm phải sai lầm lớn nhất mà bất kỳ tác giả nào cũng có thể phạm phải: mở Facebook.
Giữa những bài viết về nỗi kinh hoàng hiện tại dưới thời Chính quyền Trump, anh không thể rời mắt khỏi cuộc thảo luận về tác phẩm đầu tay của Sadia Shepard, truyện ngắn Kiều bào trở lại (Foreign-Returned). Francine Prose (Mỹ) khởi động một loạt bài viết tấn công Shepard trên Facebook.
Bà nói rằng cảm thấy vô cùng khó chịu khi đọc Kiều bào trở lại bởi nó sử dụng tình tiết, thậm chí cả giọng điệu tương tự với một truyện ngắn của nhà văn Pháp Mavis Gallant.
“Sự khác biệt duy nhất chỉ là các nhân vật của Shepard là người Pakistan ở Connecticut, Mỹ trong thời đại Trump trong khi các nhân vật của Gallant là người Canada sau Thế chiến thứ hai ở Geneva của Thụy Sĩ”, Prose dè bỉu. Bà còn gọi Kiều bào trở lại là “tác phẩm nhái”.
Một vài tác giả khác cũng vào hùa với Prose như Marlon James của Jamaica. Ông nói rằng rất hối hận vì đã không nhận ra “nọc độc tự nhiên… khi Jonathan Safran Foer (Mỹ) tùy ý đạo văn tác phẩm Bắt đầu, kết thúc (Beginning, End) của Jessica Soffer”.
Truyện ngắn mà Michel định viết nhưng lại từ bỏ vì rơi vào hố đen truyền thông xã hội có tựa đề Nghệ sĩ đa cảm (A Feeling Artist).
Anh có ý viết nó để thể hiện sự kính trọng đối với Nghệ sĩ tuyệt thực (A Hunger Artist) của Kafka (Tiệp Khắc), đặt Nghệ sĩ tuyệt thực trong bối cảnh thế giới đương đại, nơi một “nghệ sĩ đa cảm” sẽ tự thấy ánh hào quang của mình bị che khuất bởi ứng dụng điện thoại và các nghệ sĩ thay đổi cảm xúc như thay áo trên YouTube.
Michel chưa biết Nghệ sĩ đa cảm có làm nên cơm cháo gì không song anh chắc chắn tính lấy vài phần từ Nghệ sĩ tuyệt thực yêu thích, tái cấu trúc theo quan điểm cá nhân. Thế nên nhà văn trẻ lập tức bị cuốn vào cuộc tranh luận do Prose chủ trì.
Trong các bình luận của mình, Prose cho biết bà đang cùng nhiều tác giả khác liên hệ với The New Yorker (tạp chí đăng tải Kiều bào trở lại) để khiếu nại.
Họ khẳng định không bao giờ muốn đọc một tác phẩm lấy cảm hứng, tình tiết hay cấu trúc của một tác phẩm khác. Họ muốn một tác phẩm hoàn toàn là “sáng tạo”.
2. Vay mượn – chuyện bình thường
Michel không chắc mọi người tiếp tục suy nghĩ, đánh giá thế nào về Kiều bào trở lại của Shepard, nhưng anh biết rõ hầu hết các vở kịch của William Shakespeare đều vay mượn tình tiết, nhân vật, thậm chí cả tên từ những vở kịch khác và chắc chắn vô số tác phẩm nghệ thuật lớn cũng được hình thành bằng cách lấy cảm hứng từ Shakespeare.
Ví dụ: Ngai vàng đẫm máu (Throne of Blood) của Kurosawa Akira (Nhật Bản), Rosencrantz và Guildenstern đã chết (Rosencrantz and Guildenstern are Dead) của Tom Stoppard (Cộng hòa Czech).
Tác giả “đạo” Shakespeare có thể “đạo” vì sự yêu thích, ngưỡng mộ hoặc đơn giản là mô phỏng, tái chế, đặt trong bối cảnh mới. Tất nhiên, tùy trường hợp mà “mức độ” sáng tạo là khác nhau.
