Thiên đường là một nơi xinh đẹp được thấy trong rất nhiều thần thoại và tôn giáo. Ở đó, mọi người sống vui vẻ, hạnh phúc, thậm chí trẻ trung- bất tử.
Tuy gọi là thiên đường, song ở mỗi nền văn hóa lại có một tên riêng chỉ nơi này. Và tựu chung là một thế giới huyền diệu và một phần thưởng cao quý của thần linh dành cho người phàm.
Với người Aztec, thiên đường là Tlalocan, vương quốc của thần mưa Tlaloc và vợ Chalchiuhtlicue. Đây là một vùng đất quanh năm sương khói, bốn mùa là mùa xuân, với bạt ngàn hoa lá và những loài cây cỏ ăn được.
Do địa thế cao nên chỉ có những người bị sét đánh, mất vì mưa gió hay bệnh tật liên quan đến nước hoặc là vật hiến tế mới đến được Tlalocan. Những người khác như người chết già, tội phạm sẽ bị đưa tới địa phủ Mictlan nằm sâu dưới đất.
Do quan điểm phải hy sinh thân mình để cứu lấy đồng ruộng khỏi hạn hán và cảm tạ thần mưa đã phù hộ xứ sở, mỗi năm người Aztec đều hiến tế rất nhiều người, và họ tin rằng những kẻ ấy sẽ lên được thiên đường.
Theo thần thoại Aztec, có đến 13 tầng thiên đường, càng cao càng tốt lành. Những ai đến đó sẽ được tái sinh, và tùy ý lên xuống các thế giới.
Ngược với Tlalocan, Mictlan là âm ty, cũng có 9 tầng song không thoải mái vì chúng đều là những nơi tăm tối để nhốt, hành hạ con người bởi những tội lỗi khi tại thế.
Khu vườn Eden hay Gan Eden (Địa đàng) lại là vùng đất hứa tuyệt vời của người Do Thái. Địa đàng được đạo Do Thái xem là nơi tối cao linh hồn của người chính trực có thể bay lên, đến với Thiên Chúa và hưởng sự sống vĩnh hằng bên ngài.
Vùng đất này có vẻ đẹp bao la, sáng ngời gấp 60 lần mặt đất, và theo sách Sáng thế ký chính là khu vườn của Thiên Chúa, nơi ngài tạo ra người đàn ông và đàn bà đầu tiên – Adam, Eva và cho họ dạo chơi khắp nơi, với lời dặn có thể ăn mọi quả nhưng không được đụng tới quả tri thức.
Theo truyền thuyết, mỗi người tới đây sẽ được dạo bước cùng Thiên Chúa, được ngài dẫn đi trong một điệu múa, mặc áo dệt từ ánh sáng, hưởng cuộc sống bất tử và ăn quả từ cây sự sống, gồm tới 500 nghìn thứ quả đủ mọi hình dạng, mùi vị.
Cùng với Gan Eden, người ta cho rằng cũng có Gehana là nơi tín đồ phải chịu hình phạt vì các trọng tội và có thể sám hối trong 12 tháng để làm trong sạch tâm hồn trước khi đặt chân đến thiên đường.
Người Na Uy xưa rất hay chinh chiến và xem chuyện mở mang bờ cõi là một niềm vinh hạnh. Họ tin rằng, khi qua đời các chiến binh sẽ được tới một trong hai thiên đường sau: Valhalla của thần Odin – chúa tể các vị thần Na Uy và Folkvangr của nữ thần Freya – thần tình yêu, sinh sôi và chiến tranh (vợ ông).
Những vị tướng, thủ lĩnh sẽ được đến Valhalla, còn binh lính tới Folkvangr. Valhalla là một lâu đài tráng lệ nằm cao nhất trong hệ thống 9 tầng của thần thoại bản địa, mái nhà được lợp bằng những chiếc khiên vàng và che phủ bởi một vòm cây sự sống sum suê, ở hai bên có hai con hươu và dê say sưa ngặm lá.
Bên dưới là cung điện của thần Odin, gồm một đại sảnh lớn – sảnh vinh quang dành cho tử sĩ. Tại đây, họ sẽ được khoản đãi những bữa tiệc linh đình và xem múa hát, được ăn thịt của con lợn lòi hay rắn biển Sehrimnir, là những con quái vật thuở hồng hoang.
Họ cũng được uống rượu chảy tràn từ bầu vú của con dê, mà nhờ thế thân thể hồi sinh, tay chân mọc lại mỗi ngày. Sau khi chết, các anh hùng sẽ được đưa về Valhalla, cho ăn uống, vui chơi.
