Đám cưới là một nghi thức tốt đẹp để kỷ niệm sự hợp nhất của hai người trên hành trình chia sẻ phần còn lại cuộc đời của họ với nhau.
Mỗi nền văn hóa có phong tục riêng về hình thức kết hôn, thường phụ thuộc vào tín ngưỡng và đôi khi cũng do mê tín. Sau đây là những truyền thống đám cưới khác thường, nhưng thú vị theo các phong cách rất riêng ở khắp nơi trên thế giới.
1. Pháp
Ở Pháp, khi người ta kết hôn (đặc biệt là các đôi vợ chồng trẻ), bạn bè và gia đình tập trung tại nhà của cặp vợ chồng mới cưới, đập vào nồi và xoong chảo đồng thời la hét và ca hát.
Đôi vợ chồng mới cưới phải bước ra ngoài để phục vụ những vị khách đồ uống, thức ăn nhẹ và đôi khi thậm chí còn cho tiền để họ ra về.
Có những trường hợp cực đoan hơn: nếu bị phớt lờ, những vị khách sẽ đột nhập vào nhà, bắt cóc chú rể và đem anh đến một nơi nào đó rất xa. Sau đó anh ta sẽ phải tìm đường về nhà và có thể sẽ bị lột hết quần áo.
Truyền thống charivari này (còn gọi là shivaree, nghĩa là la hét om sòm) đã có từ thời Trung cổ. Khi các góa phụ được cho là đã tái hôn quá sớm, những người hàng xóm đã tham gia vào hành vi gây rối này trong đêm tân hôn. Tuy nhiên, nói chung truyền thống đều nhằm mục đích vui nhộn.
2. Mauritania
Ở Mauritania, một cô gái càng lớn sẽ càng trở nên hấp dẫn. Đây là lý do tại sao các bậc cha mẹ đã gửi các cô con gái của họ, một số bé gái chỉ mới lên năm tuổi, đến “các trại béo mập” trong mùa hè để tăng cân.
Truyền thống này được gọi là Leblouh. Các cô gái phải ăn một lượng thức ăn vô lý và thậm chí có thể bị ép ăn trong một số trường hợp.
Người ta tin rằng những cô gái này tiêu thụ tới 16.000 calorie mỗi ngày. Tập tục này bắt nguồn từ niềm tin rằng kích cỡ của người phụ nữ biểu thị cho không gian mà cô ấy ngự trị trong trái tim của người chồng.
Kích cỡ của người phụ nữ cũng biểu thị sự giàu có của người chồng. Anh càng giàu, vợ anh càng đẫy đà. Khi đến thời điểm, chàng trai và gia đình anh ta sẽ chọn cô dâu của anh và thỏa thuận với gia đình cô ta. Cô gái càng dư cân sẽ càng hấp dẫn.
3. Scotland
Bôi nhọ là một phong tục đám cưới truyền thống của người Scotland, được thực hiện trước buổi lễ như cách để tượng trưng cho những thử thách gian khổ trong hôn nhân.
Cô dâu, chú rể hoặc cả hai đều bị nhúng vào bất cứ thứ gì thật ghê tởm, chẳng hạn như trứng, cá chết, thức ăn thối, sữa đông, hắc ín, bùn, hoặc bột mì bởi bạn bè và gia đình của họ.
Sau đó, hoặc họ bị buộc vào một cái cây hoặc được đưa đi xung quanh thị trấn ở phía sau một chiếc xe tải mở toang. Ý tưởng là nhằm làm họ trở nên rất khó chịu và bị càng nhiều người chứng kiến càng tốt.
Người ta tin rằng sau khi cùng nhau trải qua những chuyện như vậy, cặp đôi có thể trải qua tất cả những thử thách và đau khổ mà hôn nhân đòi hỏi. Bôi nhọ được thực hành chủ yếu ở các vùng nông thôn phía đông bắc Scotland.
4. Trung Quốc
Trong cộng đồng người Thổ Gia (Tujia) ở Trung Quốc có một phong tục là các cô dâu phải khóc trong lễ cưới.
Các trưởng lão tin rằng đây là cách để thể hiện lòng biết ơn và tình yêu của cô dâu đối với cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình. Nếu cô dâu không khóc thì những vị khách sẽ coi thường cô là một cô gái thiếu nhận thức.
Cô dâu bắt đầu tập khóc một tháng trước đám cưới. Cô dành một giờ mỗi đêm để khóc thật lớn. Sau 10 ngày, mẹ của cô dâu tham gia tập luyện, tiếp theo là bà của cô dâu và các những phụ nữ khác. Những giọt nước mắt không biểu thị nỗi buồn nhưng là niềm vui và sự hy vọng. Tập tục này ngày nay không còn phổ biến nữa.
