Trong Tuần lễ Du lịch TP.HCM diễn ra vào đầu tháng 4, Khách sạn InterContinental Asiana Saigon được Tổng cục Du lịch Việt Nam trao giải “Khách sạn dành cho doanh nhân tốt nhất TP. Hồ Chí Minh”.
Bên cạnh đó, khách sạn đã đứng thứ hai trong cuộc thi “Tòa nhà hiệu quả năng lượng” do Bộ Công thương phối hợp cùng Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào tháng 3. Trong cuộc trao đổi với ông Fergus Stewart, ông nói nhiều về đội ngũ nhân sự là yếu tố quyết định để khách sạn giữ vững các danh hiệu cũng như luôn giữ vị trí hàng đầu trong phân khúc cao cấp.
Xin chào ông, ông có thể cho biết cơ duyên nào đưa ông đến Việt Nam với vai trò là Tổng giám đốc InterContinental Asiana Saigon?
Với hơn 25 năm kinh nghiệm trong ngành kinh doanh khách sạn, tôi đã làm việc tại 10 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên ba châu lục như Trung Quốc, Hongkong, Singapore, Đài Loan, Tây Ban Nha, Ai Cập, Thái Lan, Nhật…
Trước khi tiếp nhận vị trí này, tôi đã đảm nhiệm vai trò quản lý tại một trong những khách sạn lớn nhất trong Tập đoàn InterContinental Hotels & Resorts – Khách sạn ANA InterContinental Tokyo với 850 phòng tại Nhật.
Khi người tiền nhiệm của tôi được bổ nhiệm công tác sang Dubai, tập đoàn nhận thấy rằng tôi phù hợp với sự định hướng và phát triển của Việt Nam và Campuchia nên tôi đã có mặt ở đây.
Tôi rất hạnh phúc với quyết định này và đây cũng là cơ hội cho tôi được tìm hiểu nhiều hơn không chỉ nền văn hóa châu Á nói chung cũng như của Việt Nam nói riêng.
Công việc thường ngày của tôi là tổng giám đốc của cả khách sạn và khu căn hộ cao cấp InterContinental Asiana Saigon. Tuy nhiên, tôi cũng đảm nhận vị trí tổng giám đốc điều hành của Tập đoàn IHG tại khu vực Thái Lan và Đông Dương.
Vì vậy, dù văn phòng chính của tôi đặt tại TP. Hồ Chí Minh, tôi vẫn chịu trách nhiệm điều hành các khách sạn hiện tại cũng như việc khai trương các khách sạn mới trong khu vực do mình phụ trách.
Ông có thể chia sẻ sự khác biệt giữa môi trường làm việc tại Việt Nam và ở những nơi khác?
Trong những tháng đầu tiên tại đây, tôi đã được tham dự các buổi tiệc giao lưu, các sự kiện xã hội của các hiệp hội thương mại. Điều đó rất quan trọng và giúp ích khi bạn thực sự tiếp cận và tìm hiểu về cộng đồng nơi bạn đang sinh sống và làm việc.
Qua quá trình làm việc tại 10 quốc gia trên ba châu lục và công việc trước đây của tôi tại Nhật Bản, tôi thấy mặc dù có những khác biệt nhất định nhưng giữa hai quốc gia có những điểm tương đồng mà tôi rất muốn được chia sẻ. Người Nhật Bản rất siêng năng, chăm chỉ và nguyên tắc đó là những đặc điểm mà tôi cũng nhận thấy ở đội ngũ nhân viên Việt Nam tại đây.
Người Việt Nam và Nhật Bản đều rất cởi mở và hiểu rõ cung cách làm việc trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn. Các đồng nghiệp của tôi luôn làm việc cùng nhau và mang lại những kết quả tốt đẹp. Khi công việc được hoàn thành thì đó là thành quả của một tập thể chứ không của riêng bất cứ cá nhân nào. Hơn nữa, họ luôn có tinh thần yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là sử dụng sự thông minh và sáng tạo để cùng giải quyết những tình huống khó khăn.
