Châu Âu tràn ngập các sản phẩm nguy hiểm của Trung Quốc
Bắc Kinh đã kêu gọi Liên minh châu Âu hãy từ bỏ cuộc điều tra chống trợ giá và chống bán phá giá đối với các nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc, cũng như việc áp thuế lên sản phẩm pin mặt trời của nước này.
Tuần qua, Bỉ loan báo sẽ tiến hành điều tra về các thiết bị viễn thông Trung Quốc, tuy nhiên trước tiên cũng sẽ đối thoại để xem có tìm ra được một giải pháp hữu nghị hay không. Theo số liệu của nước này thì xuất khẩu thiết bị viễn thông của Trung Quốc sang Liên minh châu Âu lên đến 1 tỉ euro/năm.
Tấm pin mặt trời của Trung Quốc xuất khẩu sang EU
Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Shen Danyang trong một cuộc họp báo đã khẳng định, các công ty châu Âu trong lĩnh vực viễn thông có thị phần lớn hơn hẳn tại Trung Quốc và bày tỏ hy vọng Liên minh châu Âu sẽ không sử dụng các biện pháp bất lợi cho cả đôi bên. Trung Quốc khẳng định sẽ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới nếu châu Âu tiếp tục điều tra.
Giữa châu Âu và Trung Quốc – mà thương mại song phương trong năm qua lên đến 546 tỉ USD – có nhiều bất đồng trên nhiều loại sản phẩm, từ nông sản cho đến ống thép.
Tuần rồi, Ủy ban châu Âu đã đề nghị các nước trong Liên minh châu Âu thông qua việc đánh thuế tạm thu trung bình 47% kể từ ngày 5-6 đối với sản phẩm pin mặt trời nhập từ Trung Quốc, nhằm bảo vệ các công ty châu Âu trong lĩnh vực này đang có nguy cơ phá sản. Ủy ban có thể sẽ đưa ra quyết định trừng phạt chính thức vào tháng 12 tới.
Xuất khẩu các sản phẩm về năng lượng mặt trời của Trung Quốc trong năm ngoái có giá trị được ước tính lên đến 35,8 tỉ USD, trong đó 60% được xuất qua Liên minh châu Âu. Trung Quốc nhập khẩu 7,5 tỉ USD nguyên liệu và thiết bị từ châu Âu trong lĩnh vực này.
Trong một diễn biến khác, cuối tuần qua Ủy ban châu Âu đã cho trưng bày trong các lối đi ngay trong trụ sở tại Brussels các sản phẩm nguy hiểm của Trung Quốc. Đó là một “bộ sưu tập” gồm 2.278 mặt hàng nguy hiểm được tìm thấy và được báo động trên các thị trường châu Âu.
Theo báo Les Echos xuất bản tại Paris, hằng năm Ủy ban châu Âu đưa ra bản tổng kết từ hệ thống Rapex, một hệ thống cho phép xác định và rút ra khỏi thị trường các sản phẩm không thuộc loại mặt hàng dinh dưỡng được đánh giá là nguy hiểm.
Theo các quan chức thuộc Rapex, trong năm 2012 số lượng sản phẩm nhiều rủi ro nhập vào châu Âu đã tăng lên 26% so với năm 2011. Các mặt hàng may mặc (34%) và đồ chơi (19%) được cho là chứa đựng nhiều nguy hiểm nhất, trong đó mối nguy chủ yếu đến từ các sản phẩm có chứa hóa chất độc hại.
Thế nhưng, theo Les Echos, do hiện nay mối quan hệ thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc đang trong giai đoạn căng thẳng sau vụ châu Âu sẽ áp thuế nhập khẩu lên mặt hàng pin năng lượng mặt trời, nên Ủy viên châu Âu phụ trách mảng tiêu thụ Tonio Borg có vẻ không muốn châm thêm dầu vào lửa khi cho rằng 2.278 sản phẩm tuy bị liệt vào danh mục các sản phẩm nguy hiểm nhưng mặt khác cũng cho thấy “khối lượng trao đổi mậu dịch khổng lồ giữa hai khu vực”.
Theo một nguồn tin từỦy ban châu Âu thì phía Trung Quốc từ trước đến nay vẫn không thừa nhận trách nhiệm mà lập luận rằng họ chỉ là công xưởng gia công cho các tập đoàn lớn của châu Âu.
N. Nam