Gần 20 năm gắn với các hoạt động cộng đồng, chị Mai Thị Việt Thắng – Phó giám đốc phụ trách chương trình Hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cho học sinh tiểu học Tổ chức Room To Read Việt Nam – là người rất tâm huyết và đóng góp cho cộng đồng, bằng cách áp dụng kiến thức khoa học xã hội vào giải quyết các vấn đề xã hội.
Được đào tạo chuyên ngành tâm lý học tại Việt Nam, tốt nghiệp thạc sĩ giáo dục Đại học New Orleans, chị Mai Thị Việt Thắng nhận được học bổng nhiều chương trình đào tạo về giáo dục, cộng đồng, phát triển tại Hoa Kỳ.
Từ người đồng sáng lập một tổ chức phi chính phủ (NGO) trong nước đến vị trí phụ trách chuyên môn cao nhất của một tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Việt Nam, đã đóng góp nhiều cho lĩnh vực thư viện trường tiểu học và các hoạt động cộng đồng khác, câu chuyện của Mai Thị Việt Thắng – một người chọn cộng đồng để phát triển sự nghiệp đã để lại nhiều suy nghĩ và những góc nhìn khác cho nghề này tại Việt Nam.
Tháng 12-2018, tôi tham dự Triển lãm sách thiếu nhi châu Á tại Chiang Mai, Thái Lan. Đối diện gian hàng của chúng tôi là gian hàng của Room To Read châu Á.
Một thành viên của Room To Read Đông Nam Á, khi nghe tôi nói rằng biết Room To Read Việt Nam, anh bảo: “Cô phải gặp Mai Thị Việt Thắng nhé”! Và cuộc trò chuyện với chị Mai Thị Việt Thắng là về một dự án làm thư viện.
Đằng sau sự nghiêm túc, sự chuyên nghiệp của một tổ chức cộng đồng là những người thực thi chiến lược ấy. Chúng ta có thể nhìn một cái cây để thấy một cánh rừng.
____
Chị đến với nghề làm cộng đồng như thế nào?
Tôi quan tâm đến những vấn đề và công việc cộng đồng từ rất sớm, lại may mắn có đủ điều kiện được làm những công việc mà mình quan tâm.
Điều kiện đầu tiên là tôi được học những môn học rất cần thiết cho công việc cộng đồng, từ khoa Tâm lý học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), tiếp theo là chuyên ngành giáo dục Đại học New Orleans.
Những kiến thức, kỹ năng và cách nhìn riêng biệt về sự đa dạng của xã hội là cơ sở để tôi có thể làm được điều mình quan tâm.
Tôi cũng được đi, sống và trải nghiệm với nhiều cộng đồng khác nhau, nhất là những cộng đồng dễ tổn thương và dễ bị gạt ra ngoài lề xã hội ở Việt Nam và những đất nước khác, để thấy được rằng trong một giai đoạn nào đó của những con người đó, nếu có được sự giúp đỡ cần thiết, cuộc sống của họ sẽ thay đổi theo hướng có ích và ý nghĩa hơn cho bản thân họ và cho những người xung quanh.
Nhờ cơ duyên, tôi luôn gặp được người cần gặp, đó là những người thầy, đồng nghiệp đã đi trước, chỉ đường, khích lệ cho tôi.
Khi gặp khó khăn, tôi luôn nhìn vào những người đi trước đã làm công việc này qua những trang sách, những công việc họ làm cụ thể, suy nghĩ về những tác động họ mang lại cho cộng đồng để có động lực tiếp tục.
Tôi bắt đầu công việc đầu tiên của mình với vị trí là biên tập viên tạp chí Tâm Lý Học (Viện Tâm lý học).
Khi đọc bài viết của các giáo sư đầu ngành hay bài viết của những thầy, cô có kinh nghiệm mang kiến thức tâm lý học vào phục vụ cộng đồng, tôi thực sự chưa hiểu hết ý nghĩa của nhiều bài, nhiều đoạn viết.
Vậy là tôi “đánh liều” gọi điện hoặc đến gặp trực tiếp các tác giả để làm rõ. Mọi người đã tận tình giải thích và tạo điều kiện để tôi hiểu sâu hơn làm thế nào để đưa những kiến thức khoa học nghiên cứu “hàn lâm” có ích vào trong thực tế cuộc sống. Các thầy cô, các anh chị cũng gợi ý cho tôi một loạt tên sách nên tự đọc.
Có lần, tôi được một đồng nghiệp lớn ở Viện đưa đến gặp người quản lý của quỹ học bổng Ford Foundation tại Việt Nam để tìm hiểu cơ hội hợp tác.
