Claudine Grammont là nữ Giám đốc của Bảo tàng Matisse tuyệt đẹp tọa lạc trên ngọn đồi Cimiez thuộc thành phố Nice (Pháp), nơi vừa diễn ra cuộc triển lãm Matisse – Picasso được xem là phá kỷ lục về số người đến xem từ trước đến nay.
Nhân dịp này, Claudine Grammont cũng cho ra mắt quyển tự điển tham khảo về Matisse có nhan đề Tout Matisse (Tất cả về Matisse).
Nữ chuyên gia Claudine Grammont đã tập họp một nhóm gồm 23 biên tập viên quốc tế trong số những chuyên gia hàng đầu về Matisse để thực hiện công trình dày gần 1.000 trang này.
Sáu năm làm việc, 6 triệu ký hiệu, 1.500 mục, 270 tác phẩm với lời bình trải dài trong suốt quá trình sáng tác của danh họa Matisse.
Tout Matisse cũng là quyển tự điển đầu tiên dành riêng cho thiên tài Matisse. Nhân dịp này, tạp chí Le Point đã có cuộc trao đổi với Claudine Grammont về nghệ sĩ vĩ đại của thế kỷ 20.
______
Le Point: Làm thế nào mà Henri Matisse vừa là một nhân vật nổi tiếng lại vừa xa lạ với nhiều người?
Claudine Grammont: Matisse không được biết đến cùng một cách ở Pháp và Hoa Kỳ. Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Matisse nổi tiếng hơn nhiều so với ở quê hương của chính ông là nước Pháp.
Trong thực tế, có rất nhiều du khách người Mỹ đến tham quan Bảo tàng Matisse ở thành phố Nice. Những tác phẩm chính của Matisse được trưng bày trong Viện Bảo tàng MoMA ở New York (Museum of Modern Art in New York), thuộc tổ chức Barnes Foundation, Philadelphia (Hoa Kỳ), tương tự như ở Nga, những tác phẩm lớn được trưng bày ở các Bảo tàng L’Hermitage và Pouchkine.
Những nhà sưu tập lớn các tác phẩm của Matisse đều ở hai quốc gia Mỹ và Nga. Sau Thế chiến thứ hai, nước Pháp chưa thật sự quan tâm đến danh họa Matisse.
Nhiều tác phẩm của ông đã “xuất ngoại” vì giá cả quá cao đối với nước Pháp lúc bấy giờ. Một lý do khác khiến cho nhiều người ít biết đến Matisse: đó là không có Bảo tàng Matisse tại thủ đô Paris, hiện nay chỉ có hai Bảo tàng Matisse, một ở Cateau-Cambrésis, miền Bắc nước Pháp, nơi ông sinh ra, và một ở Nice, trên đồi Cimiez như nêu trên.
Và ở Pháp, người ta biết đến Picasso nhiều hơn Matisse, dù cho cả hai đều là những danh họa cùng thời và có tài năng ngang nhau.
______
Có thật Matisse cũng quan trọng như Picasso?
Tất nhiên rồi. Tầm quan trọng của một nghệ sĩ được đo lường bởi di sản mà ông để lại, những hạt giống ông gieo mầm để nuôi các thế hệ tương lai. Matisse, cũng như Picasso, đã định hình cái nhìn, sự thưởng thức nghệ thuật của chúng ta.
Chúng ta chưa đánh giá đúng mức ảnh hưởng của các tác phẩm của Matisse không chỉ trên nghệ thuật tạo hình mà còn trên các nghệ thuật mang tính đại chúng hơn như thời trang, thiết kế, vải dệt.
Triển lãm các tác phẩm màu bột của ông tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật trang trí ở Paris trong những năm của thập niên 1960 đã có tác động đáng kể.
Nhưng người ta đã không biết nhiều về Matisse qua cuộc triển lãm này. Vào thập niên 1980, Saint Laurent, người chuyên kinh doanh thời trang cao cấp của Pháp, đã thiết kế lại toàn bộ bộ sưu tập lấy cảm hứng từ Matisse.
Các nhà làm phim Đợt sóng mới (Nouvelle Vague) như Godard, Rivette, Rohmer cũng đã đưa “thời trang Matisse” vào phim. Matisse đã là nguồn cảm hứng cho bất kỳ công trình nghệ thuật ngẫu hứng nào, thành phần của màu sắc, sự đơn giản.