Ngành dịch vụ khách sạn là một môi trường làm việc lý tưởng cho những ai thích được kết nối với thế giới và yêu thích việc khám phá những nền văn hóa khác nhau không chỉ từ khách hàng mà từ những đồng nghiệp xung quanh. Đó là cách chúng tôi “Tạo ra sự khác biệt” trong Tập đoàn IHG. Chúng tôi hiểu và trân trọng sự khác biệt giữa nền văn hóa, con người và các dân tộc để cùng nhau làm việc thật tốt.
Đảm nhiệm vị trí cao nhất tại một trong những hệ thống khách sạn uy tín hàng đầu tại Việt Nam với rất nhiều danh hiệu và giải thưởng, ông thấy có áp lực gì không?
Cùng với giải thưởng “Tổng giám đốc Thương hiệu InterContinental của năm 2011” trong khu vực châu Á – Úc của Tập đoàn IHG và kinh nghiệm quản lý Khách sạn InterContinental tại Tokyo bao gồm 12 nhà hàng có thể phục vụ 17 đám cưới trong một ngày, tôi nhận thấy thách thức tại khu vực Thái Lan và Đông Dương, đặc biệt tại Việt Nam cũng là một cơ hội.
Hơn nữa, chúng tôi có một đội ngũ nhân viên tuyệt vời tại Khách sạn InterContinental Asiana Saigon luôn cố gắng trau dồi kinh nghiệm, làm hài lòng khách hàng để khách hàng luôn nhớ và quay trở lại khách sạn.
Tại Việt Nam, Khách sạn InterContinental Asiana Saigon là một trong những thương hiệu hàng đầu nằm trong phân khúc khách sạn năm sao, ông tự tin dưới sự điều hành của mình, sẽ phát triển thương hiệu này như thế nào và tạo được sự khác biệt ra sao?
Bên cạnh việc mang lại kết quả kinh doanh để đạt được ngân sách, chúng tôi đang tiếp tục làm việc chăm chỉ để duy trì vị trí hàng đầu của mình trong tất cả các khía cạnh bao gồm cả dịch vụ khách hàng xuất sắc và đội ngũ nhân viên được đào tạo tốt với tinh thần phục vụ hết mình.
Theo như tôi được biết, thì sẽ có ít nhất hai khách sạn năm sao mở cửa vào giữa năm tới ở gần khu vực của chúng tôi. Các dịch vụ bổ sung và các cơ sở này sẽ nâng cao cơ sở hạ tầng của thành phố, nhưng cũng sẽ đặt ra những thách thức đối với chúng tôi về mặt nhân sự cũng như kinh doanh. Chúng tôi đang thắt chặt mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp và con người để giảm mức ảnh hưởng xuống thấp nhất.
Hỗ trợ cộng đồng địa phương nơi chúng tôi đang kinh doanh để đảm bảo phát triển bền vững cũng là một phần trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi.
Các nhà đầu tư từng nhận định rằng năm 2015 sẽ là năm thịnh vượng cho khách sạn năm sao, ông đánh giá gì về cơ hội này? Và đâu là hướng đi mang tính chuẩn mực cho InterContinental Asiana Saigon?
Việt Nam được xem là một điểm đến nổi tiếng và yêu thích trong khu vực châu Á – Úc của khách du lịch. Ngoài các thành phố chính như TP. Hồ Chí Minh thì Hội An, Đà Nẵng và Nha Trang được du khách biết đến bởi những bãi biển, khu nghỉ mát tuyệt đẹp và có thể được so sánh với Phuket ở Thái Lan.
Chính quyền địa phương cũng luôn cố gắng để thu hút các nhà đầu tư kinh doanh và khách du lịch bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng hiệu quả và vững chắc cũng như cung cấp những lợi ích hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Chiến lược du lịch mới với khẩu hiệu “Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận” cũng đã được đưa ra nhằm mục tiêu thu hút hơn 6,6 triệu khách nước ngoài và 32 triệu khách nội địa trong năm 2013.
Hơn nữa, người dân Việt Nam với tính cách hiếu khách, chăm chỉ, cởi mở và luôn mong muốn tìm tòi những điều mới. Đó là một lợi thế cạnh tranh quan trọng góp phần tăng cường phát triển du lịch của Việt Nam trong tương lai gần.