Hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ trước khi hét to, nhưng đừng để cơn giận nấn ná lâu trong lòng.
Giống như một con thú hoang dã, cơn giận đang nôn nóng đưa ra một thông điệp khẩn cấp. Khả năng kiểm soát con vật và thông điệp mà nó muốn bộc lộ ra càng tốt càng giúp cho cuộc sống của chúng ta và của những người chung quanh tốt hơn.
Vì bản chất bốc đồng và bạo lực, cơn giận được xem là biểu hiện của một cảm xúc tiêu cực, nhưng, ở phương diện nào đó, nó có thể được sử dụng để đạt được hiệu quả tích cực. Trong khi tạo ra cảm xúc trào dâng mạnh mẽ, cơn giận thúc đẩy chúng ta thay đổi hành vi, cách cư xử, chống lại sự bất công, và bảo vệ lợi ích của chúng ta.
Nhưng thường thì sức mạnh của cơn giận vượt quá khả năng xử lý của chúng ta. Theo Kate Balestrieri, bác sĩ chuyên khoa tâm lý học lâm sàng và pháp y ở Los Angeles, Hoa Kỳ, tức giận là một trong những cảm xúc ít được hiểu biết tường tận nhất và cũng đáng sợ nhất bởi không ít người trong chúng ta có nhiều trải nghiệm xấu trong xử lý cơn giận.
Kate Balestrieri cho biết: “Sự giận dữ thật sự đáng sợ đối với nhiều người vì họ không có phương pháp sử dụng nó một cách có hiệu quả”.
Về mặt tích cực, cơn giận thúc đẩy chúng ta hướng tới cuộc giao tiếp tốt. Nó giúp chúng ta phát hiện ra vấn đề mà trước đó chúng ta không thể nào nhận biết được, và thể hiện nó theo cách có thể mang lại sự thay đổi mong muốn.
Tuy nhiên, việc biến đổi cơn thịnh nộ nguyên thủy thành lời kêu gọi hành động thuyết phục là cực kỳ khó khăn. Aristote, triết gia Hy Lạp, từng nói: “Bất cứ ai cũng có thể nổi giận. Nhưng tức giận đúng mức, đúng lúc, đúng người, đúng mục đích và đúng cách thì không phải ai cũng làm được vì điều này là không dễ dàng chút nào”.
Chúng ta có thể kiềm chế cơn giận, nhưng chúng ta không thể thoát khỏi nó vì con vật hoang dã này có thể ẩn nấp và rình rập để phản kích lại. Theo Kate Balestrieri, những người phớt lờ cảm xúc của mình thường có một kết thúc hung hăng thụ động. Và khi được hỏi về hành vi của mình, họ vẫn khăng khăng rằng không có gì sai.
Kate Balestrieri cho biết: “Nó đặc biệt gây tổn thương cho những người thân yêu khi chúng ta phủ nhận cơn giận dữ của mình vì cảm xúc này thật sự tách biệt con người khỏi trực giác của mình”.
Lý do chúng ta chối bỏ cơn giận là vì nó có thể làm cho chúng ta nhận thức về sức mạnh và niềm tin rằng chúng ta không thể sẵn sàng sở hữu. Tức giận thường bắt nguồn từ xung đột mà hầu hết chúng ta tìm cách tránh xảy ra.
Một lý do khác nữa là quan niệm về văn hóa. Tức giận là cảm xúc của con người, nhưng nó có đặc tính của phái mạnh. Vì vậy, phụ nữ thường kiềm nén vì lo sợ bị gán cho biệt danh là người hung hăng, gây gổ.
Dù vì lý do gì khiến bạn nỗ lực thừa nhận sự giận dữ, Kate Balestrieri khuyên bạn nên thận trọng tiếp cận nó từ từ từng bước từng bước một. Balestrieri nói: “Mọi người sẽ nói “tôi không nóng giận, tôi chỉ bị kích thích”. Hãy đoán xem bạn có còn giận dữ không, dù đó chỉ là ở cường độ thấp. Bị kích thích, nản lòng, bực mình, tất cả những cảm xúc này đều cùng họ hàng với tức giận. Nếu bạn có thể tiếp cận với thực tế rằng bạn đang bị kích thích, thì bạn cũng có thể tiếp cận với giận dữ”.
