Tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày hồi đầu tuần qua tại London (Anh), các nhà lãnh đạo tài chính của nhóm nước G7 (gồm Mỹ, Đức, Pháp, Ý, Nhật, Canada và Anh) cho rằng chính sách kích thích kinh tế của Nhật Bản đang nhắm đến việc thúc đẩy nền kinh tế này vượt ra khỏi giai đoạn trì trệ kéo dài suốt hơn hai thập niên qua hơn là nỗ lực giảm giá đồng yen, khiến hàng xuất khẩu từ Nhật Bản có sức cạnh tranh hơn, giống như hướng người Trung Quốc đã đi.
Chủ tọa hội nghị, ông George Osborne – Bộ trưởng Tài chính Anh đã khẳng định rằng các bên đều hiểu mỗi một thành viên G7 cần bảo vệ sự tăng trưởng kinh tế quốc gia mình bằng cách cân bằng những phương pháp thắt lưng buộc bụng với chính sách duy trì tăng trưởng. Đồng thời, các chính khách của bảy nước cũng đồng ý về tầm quan trọng của việc tìm kiếm giải pháp đối phó với các ngân hàng bị thua lỗ và cùng hợp tác ngăn chặn các tổ chức, cá nhân cố tình trốn thuế trên phạm vi toàn cầu. Tiến trình hồi phục kinh tế thế giới trong những năm qua đã gặp nhiều gian nan, nhưng Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới – sau cùng cũng đã kịp tạo được lực thúc đẩy tăng trưởng, còn hầu hết các quốc gia châu Âu vẫn đang bị suy thoái và phải ra sức hoàn thiện hệ thống tài chính công thông qua cắt giảm ngân sách chính phủ và tăng thuế. Suốt những tháng gần đây, Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ ba thế giới – đang trở thành trọng tâm của G7 khi Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã cam kết về những bước đi năng nổ hơn để tái khởi động một nền kinh tế đã rơi vào tình trạng đóng băng từ đầu năm 1990. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đang lên kế hoạch gia tăng gấp đôi số lượng tiền đang lưu thông trong nền kinh tế.
Một trong những hệ quả tức thời từ chính sách ấy chính là sự giảm giá trị của đồng yen khi 1 USD đã đổi được hơn 100 yen lần đầu tiên trong vòng hơn bốn năm qua, tức là đồng tiền của Nhật đã giảm 20% so với đồng tiền của Mỹ kể từ tháng 10-2012. Không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vì hàng xuất khẩu từ Nhật trở nên rẻ hơn trên thị trường quốc tế, đồng yen giá thấp còn khơi dậy hiện tượng lạm phát thông qua giá cả hàng nhập khẩu leo thang. Hiện tượng ấy đặc biệt quan trọng đối với một quốc gia chỉ thấy giá cả tuột dốc trong suốt 15 năm qua. Ngoài ra, sự giảm giá trị đồng yen còn gây nên nỗi lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ, vì nếu các quốc gia khác phản ứng bằng việc hạ thấp giá trị đồng tiền của họ và Nhật Bản vẫn cương quyết với chính sách của mình thì nền kinh tế thế giới sẽ bị tổn hại và niềm tin của hệ thống doanh nghiệp và giới đầu tư sẽ bị sa sút. May mắn là cho đến nay, những lý giải của giới chức Nhật đã phần nào được G7 chấp thuận vì người Nhật đảm bảo rằng chính sách đó hướng đến mục tiêu chấn hưng kinh tế Nhật và sẽ không gây ảnh hưởng đáng kể đến tỷ giá hối đoái của thế giới. Cho dù tác động phụ của chính sách mà người Nhật vận dụng khiến đồng yen giảm giá, nhưng nhóm G7 khó có thể lên tiếng tranh cãi. Lý do là cả người Anh lẫn người Mỹ trong những năm qua đã từng “vô tình” đẩy giá đồng tiền của họ xuống thấp khi khởi động các chương trình kích cầu tài chính.
Lâm Kiên theo AP