5. Borneo
Mặc dù người Tidong ở Borneo vốn có nhiều truyền thống đám cưới, nhưng tập tục kỳ lạ nhất của họ là cấm các cặp vợ chồng sử dụng phòng tắm trong ba ngày sau đám cưới. Điều này có nghĩa là cô dâu và chú rể phải cố gắng hạn chế tiểu và đại tiện trong ba ngày liên tiếp.
Nếu họ sử dụng phòng tắm trong thời gian này, người ta tin rằng điều đó sẽ mang lại vô số rủi ro cho cuộc hôn nhân vì việc tắm rửa chứa đầy hàm ý không chung thủy hoặc thậm chí là cái chết của con cái của họ từ khi chúng còn rất nhỏ.
Trong giai đoạn sau đám cưới này, cặp đôi được theo dõi bởi một số người chỉ cho họ ăn uống tối thiểu. Sau ba ngày, đôi vợ chồng mới cưới sẽ được tắm và được phép trở lại cuộc sống bình thường.
6. Trung Quốc và Mông Cổ
Người Daur (Đạt Oát Nhĩ) ở Trung Quốc và một phần của Nội Mông có cách chọn ngày cưới độc đáo. Cặp vợ chồng đính hôn giữ một con dao và sử dụng nó để làm thịt một con gà con.
Sau đó, họ mổ nó để kiểm tra các cơ quan của nó. Nếu bộ gan khỏe mạnh, cặp đôi có thể hẹn ngày và bắt đầu lên kế hoạch cho đám cưới.
Tuy nhiên, nếu gan bị bệnh, điều đó được coi là vận may chưa tới. Cặp vợ chồng phải lặp lại quá trình cho đến khi họ tìm thấy một con gà có gan khỏe mạnh.
7. Ấn Độ
Ở một số vùng thuộc Ấn Độ, khả năng tương hợp với khoa chiêm tinh đóng một vai trò rất lớn trong các nghi lễ hôn nhân và đám cưới. Nếu cô dâu sinh ra là người mang sao Hỏa thì cô ấy được cho là bị nguyền rủa và gây ra cái chết sớm cho người chồng.
Để hóa giải lời nguyền này, cô phải cưới một cây chuối. Cây này sau đó bị phá hủy, coi như lời nguyền đã được dỡ bỏ.
Tuy nhiên, hành vi này bị xem là bất hợp pháp vì được cho là vi phạm quyền của nữ giới. Tuy nhiên, mọi người vẫn thực hành nó, kể cả những ngôi sao Bollywood như Aishwarya Rai.
8. Xứ Wales
Ngay từ đầu thế kỷ 17, người dân xứ Wales đã có một truyền thống tán tỉnh độc đáo. Một chàng trai sẽ lấy một mảnh gỗ và điêu khắc nó thành một cái muỗng, sau đó đem tặng nó cho cô gái mà anh ta đang tán tỉnh, xem như một dấu hiệu của tình yêu.
Nếu được chấp nhận, chiếc muỗng trở thành biểu tượng cho nghi thức đính hôn giữa đôi lứa. Chiếc muỗng tình yêu này cũng được biểu tượng như một lời hứa, rằng chú rể sẽ không bao giờ để cô dâu phải đói.
- Xem thêm: Lễ là tảo mộ
Ngày nay, chiếc muỗng tình yêu có thể được mua. Chúng cũng được dùng làm quà tặng cho những dịp đặc biệt khác, chẳng hạn như lễ rửa tội và sinh nhật. Truyền thống này cũng được tìm thấy tại các khu vực khác ở châu Âu.
9. Maasai
Đám cưới của người Maasai được tổ chức công phu và liên quan đến nhiều truyền thống. Tuy nhiên, các phong tục bất thường nhất liên quan đến chuyện khạc nhổ.
Sau khi cuộc hôn nhân đã được hai gia đình đồng ý, ngày cưới được ấn định. Đến ngày đó, một người lớn tuổi sẽ phun khạc sữa ở phía trước nhà cô dâu để đánh dấu đám rước dâu.
Cô dâu mặc một bộ trang phục đầy màu sắc, nổi bật với dây chuyền làm bằng các thứ vỏ và hạt. Đầu cô được cạo và bôi với mỡ cừu. Sau đó, cha cô sẽ nhổ vào đầu và ngực cô. Hành động khạc nhổ được cho là mang lại may mắn cho cuộc sống hôn nhân của cô dâu.
10. Ấn Độ
Một truyền thống đám cưới khác thường được thực hiện bởi người Tamil ở miền Nam Ấn Độ. Tại một trong nhiều nghi lễ, chú rể phải giả vờ xem xét lại cuộc hôn nhân và làm bộ rời khỏi để trở thành một tu sĩ, trong khi các thành viên gia đình thuyết phục anh ta ở lại và cưới vợ.
Vị tu sĩ sẽ hành lễ trong đám cưới cũng tham gia vào việc “cố gắng thay đổi ý định của chú rể”. Cuối cùng, chú rể đi đến sảnh kết hôn, gia đình cô dâu đón tiếp anh và các nghi thức cưới khác được bắt đầu.