Ngành công nghiệp triển lãm Đông Nam Á đang bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ khi mới đây, Singapore công bố lịch hoạt động dày đặc của hàng loạt các chương trình triển lãm hàng đầu thế giới về dịch vụ ẩm thực, nhà hàng khách sạn trong năm 2019.
Còn ở Thái Lan năm 2018 tăng trưởng của công nghiệp triển lãm đạt mức 35,9% – cao nhất trong 14 năm gần đây. Tại Việt Nam, nhu cầu tổ chức triển lãm cũng đang tăng nhanh và lẽ ra sẽ đem lại nguồn lợi lớn hơn nữa nếu có đủ mặt bằng.
Từ 15 năm trước, Thái Lan, Singapore, Malaysia đã nhận thấy tương lai của hoạt động tổ chức triển lãm nên đã sớm tập trung xây dựng nhiều khu triển lãm chuyên ngành rất lớn.
Tại Việt Nam khi đó một số doanh nghiệp cũng đã đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước giao đất, miễn giảm tiền sử dụng đất, hoặc miễn thuế cho các nhà đầu tư xây dựng, mở rộng hoặc xây mới các địa điểm triển lãm.
Tuy nhiên đến nay, khi nhiều nước Đông Nam Á đã hình thành được hệ thống mặt bằng triển lãm đủ lớn để đón đầu làn sóng tăng trưởng nhanh thì ở Việt Nam, cả Hà Nội lẫn TP. Hồ Chí Minh đều đang khan hiếm trầm trọng bất động sản sinh lợi cao này.
Hiện SECC (quận 7, TP. Hồ Chí Minh) là trung tâm triển lãm hiện đại và quy mô nhất cả nước nhưng luôn luôn quá tải.
Những năm qua, những triển lãm về máy móc công nghiệp, dệt may, da giày, thực phẩm… đều thiếu diện tích, nhất là triển lãm của ngành ôtô, vật liệu xây dựng hay đồ gỗ càng thiếu.
Dù TP. Hồ Chí Minh đã có kế hoạch mở rộng SECC nhưng cho đến nay tình trạng vẫn không thay đổi so với lúc bắt đầu diễn ra hoạt động triển lãm cách nay đã hơn chín năm.
Thành phố cũng có một dự án đầu tư thêm một trung tâm triển lãm tiêu chuẩn quốc tế trên địa bàn quận 2 nhưng cũng chưa rõ khi nào mới hoàn thành.
Hà Nội cũng sẽ thay thế Trung tâm Giảng Võ bằng một trung tâm triển lãm đẳng cấp quốc tế ở Cổ Loa nhưng cũng chưa biết khi nào sẽ đi vào hoạt động.
Theo người trong ngành, điều quan trọng bậc nhất trong việc tạo nên mặt bằng triển lãm thành công nằm ở hạ tầng giao thông.
Ngoài một số nước đã phát triển có trung tâm triển lãm nằm ngay trung tâm thành phố do xây dựng sớm, còn lại phần lớn đều đặt mặt bằng triển lãm ở ngoại ô, với điều kiện có đường tàu điện ngầm, đường bộ thuận tiện, không ở quá xa sân bay.
Theo nhận định của ông Andreas Gruchow – Chủ tịch Hiệp hội triển lãm toàn cầu (UFI), ngành công nghiệp triển lãm được dự báo sẽ tăng trưởng ở quy mô toàn cầu, và các nhà đầu tư vẫn quan tâm đến việc bỏ tiền vào các triển lãm và công ty triển lãm.
Ước tính Việt Nam hiện nay có khoảng gần 100 hội chợ, triển lãm thương mại được tổ chức ở hầu hết các thành phố lớn mỗi năm. Giá trị xã hội cùng với giá trị kinh tế đem lại từ hoạt động triển lãm ngày càng lớn.
Tuy nhiên do thiếu trung tâm triển lãm quy mô lớn, nhiều năm qua các đơn vị tổ chức hội chợ triển lãm đã phải tìm đến các nhà thi đấu, sân vận động, công viên… nhưng mặt bằng những nơi này vốn không chuyên dùng cho hoạt động triển lãm, hội chợ nên việc tổ chức khá bất tiện và thiếu tính chuyên nghiệp.