Nghệ thuật là cuộc đối thoại giữa các nghệ sĩ. Văn chương là phòng khiêu vũ khổng lồ trải rộng theo không gian, kéo dài qua thời gian.
Từ trong nó, các tác giả tranh luận, phản bác, tán tỉnh, chuyện trò với nhau. Họ “ăn cắp” ý tưởng để khiến nó trở nên hấp dẫn hơn, hoặc khiến chúng thành ra khác biệt hay bộc lộ vấn đề riêng.
Không nhà văn nào không từng “đạo văn”. Tất cả chúng ta đều biết điều đó. Thế nhưng, trong thế giới sáng tạo đương đại, mọi người lại khó chịu khi cảm thấy cuộc đối thoại đó là thứ mình từng nghe?
Nếu nhà văn nào đó tin rằng họ hoàn toàn độc lập, không bao giờ chạm phải ai hay bị xúc động bởi tài liệu nào thì điều đó là quá vô lý và nghẹt thở.
Tại sao người sáng tạo, trong tư cách một nhà văn, phải giả vờ không bị ảnh hưởng bởi ai hay cái gì? Các nhà thơ thường xuyên viết thơ đối ứng và thơ vay mượn.
Các tác giả khoa học viễn tưởng, giả tưởng không ngừng ảnh hưởng lên người khác và bị người khác ảnh hưởng.
Có tác giả hy vọng giao tiếp với một phạm trù độc giả xác định. Có tác giả ôm giấc mơ viết cho mọi người. Chẳng có gì để đảm bảo một nhà văn tuyệt đối không “đạo văn”.
Ngay cả khi ai đó khăng khăng không giẫm vào vết xe của người khác, nó cũng chỉ đơn giản là họ tránh được bắt chước các nhân vật, phong cách của các tác giả mà họ biết và hiểu rõ ràng.
Vả lại, không phải là thú vị sao, khi xem cái gì đó quen thuộc nhưng lại trong ngữ cảnh mới, với ý tưởng, phương hướng giải quyết mới?
3. Quyền chiếm đoạt
Khi mới tập tọe vào nghề, tác phẩm khai sáng cho Michel về “tái chế văn chương” là Vụ ám sát John Fitzgerald Kennedy như cuộc đua xe trượt dốc (The Assassination Of John Fitzgerald Kennedy Considered As A Downhill Motor Race) của J.G. Ballard của Anh.
Nó khá vui nhộn và siêu thực, khiến người đọc không thể không lưu tâm về khoảnh khắc tối tăm nhất của nước Mỹ theo cách mới nhất.
- Xem thêm: Bất cập về quyền tác giả ở Việt Nam
Vụ ám sát John Fitzgerald Kennedy như cuộc đua xe trượt dốc cũng là một “tái chế” hoàn chỉnh. Ballard sử dụng cấu trúc, nhịp điệu, ngôn từ tương tự nhưng đặt trong ngữ cảnh khác, từ đó tạo ra ý nghĩa khác.
Michel thích Vụ ám sát John Fitzgerald Kennedy như cuộc đua xe trượt dốc. Anh yêu sự tươi vui của nó, cái mà anh không tìm thấy trong các tác phẩm kinh điển được giảng dạy ở trường đại học.
Michel cũng thích cách Ballard đưa tư duy mới vào câu chuyện cũ. Dù tác phẩm này của Ballard không hẳn là cuốn sách hay nhất, nó lại là chìa khóa mở ra cánh cửa sáng tác cho Michel.
Anh phát hiện nhiều tác phẩm yêu thích của mình là “hàng tái chế”, ví dụ Căn phòng đẫm máu (The Bloody Chamber) của Angela Carter của Anh “đạo” truyện cổ tích; Ballad của Black Tom (The Ballad of Black Tom) của Victor LaValle của Mỹ “nhại” Lovecraft (Mỹ).