Sau khi tự thừa nhận rằng mình giận dữ, bước tiếp theo là chia sẻ sự tức giận với người khác khi nó xảy ra. Hãy chờ chốc lát, trước khi nói to, để tìm cách thể hiện nó tốt nhất, nhưng đừng nén nó lại. Càng chần chừ lâu bao nhiêu, nó càng tệ hại bấy nhiêu.
Laura McLeod là bác sĩ, nhà tư vấn, nhà sáng lập ra Inside Out Project, một tổ chức phi lợi nhuận dành riêng nhằm làm cho môi trường làm việc hài hòa hơn. McLeod đã thấy nhiều nhân viên mang nỗi oán giận dai dẳng về những xung đột mà đáng lý ra có thể được giải quyết trong giây lát. MsLeod đề cập đến một cuộc họp nhân viên trong đó có một công nhân thú nhận đã giận dữ vì một đồng nghiệp đã không chấp nhận lời xin lỗi của anh ta cách nay ba tháng.
McLeod cho biết: “Người đồng nghiệp đó đã không trả lời trả vốn gì về lời xin lỗi, và đó chính là mấu chốt của vấn đề. Vị đồng nghiệp vừa nhớ lại sự việc sau khi bị tấn công bằng lời dù chỉ là lời bóng gió vì đã không thể hiện sự đồng cảm. Các thành viên trong nhóm đang cố gắng làm dịu tình hình, nhưng đã quá muộn”.
Lời khuyên của McLeod là gì? Đó là đừng để sự giận dữ chất chứa kéo dài âm ỉ trong lòng.
McLeod nói: “Hãy làm hết sức mình để hiểu một cách đúng đắn nguồn gốc của cơn giận. Thời gian chần chừ sẽ thúc đẩy cơn giận vượt quá giới hạn, và bằng cách duy trì, nuôi dưỡng nó mà không bộc lộ ra bằng lời, có nghĩa là bạn đang từ chối cho người khác cơ hội tháo gỡ nó ra.
Trong khi một số người cố gắng che giấu sự tức giận của mình, số khác dường như tìm cách tiếp cận mọi thứ từ mọi góc cạnh của cơn giận. Đặc biệt đối với những người tuyệt vọng vì ý thức về quyền lực và sự tự tin, giận dữ không chỉ là phản ứng tạm thời, nó có thể trở thành một thói quen trong cách sống.
Theo Thomas Harbin, bác sĩ khoa tâm lý học lâm sàng ở Bắc Carolina, chuyên điều trị cơn giận dữ nơi nam giới, nhiều đàn ông bị chứng giận dữ kinh niên phải chịu đựng những nghi ngờ sâu sắc về giá trị của họ. Để giữ khoảng cách an toàn cho những nghi ngờ đó, họ luôn luôn trong tư thế phòng thủ.
Thomas Harbin nói: “Họ cảm thấy thua thiệt và sẽ phản ứng mạnh mẽ với bất cứ thứ gì trông thấy, nghe được, hay cảm thấy bị đe dọa hay xúc phạm”.
- Xem thêm: Hãy thật sự thư giãn!
Để cho cơn giận mang tính xây dựng, phải biết tự kiểm soát và mong muốn giải quyết. Nếu bạn cảm thấy bất bình, thua thiệt vì những thứ tầm thường, kiềm chế cảm giác khó chịu đó hay bộc lộ nó ra đều là cách biểu hiện tiêu cực.
Thomas Harbin cho biết: “Giận dữ là một cảm xúc thích hợp trong một số tình huống, nhưng nếu nó trở thành thói quen, nếu nó trở thành phản ứng tự động đối với mọi người, thì đó chính là cơn thịnh nộ”.
Dù cơn thịnh nộ được xem là một hình thức cực đoan của sự tức giận, nhưng đối với Kate Balestrieri, nó đích thị là sự hoảng sợ. Kate Balestrieri nói: “Có thể bạn đã trải qua một số cơn giận dữ trong cuộc sống, nhưng khi bạn biểu hiện nó bằng cơn thịnh nộ, nó thường là phản ứng dựa trên sự sợ hãi. Do đó, nó bộc lộ sự mất cân xứng cực kỳ của cơn thịnh nộ bộc phát”.
Hãy cho cơn giận dữ cơ hội biểu hiện thích hợp
Cơn giận dữ không được giải tỏa có thể dẫn đến nhiều hậu quả lớn cho các mối quan hệ và sức khỏe của chúng ta. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên quan giữa cơn thịnh nộ cực điểm và bệnh tim, ung thư. Một nghiên cứu ghi nhận nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cao hơn bình thường 8,5 lần trong 2 giờ sau khi cơn thịnh nộ bộc phát!
