Nếu Việt Nam nổi tiếng với thú vui bói Kiều thì Iran lại nức tiếng thế giới bằng trò đoán vận mệnh qua thơ Hafez, một thi nhân vĩ đại của Ba Tư thời Trung cổ.
Cái độc đáo hơn cả ở truyền thống đáng yêu này là người ta có thể không tự bốc quẻ mà lại đi nhờ một chú chim hoàng yến xinh xinh chọn giùm.
Nếu tới Tehran, thủ đô của Iran, bạn có thể thấy vài người đàn ông luống tuổi một tay ôm hộp đựng mớ quẻ bằng giấy, một tay giữ chú chim hoàng yến cực kỳ dễ thương.
Những ai muốn bói vận may sẽ rút vài tờ tiền từ ví của mình trao cho người này, sau đó nhắm mắt lại, chắp tay, nghĩ thầm nguyện vọng hoặc điều muốn biết ở trong đầu.
Chú chim hoàng yến đáng yêu nọ sẽ nhảy vào hộp đựng quẻ, rút lấy một tấm. Lời thơ được ghi trong tờ giấy ấy chính là câu trả lời.
Hafez – thi nhân được yêu thích nhất
Thú vị là tất cả các lời tiên đoán được in trong tờ giấy nho nhỏ ấy lại đều được trích ra từ thi ca tiếng Ba Tư thời trước. Thực tế tại Iran chỉ ra rằng, thơ chiếm một vị trí đặc biệt thiêng liêng trong nền văn hóa của họ.
Mọi tầng lớp xã hội của Iran đều yêu chuộng thơ, chìm đắm trong thơ. Từ người quét đường đến tài xế taxi lẫn chính trị gia, ai nấy cũng có thể lồng ghép đôi ba câu, đoạn thơ từ vào lời trò chuyện hay bài hùng biện, và tác giả được nhắc đến nhiều hơn hết chính là Hafez.
Như thi hào Nguyễn Du của chúng ta luôn ngự trị trong văn hóa tâm linh của dân tộc Việt, Hafez cũng đóng một vai trò cực kỳ to lớn, chiếm vị thế hàng đầu trong trái tim dân chúng Iran.
Hafez (1321-1390) tên đầy đủ là Khwajeh Shams od-Din Muhammad Hafez-e Shirazi. Phần lớn cuộc đời, ông sống Shiraz, nơi mà ngày nay người ta quen gọi là “Thành phố Thơ”.
Tương truyền, từ nhỏ ông đã thuộc lòng kinh Koran nên mới được gọi tên là Hafez. Và ngoài kinh Koran, Hafez còn mê đắm thơ của nhiều tác giả lớn như Rumi, Saadi, Attar, Nezami.
Chủ đề phổ biến nhất trong các thi phẩm của Hafez là tình yêu và rượu, tiếp đến là thiên nhiên tươi tắn, xinh đẹp, hoa hồng, chim họa mi và đạo đức thế nhân. Nhưng thay vì ca ngợi đạo hạnh, nhà thơ này lại có vẻ bị hấp dẫn bởi sự yếu đuối và tội lỗi của một con người hơn.
Ông thọ 69 tuổi, để lại một di sản đáng nể với hàng trăm bài ghazal nổi tiếng thế giới. Người đời sau tập hợp các tác phẩm của ông thành tập Divan.
- Xem thêm: Mặt nạ giấy bồi Raghurajpur
Thơ của Hafez tuy rất hoa mỹ nhưng cũng tường minh, dễ đọc, dễ hiểu. Nó được nhận định là tinh hoa bậc nhất của ngôn ngữ Ba Tư. Dân chúng Iran tôn sùng, ngưỡng mộ ông như thần thánh.
Họ thường ngâm ngợi, ca hát thơ Hafez trong nền nhạc cổ điển. Ngôi mộ của Hafez ở Shiraz cũng luôn tấp nập tín đồ, người hâm mộ và khách du lịch từ khắp nơi đến viếng.
Bói may rủi với thơ Hafez
Bói thơ Hafez được gọi là Fal-e Hafez, đã được thực hành trên toàn cõi Iran và một số nơi khác nói tiếng Ba Tư như Afghanistan suốt nhiều thế kỷ.
Theo truyền thuyết, nó bắt đầu từ khi Hafez tạ thế. Trong một bức thư do Károly Reviczky, một nhà quý tộc người Hungary viết năm 1768, gửi cho nhà Đông phương học William Jones (Anh), ông kể rằng mình đã tìm hiểu được chuyện xảy ra với các thi phẩm của Hafez sau cái chết của nhà thơ.
Người ta tranh cãi long trời nổ đất về việc nên chôn chúng theo đại thi sĩ hay giữ lại. Cuối cùng, họ đi đến quyết định giữ thơ ông và dùng nó để… coi bói.
Cách thức xem vận mệnh bằng tập Divan của người Iran cũng tương tự với cách ông bà chúng ta bói bằng Truyện Kiều.
Họ đặt tập thơ trước mặt, chắp tay, nhắm mắt và nghĩ đến điều muốn hỏi, chuyện muốn biết trong đầu, sau đó lật ngẫu nhiên một trang. Hai câu thơ đầu trang chính là lời giải đáp cho thắc mắc.
Vẫn tiếp tục say sưa với bói thơ
Từ thuở xa xưa, người Iran đã luôn hiếu kỳ muốn biết trước vận mệnh. Bói toán được thực hành từ tận trước Công nguyên.
Các nhà tiên tri của tín ngưỡng Hỏa giáo của họ, cái được bắt đầu từ cuối thế kỷ 7 trước Công nguyên, tiên đoán tương lai qua ngọn lửa.
Trong Shahnameh, thiên sử thi được viết bởi Ferdowsi, nhà thơ này cũng giải thích chuyện đức vua Khosrow Parviz vô tình bị ngã khỏi ngai vàng là điềm báo cho thấy cái chết của cả ông lẫn triều đại đang cận kề.
Về sau, người Iran còn mở rộng các hình thức bói toán, ví dụ như bói bằng quẻ, bằng hạt đậu, bằng tập thơ Masnavi của nhà thơ Rumi, thậm chí bằng kinh Koran. Nhưng lấy Divan của Hafez ra để tiên đoán là phổ biến hơn cả.
Ngày nay, bạn có thể “xem tương lai” ở bất cứ nơi nào tại Iran, từ giữa các con phố đông đúc đến những địa điểm giải trí, du lịch, lẫn xung quanh mộ phần Hafez.
Đám trẻ nhỏ còn tận dụng cả khoảng thời gian chờ đèn xanh ở một số giao lộ đông đúc để bán quẻ cho mọi người nữa.
Ngoài việc rút thẻ vừa nhanh vừa tiện lợi, người ta cũng vẫn duy trì kiểu bói lật một trang từ tập Divan. Khép mi lại, nhẩm trong đầu điều bạn muốn xác thực, ví dụ như “Tôi có nên đến Venice một chuyến không”, “Người yêu của tôi có thật lòng với tôi không”, “Tôi có được tuyển dụng không”… và mở một trang thơ. “Tương lai” của bạn nằm ngay tại hai câu thơ đầu. Tất nhiên tin hay không tin, đó là chuyện của bạn!