Ở Việt Nam những năm trước, việc vay tiền từ ngân hàng dựa trên mức thu nhập có vẻ khá dễ dàng. Ngay cả khi bạn không muốn vay, người ta cũng cố thuyết phục bạn vay hoặc mở thẻ tín dụng nhằm thúc đẩy tiêu dùng như ở các nước phương Tây. Các khoản nợ của bạn gia tăng chóng mặt vì bạn được phép vay. Nhưng sau khi suy thoái kinh tế diễn ra bắt đầu từ năm 2008, việc cho vay có vẻ như bị thắt chặt lại.
Hiện nay, khi rất nhiều người dân rơi vào cảnh nợ nần, cần sự giúp đỡ thì lại chẳng dễ gì vay được tiền của ngân hàng. Mặt khác, tỷ lệ lãi suất quá cao cũng khiến cho nhiều người dân bình thường lo ngại không dám vay ngân hàng.
Khi đó, họ chuyển sang vay bạn bè hoặc những tổ chức cho vay nặng lãi (tiền nằm ngoài ngân hàng rất nhiều vì có những người không tin ngân hàng và chọn cách cất vàng trong nhà). Tất nhiên, nếu vay bạn bè thì khi trả lại, bạn cũng cần trả cả lãi. Đó là quy định.
Nghe có vẻ công bằng cho các bên, nhưng thực tế diễn ra không phải lúc nào cũng như vậy. Có một số trường hợp, người cho vay rơi vào cảnh bị xù nợ mà không biết làm sao.
Ví dụ, tôi quen một người bạn. Người này đi vay 200 triệu đồng cho một cô bạn của mình vì cô ấy nói mẹ của cô cần tiền làm ăn. Nếu thua lỗ, bà mẹ của cô sẽ bán nhà để trả nợ. Tuy nhiên, cô ta đã nói dối. Khoản vay ấy cô ấy không đưa cho mẹ mà nướng vào việc đánh bài. Mẹ cô không hề biết gì về thỏa thuận vay mượn này và bà từ chối trả nợ cho con.
Số phận cô con gái thật bi đát: không có công việc, bị chồng bỏ và gia đình không muốn liên hệ nữa. Có thể cô ấy xù được nợ nhưng sẽ bị người khác dè bỉu, xa lánh suốt đời. Cũng có thể cô ấy sẽ bị xử theo “luật của người cho vay”.
Vậy còn người chịu thiệt nhất trong vụ cho vay này – người đã cho vay? Anh ta chẳng nhận lại được đồng nào vì tiền đã qua tay nhiều người mà có vẻ như chẳng ai chịu nhận trách nhiệm.
Theo tôi, vấn đề gốc rễ ở đây là người dân thiếu sự tin tưởng ở ngân hàng. Hầu hết người dân Việt Nam đều có vài tài khoản ngân hàng. Họ gửi nơi này 30 triệu đồng, nơi kia 50 triệu đồng, nơi nọ 40 triệu đồng. Một phần tài sản được người dân để vào các kênh đầu tư khác, cho vay hoặc giấu ở nhà. Họ cho rằng bằng cách ấy, nếu ngân hàng có vấn đề gì thì họ sẽ không mất tất cả.
Ban đầu, khi nghe về những chuyện vay mượn không qua ngân hàng, tôi khá ngạc nhiên. Nhưng rồi tôi hiểu rằng đừng nên vội nhận xét. Phải chăng, không có ngân hàng nào an toàn để gửi tiền cả, ngay cả các ngân hàng của Mỹ và châu Âu cũng sụp đổ kia mà. Cất tiền trong vườn nhà mình khéo mới là nơi tốt nhất.
Derek Milroy- Lê Tâm dịch