Một bức họa bột màu cắt ra có thể tạo ra hiệu quả thị giác lớn và cực kỳ đơn giản. Đó là cách chúng ta đánh giá một nghệ sĩ.
______
Chúng cần lưu giữ điều gì từ cuộc đời và tác phẩm của Matisse?
Có một câu dẫn của người dân Aragon, phía Bắc Tây Ban Nha, mà tôi rất thích: “Sự lạc quan của Matisse là món quà vô giá cho thế giới bệnh tật của chúng ta”.
Ngày nay, câu nói này luôn luôn đúng. Tác phẩm của Matisse được thể hiện trên nền tảng của sự lạc quan và rộng mở: nó dựa trên kiến thức và sự đồng hóa của nhiều nền văn hóa phương Tây. Tôi biết rất ít nghệ sĩ có khả năng am hiểu nhiều nền văn hóa như thế.
Cuộc triển lãm lớn các tác phẩm bột màu cắt của Matisse tại khu trưng bày nghệ thuật Tate Modern Gallery, London, Anh, vào năm 2014, đã thu hút nhiều người xem.
Matisse đã không cho phép chúng ta quên đi sự dằn vặt của thế giới chúng ta sống, nhưng ông có khả năng làm cho cuộc sống của chúng ta dịu đi.
Ông dẫn dắt chúng ta đến với sự tu luyện khổ hạnh. Ông thật sự là một nghệ sĩ nhân văn, một nhà tư tưởng tự do.
Khác với Picasso, Matisse không tham gia một cuộc đấu tranh chính trị nào. Đối với ông, nghệ thuật không nên nghiêng về khuynh hướng này.
Và đó là lý do tại sao ông bị nhiều nhà phê bình của thập niên 1960-1970 công kích. Vào thời đó, giới nghệ sĩ tham gia các sự kiện chính trị. Để có một giá trị nghệ thuật, ông phải kiên định ý thứ hệ.
Vào thời điểm đó, Matisse được xem là người nắm giữ truyền thống Pháp, hóa thân của nghệ thuật trưởng giả. Nhưng chung quanh vấn đề này, người ta đã tạo ra một nghệ sĩ và một huyền thoại.
Trước năm 1914, Matisse là một nghệ sĩ tiên phong, và vào thập niên 1920, chính những người thuộc phái Siêu thực đã phủ lên ông màu đỏ. Ông không còn là nghệ sĩ theo trường phái Dã thú của năm 1914 nữa, mà là “Con mèo đi thụt lùi” như Picasso mô tả.
Ông là hiện thân của sự trở lại của trật tự. Ông bị chỉ trích bởi nhóm nghệ sĩ Breton thuộc vùng Tây Bắc của Pháp. Nhưng vào thập niên 1940, tình thế đã đảo ngược: Matisse trở thành nghệ sĩ hàng đầu ở Hoa Kỳ.
Alfred J. Barr, Giám đốc Viện Bảo tàng MoMA, không đề xuất một Matisse khép lại thế kỷ 20, mà trái lại, Matisse là nhà sáng tạo đã mở ra một trang mới cho lịch sử nghệ thuật.
______
Phải chăng nước Pháp đã để vuột mất Matisse?
Vuột mất ư? Dùng từ này có vẻ hơi mạnh. Nhưng hẳn là nước Pháp đã có phần lơ là với nghệ sĩ tài danh này. Đây là điều hết sức nghịch lý vì Matisse là hiện thân cao nhất của truyền thống Pháp.
Ngay cả người Mỹ cũng nói “Matisse là một người Pháp tự cốt lõi” (French to the core). Sự khác biệt quả thật là đáng ngạc nhiên.
______
Phải chăng việc phát hành quyển tự điển Tout Matisse (Tất cả về Matisse) là nhằm khôi phục danh dự cho Matisse?
Theo một cách nào đó thì đúng là như vậy. Bản chuyên khảo lớn cuối cùng về Matisse là do Pierre Schneider biên soạn và do nhà xuất bản Flammarion ấn hành năm 1984.
Sau đó, chủ yếu là các catalogue phục vụ triển lãm và tiểu sử của Matisse do Hilary Spurling viết và được dịch ra nhiều ngôn ngữ.
Chúng tôi muốn có một quyển sách tổng hợp tập hợp các chuyên gia tầm cỡ nhất và cả các nhà nghiên cứu trẻ để làm mới các quan điểm.