Tuy không rực rỡ bằng Valhalla, song Folkvangr rất êm ái vì là một cánh đồng bát ngát, đầy hoa thơm trái ngọt cho bất cứ ai, kể cả trẻ em, phụ nữ, người nội trợ an nghỉ.
Ai Cập cổ đại cũng coi thiên đường là những đồng cói phì nhiêu Aaru của thần Osiris. Chúng rất rậm rạp, rộng lớn nên cư dân tha hồ trồng trọt, săn bắt.
Tại Aaru, mọi người vẫn phải làm việc, song họ có nhiều đất đai hơn và cầu gì ước thấy như lúc nào cũng có bánh mì và bia để dùng, nam giới còn được phép lấy nhiều vợ. Các vua chúa có thể ngao du với thần linh, trong khi dân chúng tụ tập tự do.
Tuy nhiên, để tới được Aaru khá khó, phải đi một hành trình rất dài, vượt sa mạc, đầm lầy mới tới đích, hơn thế xung quanh còn có 21 cái cổng, khi qua đây một người sẽ bị quỷ môn giữ lại và cân nhắc, xem có cho vào hay không dựa theo tâm hồn của anh ta.
Người xưa tin rằng tâm hồn nằm ở trong tim. Ai tốt sẽ có tim nhẹ nhõm, còn kẻ xấu thì tim nặng trịch vì thế tim sẽ bị được đưa lên cân với đối trọng là một sợi lông.
Nếu tim nhẹ hơn hoặc bằng sợi lông, người ấy sẽ được qua, còn nếu nặng hơn thì bị vứt cho cá sấu. Một khi vào được Aaru, ngoài cuộc sống đầy đủ, mọi người còn có cơ hội tái sinh.
Cái đích cuối cùng mà người Hindu, ai cũng muốn tới là Vaikuntha – thế giới của thần Visnu, chúa tể của vũ trụ, với đất đai vô cực, cái gì cũng có, và ai cũng là vua chúa. Giống người Na Uy, người Hindu cũng có hai thiên đường.
Một là Swarga của thần Indra, chứa rất nhiều của cải, tài sắc, danh tiếng song lòng người còn chưa yên, hay sợ đoạt vị.
Và hai là Vaikuntha của thần Visnu, cũng có của cải tràn ngập song lòng người vô tư, có thể nói đã thoát tục, ra khỏi số kiếp. Mọi người thường hướng tới Vaikuntha, theo thiên văn học là chòm sao Capricorn – Nam Dương.
Tại đây, nhà cửa đều là cung điện nguy nga làm từ vàng, ngọc, pha lê và tự tỏa sáng. Trên đỉnh thường đặt những bình sữa, cam lồ, nước bất tử cho người- vật trẻ trung, khỏe mạnh, nhất là phụ nữ luôn xinh đẹp.
Và bao quanh đó là những cây ước đáp ứng mọi yêu cầu trên đời. Suốt ngày, người ta dạo chơi, ca tụng thần thánh… Người Hindu thường khắc họa Vaikuntha dưới dạng mạn đà la hoặc đền đài chót vót.
Tầng trệt thường có cảnh dân gian trù mật, biểu thị những khát khao trần tục về sự giàu sang, phú quý, bổng lộc…
Và tầng thượng khắc họa tiên giới, trong đó có cả những tín đồ vốn dĩ là người phàm nhưng đã gạt bỏ được mọi dục vọng để được giải thoát, trở thành thần tiên, và có thể bay bổng, sống hoan hỷ, bất diệt hàng triệu năm trước khi trở lại trần thế.
Tir Na Nog cũng là một hòn đảo thiên đường xanh tươi nằm đâu đó giữa Đại Tây Dương, theo thần thoại Ireland có thể cho người trẻ đẹp, khỏe mạnh mãi mãi.
Người phàm thường không tới được đây, ngoại trừ được mời và phải là những anh hùng hay người có đức độ. Một ví dụ tiêu biểu là chiến binh Oisin của tộc Fianna.
Một hôm, anh đang đi săn thì gặp công chúa Niamh Chinn Oir, con gái vua Tir Na Nog, và được nàng dẫn đến vương quốc này bằng một con ngựa thần đi được trên mặt biển.
Anh chỉ ở Tir Na Nog ba năm, song khi trở về thì nhận ra mình đã xa nhà 300 năm, và không còn ai biết tới mình nữa. Hơn thế, mặc dù đã hơn 300 tuổi, song Oisin vẫn trẻ măng nên mọi người cứ nghĩ anh chỉ là một du khách.
