Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá bức tranh toàn cảnh khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chia sẻ chủ đề về cùng chung tay xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á – Thái Bình Dương. Bày tỏ rằng Việt Nam có niềm tin sâu sắc vào tương lai tươi sáng trong hợp tác phát triển của khu vực, cho rằng xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc, đa lĩnh vực đang diễn ra hết sức sôi động và ngày càng thể hiện là xu thế chủ đạo, tuy nhiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ sự quan ngại trước những nguy cơ và thách thức ngày càng lớn đối với hòa bình và an ninh trong khu vực những năm qua. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Có thể nhận thấy những thách thức và nguy cơ xung đột là không thể xem thường. Mọi người chúng ta đều hiểu, nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột quân sự, nhìn tổng thể thì sẽ không có kẻ thắng người thua – mà tất cả cùng thua. Vì vậy, cần khẳng định rằng, cùng nhau xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng là lợi ích chung của tất cả chúng ta”. Để xây dựng lòng tin chiến lược, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia, nhất là các nước lớn và nâng cao hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương, bên cạnh một ASEAN đồng thuận, đoàn kết và với vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế hợp tác đa phương. Việt Nam cùng các nước ASEAN luôn mong muốn các nước – đặc biệt là các nước lớn, ủng hộ vai trò trung tâm, nguyên tắc đồng thuận và sự đoàn kết thống nhất của cộng đồng ASEAN.
Đề cập đến vấn đề Biển Đông, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ASEAN và Trung Quốc đã cùng nhau vượt qua một chặng đường khá dài và cũng không ít khó khăn để ra được Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) tại Hội nghị cấp cao ASEAN ởPhnom Penhnăm 2002. Nhân kỷ niệm 10 năm ký và thực hiện DOC, các bên đã thống nhất nỗ lực tiến tới Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). ASEAN và Trung Quốc cần đề cao trách nhiệm, cùng nhau củng cố lòng tin chiến lược, trước hết là thực hiện nghiêm túc DOC, nỗ lực hơn nữa để sớm có Bộ quy tắc ứng xử (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Chúng tôi cho rằng, ASEAN và các nước đối tác có thể cùng nhau xây dựng một cơ chế khả thi để bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải trong khu vực. Làm được như vậy sẽ không chỉ góp phần đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và tạo điều kiện để giải quyết các tranh chấp, mà còn khẳng định những nguyên tắc cơ bản trong việc gìn giữ hòa bình, tăng cường hợp tác, phát triển của thế giới đương đại”.
Đối thoại Shangri-La được tổ chức lần đầu vào năm 2002, theo sáng kiến của Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc tế (IISS), để đáp ứng nhu cầu thiết thực về một diễn đàn thường niên khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi các bộ trưởng quốc phòng khu vực có thể tham gia vào các cuộc đối thoại nhằm xây dựng niềm tin và bồi dưỡng sự hợp tác an ninh trong thực tế.
Ly Lam