Theo y học cổ truyền phương Đông, mỗi cơ quan trong cơ thể con người có chức năng thể hiện một cảm xúc khác nhau, cơn giận trú ẩn trong gan và túi mật. Sự biểu hiện lành mạnh của cảm xúc này góp phần làm cho dòng chảy của khí huyết thông suốt và hun đúc ý chí. Tuy nhiên các bác sĩ Đông y cho rằng cơn giận bị đè nén hay bộc lộ quá mức, có thể gây hại cho gan biểu hiện qua các triệu chứng căng cơ, nhức đầu, tiêu hóa rối loạn.
Bằng cách này hay cách khác, cơn giận mà chúng ta kiềm nén cuối cùng rồi cũng sẽ thoát ra. Vấn đề là cần phải tạo cho nó cơ hội biểu hiện thích hợp. Tìm cách truyền đạt thông điệp của nó, nhưng đừng để cho sức mạnh hoang dã của nó muốn làm gì thì làm.
Theo Sheri Heller, bác sĩ tâm lí trị liệu chuyên trị các chấn thương tinh thần ở New York, tức giận là bản năng bẩm sinh của con người, nhưng học cách xử lý nó một cách khéo léo đòi hỏi phải có kỹ năng.
Sheri Heller nói: “Giận dữ có thể là “sự điên cuồng hủy diệt” (destructive craziness), đồng thời cũng là nguồn năng lượng”. Theo Sheri Heller, bước đầu tiên xử lý cơn giận là “tự biết bản thân mình”. Khám phá điều khiến bạn bực bội, nhờ đó bạn không ngạc nhiên khi các chủ đề nhạy cảm xuất hiện.
Tiếp theo, nhận ra rằng giận dữ là một tín hiệu cho thấy có điều gì đó không đúng. Trong khi cơn giận có vẻ như cao quý hay ngu muội để không bao giờ khó chịu. Điều này là không thực tế cũng như không lành mạnh. Để những chuyện nhỏ nhặt xảy ra là tốt, nhưng ngay cả Chúa Giêsu cũng nổi giận khi thấy những người đổi tiền trong nhà thờ, và khi các tông đồ bỏ rơi ông.
Sheri Heller cho biết: “Một phần sự tiến hóa tinh thần của con người ta là vật lộn với tất cả các khía cạnh của chính mình. Bạn có thể phủ nhận nhân tính của mình, nhưng nó sẽ không cho bạn đối đầu với bất kỳ sự xấu hổ nào mà bạn có thể có về điểm yếu và những khó khăn của kiếp người.
Mặc dù phát hiện ra những bất bình của bạn có vẻ rất hấp dẫn khi bạn nổi giận, hãy thử rà soát lại khi bạn đã bình tâm trở lại. Thật là nhẹ nhõm khi trút bỏ được sự bất bình, nhưng làm điều này khi bạn đang tức giận có thể phá hoại mục tiêu cuối cùng của bạn. Sự giận dữ không kiềm chế được sẽ khiến bạn bối rối, mất bình tĩnh và thường không giúp bạn đi đến giải pháp tốt đẹp. Đó là vì nó che khuất những điểm mà chúng ta muốn truyền tải và khiến chúng ta có những lời nói hay hành động hối tiếc sau này.
Thật là khó khăn để rút lại những cảm xúc mạnh mẽ như vậy, đặc biệt là nếu bạn đã quen với việc bộc phát cảm xúc giận dữ. Nhưng học cách kiềm chế cơn thịnh nộ là rất quan trọng cho đối thoại mang tính xây dựng.
Sheri Heller nói: “Sự khiêm tốn là sức mạnh vô biên vì nó giúp chúng ta không làm điều thiếu suy nghĩ, sai trái”.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng tìm cách biểu hiện đúng đắn nhất cho cơn giận dữ đòi hỏi phải có thời gian tập luyện. Theo Kate Balestrieri, cần phải thừa nhận rằng chúng ta đang dò dẫm học tìm cách biểu hiện đúng đắn nhất”.
Kate Balestrieri kết luận: “Không ai hoàn hảo với bất kỳ cảm xúc nào. Điều quan trọng là phải đồng cảm với chính mình, nhưng khi chúng ta làm điều gì đó sai trái, chúng ta phải khắc phục nó càng sớm càng tốt”.