Thực hiện công trình dành cho một nghệ sĩ lớn như Matisse không dễ dàng, đặc biệt là không được lấy những ý tưởng đã công bố. Hình thức của quyển tự điển cũng cho phép độc giả “tự do lang thang” đó đây.
Điều này lại thích hợp với cuộc đời lãng du, rày đây mai đó của Matisse, người không bao giờ sống cố định tại một chỗ lâu ngày. Nhờ đó mà các tác phẩm của ông cũng luôn di động, thay đổi, thông thoáng, nhẹ nhàng.
______
Matisse có quan hệ như thế nào với các nhà văn cùng thời với ông?
Matisse không có ngoại hình “trí thức” cho lắm. Tuy nhiên ông đọc rất nhiều vì ông bị chứng mất ngủ. Ông có hẳn một thư viện theo đúng nghĩa của nó.
Ông biết các tác giả cổ điển, ông thân thiện với vài nhà văn, nhà thơ như Apollinaire, Baudelaire, Mallarmé… dù ông chưa hề gặp họ lần nào. Sau này, ông có cuộc gặp gỡ quyết định với Aragon, gọi là “quyết định” vì cuộc gặp diễn ra trong lúc chiến tranh.
Năm 1971, Aragon phát hành quyển tiểu thuyết có nhan đề Henri Matisse tập hợp nhiều ghi chép và hình ảnh lưu giữ từ năm 1943.
Quyển tiểu thuyết mô tả một Matisse kiên định, cứng rắn giữa lúc diễn ra cuộc xung đột – vợ và con gái ông, Marguerite, đã tham gia kháng chiến, đã từng bị địch bắt, con gái ông thậm chí còn bị Gestapo, mật thám Đức, tra tấn. Lúc bấy giờ, Matisse không hề hay biết.
______
Có chăng một câu chuyện đẹp khác: mối quan hệ giữa Henri Matisse và Jacques-Marie, một nữ tu dòng Đa Minh?
Năm 1941, Matisse bị ung thư và được các nữ tu chăm sóc tại bệnh viện Parc ở Lyon. Trong thời gian dưỡng bệnh tại Nice, Matisse gặp Monique Bourgeois, một nữ y tá đến chăm sóc và đọc sách cho ông nghe.
Matisse đề nghị cô nữ y tá này ngồi mẫu cho ông vẽ chân dung, chỉ vẽ chân dung thôi chứ không khỏa thân. Sau đó, cô nữ y tá này quyết định đi tu. Matisse bị ảnh hưởng rất mạnh vì điều này: Chúa đã lấy của ông một người mẫu! Sau này, họ đã gặp lại nhau.
Cộng đồng nữ tu sĩ, nơi Monique đã gia nhập với tên thánh là Jacques-Marie, mong muốn thực hiện một bức tranh kính ghép màu trong nhà thờ Vence, một ngôi làng thuộc vùng Alpes Maritimes của Pháp.
Một người bạn của Monique đã trình cho mẹ bề trên một bức họa do chính cô ta phác thảo và đề nghị Matisse thực hiện theo ý của ông toàn bộ các bức tranh kính ghép màu cho nhà thờ.
Đây là công trình lớn cuối cùng của Matisse, và nữ tu – sơ Jacques-Marie là nhân vật chính. Sơ Jacques-Marie công bố thư từ trao đổi với Matisse.
Ngoài ra, sơ Jacques-Marie cũng được phỏng vấn trong bộ phim Un modèle pour Matisse (Người mẫu cho Matisse) của đạo diễn Barbara Freed.
Sơ Jacques-Marie đã nói về Matisse như là một nghệ sĩ đơn giản và khiêm tốn mà chúng ta có thể thấy ông thể hiện qua các tác phẩm của ông. Matisse là người vẽ mặt trời tài tình nhất.
- Xem thêm: Matisse lộ diện ở Essex
Ông dành nhiều thời gian để viết thư cho người quen, là tâm điểm của một mạng lưới các nhà phê bình, các thương gia, nghệ nhân thường xuyên đến thăm ông. Chúng ta có khuynh hướng lơ là Matisse trong lịch sử.
Bây giờ là thời điểm cần phải đánh giá lại và xếp ông vào vị trí tương xứng với tài năng và sự đóng góp của ông trong nền hội họa, nền văn hóa truyền thống của thế giới nói chung và nước Pháp nói riêng.