Buồn rầu, anh quyết định quay lại Tir Na Nog sau khi ngắm cảnh quê hương lần cuối. Trước khi anh ra đi, Niamh có dặn anh lúc về tới quê nhà phải tuyệt đối không được chạm chân xuống đất, nhưng trong quá trình ra biển vì giúp một ngư dân, anh đã ngã ngựa và biến thành một cụ lão, bị bất ngờ con ngựa chạy mất.
Theo những gì Oisin kể lại thì Tir Na Nog là một xứ sở của khá nhiều hang động, cư dân là các Tuatha De Danann, rất cao to, da trắng, tóc đỏ và có hào quang. Dựa vào chuyện dân gian nước này, đây có thể là các thần linh của Ireland thời kỳ tiền Ki tô giáo.
Do cuộc sống vất vả, cực nhọc, lại phải chịu nhiều luật lệ hà khắc, nên người nông dân Trung Cổ vẽ lên cho họ một thế giới vô cùng thú vị. Đó là thiên đường Cockayne – mảnh đất của chim cúc cu và bánh ngọt ko ke.
Ở đó, mọi thứ đều trái ngược với thực tế, như người nghèo trở thành kẻ giàu. Người không làm việc, nằm lười cũng có cái ăn. Nhà cửa đều bằng mật ong, bánh kẹo; đường xá cũng từ bột mỳ mà ra.
Lợn quay tự chạy đến trước mặt khách với con dao cắm sẵn trên lưng cầu xin được ăn, còn ngỗng rán thì bay thẳng vào miệng, trôi tuột xuống dạ dày, trong khi cá tôm bật nhảy khỏi mặt nước nằm ngay dưới chân.
Và trên cây treo lủng lẳng các loại xúc xích, dăm bông. Có thể nói đây là một xứ sở vô cùng nhàn hạ, sung sướng cho phép thả sức hưởng thụ cuộc sống vô lo nghĩ.
Được xem là một giấc mơ ban ngày, giữa một giai đoạn cực kỳ đen tối, quanh năm mất mùa, bệnh tật, hay trộm cắp, Cockayne giúp người nông dân có thể vui vẻ, hồn nhiên với trí tưởng tượng và xả đi những cơn căng thẳng, đau khổ, đói khát.
Là một tôn giáo lớn nhất trái đất, Thiên Chúa giáo có một thiên đường Heaven cực kỳ vĩ đại dành cho tất thảy mọi người. Dường như ai cũng được tới Heaven, ngay cả những người đã bị giam dưới địa ngục.
Theo Kinh Thánh, sau khi phục sinh, Chúa Jesus đã xuống địa ngục Tartarus, phá ngục và rửa tội cho tất cả những ai ở đó được lên thiên đường cùng ngài.
Tại Heaven, ai cũng có một ngôi riêng do Ngài xây cho. Sách John chương 14:1-3 có nói, Chúa Cứu thế ở trên trời đang chuẩn bị một chỗ ở cho chúng ta.
Tuy rằng ngài đã xây dựng nhà cửa, song theo sách Isaiah 65: 21những ai đến đây cũng có thể tự xây nhà theo ý muốn và trồng trọt, hưởng thụ thành quả từ những vườn tược xanh tốt.
Mọi thứ ở thiên đường đều mới, có thể nói là một trái đất mới, với mỗi người có một thân thể mới không bệnh, không tội lỗi.
Không ai bị mù, điếc, què quặt. Không ai còn đau khổ, rơi lệ, cũng không phải chết, khóc than vì mọi thứ đã qua. Khắp nơi là sự bình yên. Cừu và sói ăn cùng nhau; sư tử sẽ ăn cỏ giống trâu bò và bụi đất là thức ăn của rắn.
Tại đây, cũng không còn chiến tranh tương tàn, mà tất cả là sự đoàn kết, thân ái. Từ đó, có thể nói Heaven là một vùng đất, theo các Ki tô hữu là một đất nước, của hòa bình muôn thuở.
Ngoài những cánh đồng bao la, tràn ngập ánh sáng thì theo Sách Khải Huyền, trên đó còn có một thành phố tuyệt đẹp, với tường bằng ngọc và đường xá bằng vàng. Trổ trên tường là 12 cánh cổng rộng mở để đón các linh hồn.
Có rất nhiều tác phẩm miêu tả Heaven, song hay nhất là 3 bản nhạc du dương, hoành tráng: Messiah của Handel, Bản giao hưởng số 9 của Beethoven và Bản giao hưởng Dante của Liszt. Thoạt nghe, tâm hồn đã bay bổng như chạm cửa thiên đường.