Chúng ta cũng có thể là “tín đồ” của “tái chế” nếu yêu thích những tác phẩm như Biển lớn Sargasso (Wide Sargasso Sea) của Jean Rhys của Anh “nhại” Jane Eyre (Jane Eyre) của Charlotte Bronte hay Chúng ta nói gì khi chúng ta nói về Anne Frank (What We Talk About When We Talk About Anne Frank) của Nathan Englander (Mỹ).
Một tác phẩm văn chương làm lại không phải là bằng chứng cho sự thiếu sáng tạo. Nó đơn giản là “tân trang”, là một phần thiết yếu để nghệ thuật tiếp tục tiến về phía trước, đồng thời vẫn kết nối với tinh hoa từ quá khứ.
Sẽ dễ tiếp nhận hơn nếu chúng ta đặt nó tương ứng với thơ có khuôn khổ. Thế giới có vô hạn các bài thơ được tạo ra trong cấu trúc thơ haiku của Nhật Bản hoặc sonnet.
Sự ngây ngất của ảnh hưởng (Ecstasy of Influence) của Jonathan Lethem là cuốn sách tuyệt vời lý giải về quyền “chiếm đoạt các hình thức nghệ thuật” trong sáng tạo này.
4. Chỉ là lòng ngưỡng mộ
Dù phân tích và chỉ chứng “tái tạo văn chương”, Michel không hề có ý “điều hướng” sáng tạo. Anh chỉ muốn nói tác phẩm cũ cũng có thể là mảnh đất màu mỡ cho mầm sáng tạo.
Tại đó, bằng việc cày xới lại, nhà văn đương đại giao tiếp với tác giả, thời đại đã qua, hình thành cuộc đối thoại văn hóa.
Michel cũng đề xuất ý tưởng: so với việc kịch liệt chỉ trích, hãy đặt ra giới hạn pháp lý rõ ràng về những gì được cho phép và không được cho phép “đạo”, để thực tế không trở nên quá khắt khe với các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn mới bắt đầu bước lên con đường viết lách.
Trả lời phỏng vấn của The New Yorker, Shepard thẳng thắn thừa nhận Kiều bào trở lại của cô là một “tri ân” gửi tới Mavis Gallant, tác giả yêu thích của mình, đặc biệt là với câu chuyện Xe ngựa xuống phố (The Ice Wagon Going Down the Street).
Trên Facebook, Shepard từ tốn đối thoại với Prose, cảm ơn nhà văn đã quan tâm và giải thích ý định của cô đơn giản là “tái sử dụng” bối cảnh câu chuyện của Gallant vào bối cảnh mới, cụ thể là ngày nay, với các nhân vật Pakistan và cộng đồng Pakistan, từ đó mở ra quan điểm về xã hội, chính trị hiện tại cũng như cuộc sống của người Hồi giáo tại Mỹ.
Prose vẫn chưa hài lòng. Bà cho rằng mỗi người đều có một câu chuyện riêng để kể và mong các biên tập viên hãy khuyến khích điều đó.
Cá nhân Michel vẫn tin nhà văn có thể linh động sử dụng mọi “công cụ” văn chương xung quanh, nhặt nhạnh bất cứ thứ gì thấy và cần, từ bất cứ nơi nào muốn.
Chúng ta có thể đặt Jane Austen trong một câu chuyện của Stephen King (Anh), cũng có thể “ăn cắp” âm mưu của Charles Dickens (Anh) và uốn cong, bẻ gãy nó sao cho phù hợp với ý tưởng mới, hay trộn lẫn với Gabriel García Márquez của Colombia), vay mượn James Joyce của Ireland…
Hãy cứ tái chế, tái tạo, viết lại, sử dụng mọi cách, tận dụng mọi thứ có thể nhào nặn trong tay. Và hãy nhớ tắt Facebook trong lúc cố gắng làm việc.