Với 99 phiếu thuận, 0 phiếu chống, Thượng viện Mỹ vừa thông qua một nghị quyết thúc giục Tổng thống Barack Obama thực thi triệt để các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Iran và dành cho Israel “sự hỗ trợ ngoại giao, quân sự và kinh tế, giúp họ bảo vệ lãnh thổ, dân cư và sự tồn tại của họ”. Đồng thời với nghị quyết của Thượng viện Mỹ, Ủy ban Ngoại vụ Hạ viện do đảng Cộng hòa nắm giữ cũng chuẩn y một dự luật chế tài mới, nếu được biểu quyết thành luật sẽ bao gồm việc lập danh sách (đen) những quốc gia hay công ty ngoài nước đã không giảm và dẫn đến việc chấm dứt nhập khẩu dầu lửa của Iran trong thời hạn 180 ngày. Đạo luật này cũng sẽ mở rộng đến việc ghi danh những công ty giao dịch tài chính với Iran kể cả trong lĩnh vực sản xuất máy móc tự động và khai thác mỏ. Căn cứ mà ngành lập pháp Mỹ dựa vào để đưa ra những biện pháp mạnh mẽ trên là bản báo cáo hằng quý mới nhất của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) mô tả việc Iran đã lắp đặt thêm nhiều máy ly tâm hiện đại hơn nhằm làm giàu uranium và xây dựng mới một lò phản ứng nước nặng tại Arak. Về mặt pháp lý, đạo luật của Quốc hội Mỹ có thể triệt tiêu quyền từ khước áp dụng các biện pháp trừng phạt Iran của Tổng thống Mỹ nhân danh quyền lợi hay an ninh quốc gia. Quyền này thường được ông Obama sử dụng để đảm bảo rằng những nước từng có các mối quan hệ tài chính và thương mại với Iran sẽ tiếp tục hợp tác với phương Tây trong việc gây áp lực buộc Teheran từ bỏ chương trình hạt nhân của họ. Nói cụ thể hơn, trong điều kiện hiện nay, quyền từ khước trừng phạt (một phần hay toàn phần) Iran có thể được Tổng thống Mỹ vận dụng nhằm đưa đến một thỏa hiệp giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, thêm Đức), theo đó Teheran sẽ hạn chế chương trình làm giàu hạt nhân để đổi lấy sự giảm thiểu các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.
Tổng thống Iran Ahmadinejad (đi đầu) thị sát một cơ sở hạt nhân của Iran
Dư luận đã có những phản ứng khác nhau trước các quyết định của hai viện Quốc hội Mỹ. Ủy ban các công việc chung Mỹ – Israel (AIPAC) cho rằng việc thông qua nghị quyết của Thượng viện Mỹ là biểu thị tình đoàn kết cực kỳ có ý nghĩa trước tình trạng làm giàu hạt nhân của Iran đang đe dọa Mỹ, Israel và cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, nhiều quan sát viên cho rằng những động thái mới nhất của ngành lập pháp Mỹ sẽ làm gia tăng sự căng thẳng vào một thời điểm nhạy cảm của tình hình thế giới. Theo họ, cần tránh các hành động đe dọa có thể đưa các bên đến bên bờ vực chiến tranh; mặt khác tấn công vào quyền từ khước (trừng phạt) của Tổng thống Mỹ là làm suy yếu khả năng đàm phán của chính quyền Washington trên bàn hội nghị và triệt tiêu các nỗ lực ngoại giao từ trước đến nay.
Về mặt ngoại giao, tại hội nghị mới nhất giữa nhóm P5+1 với Iran vào tháng 4-2013 ở Almaty, Kazakhstan, Teheran đã bác bỏ một đề nghị của phương Tây là sẽ dỡ bỏ các biện pháp chế tài về buôn bán vàng và đá quý cùng một số mặt hàng xuất khẩu của Iran, đổi lại việc nước này giảm 20% mức độ làm giàu hạt nhân và chuyển 20% kho dự trữ hạt nhân ra ngoài nước. Không có gì đảm bảo rằng với sự ra đời của những nghị quyết cứng rắn từ Quốc hội Mỹ, tình hình liên quan đến một nước Iran đang bị cấm vận sẽ sáng sủa hơn.
Lê Nguyễn tổng hợp