Chị ấy nói: chúng tôi chưa thể hợp tác khi chưa đào tạo con người. Buổi nói chuyện dài với người quản lý quỹ đã tạo cơ hội cho tôi nói những suy nghĩ và nhiều dự định công việc mà tôi muốn làm trong tương lai, và chính vì thế mà tôi đã được “chọn lựa” vào lớp “đào tạo nguồn” để đi học tiếng Anh.
Hơn 15 năm sau, tôi gặp lại người chị ấy với tư cách đồng nghiệp, tôi đã cảm ơn chị thật nhiều vì đã “nhìn” thấy tôi và mở cánh cửa cho tôi đi chung con đường.
Hoạt động cộng đồng hiện tại và tương lai là làm những công việc liên quan đến phát triển (development): tập trung phát triển con người cho các cộng đồng để họ hiểu họ là ai, họ cần gì, họ muốn đi đến đâu, và họ phải làm gì trong một xã hội đầy biến đổi. Việc làm thay, làm hộ hay áp đặt chưa bao giờ mang lại hiệu quả bền vững.
____
Hãy mô tả về hành trình của chị, vì sao chị dành sự quan tâm đặc biệt đến những “người yếu thế”?
Hành trình của tôi có nhiều giai đoạn, có những lúc làm việc trực tiếp với cộng đồng, có những lúc tạm dừng để “tích lũy”.
Khi thực tập để chuẩn bị, tôi chọn các em trong tổ bán báo xa mẹ ở 13 Ngô Văn Sở, Hà Nội và một số mái ấm tình thương để tìm hiểu về sự thích nghi của các em ở đó.
Thay vì dành thời gian thực tập để làm luận văn, tôi đến các cơ sở này nhiều hơn, làm bạn với các em, lắng nghe, tìm hiểu cuộc sống của những thanh thiếu niên nhỏ tuổi mà vì nhiều lý do phải tìm đến các mái ấm.
Tương tự, khi đi thực tập trong chương trình tư vấn, tôi chọn Family Services for Greater New Orleans, một tổ chức cung cấp dịch vụ giáo dục, tư vấn, trị liệu (cá nhân, nhóm) cho những người bị ảnh hưởng bởi bạo lực (bị lạm dụng tình dục, có hành động xâm hại hoặc lạm dụng người khác, những người tù nhân sắp mãn hạn chuẩn bị hòa nhập cuộc sống, cựu chiến binh có những tổn thương hậu sang chấn, trợ giúp những phụ nữ và trẻ em sau thiên tai…) để hiểu về cách làm cộng đồng một cách hệ thống, chuyên nghiệp.
Khi về Việt Nam, tôi được làm việc với những bệnh nhân HIV/AIDS, những người sử dụng ma túy, phụ nữ hành nghề mại dâm và con cái họ, những người đồng tính…
Lúc này, tôi là đồng sáng lập và làm việc cho Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến và phát triển cộng đồng (SCDI), một tổ chức phi chính phủ Việt Nam có trụ sở tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Đến bây giờ tôi vẫn tiếp tục công việc hỗ trợ cộng đồng khi làm việc trong một tổ chức phi chính phủ quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nhằm phát triển ngôn ngữ, khả năng đọc viết cho học sinh ở những cộng đồng khó khăn.
Làm việc với cộng đồng mang lại cho tôi nhiều kỷ niệm hạnh phúc và tôi thấy công việc của mình thực sự có ý nghĩa cho ai đó.
Khi tôi bảo vệ luận văn tốt nghiệp, mấy em nhỏ ở mái ấm tình thương nhất định đòi đến tham gia, với lý do rất trẻ thơ nhưng nghe ứa nước mắt “Em chẳng có cơ hội học đại học đâu, em đến để xem trường đại học có to không?”.
Khi làm tư vấn cho một số khách hàng ở Family Services for Great New Orleans, biết tôi sắp về nước và sắp sinh em bé, nhiều người nói rằng muốn đặt tên cho bé, có người còn mang cho tôi những tấm chăn mà họ đã dùng cho con mình.
Lúc cùng nhiều “đồng bọn” thành lập SCDI và phụ trách tư vấn, đào tạo cho tổ chức, tôi được “nhúng mình” vào cuộc sống với nhiều nhóm, nhiều bạn cộng đồng.
Cùng với các đồng nghiệp trẻ trung, tâm huyết, chúng tôi đã làm rất nhiều việc mà bây giờ khi nghĩ lại, tôi tự hỏi: “Sao mình lại làm nhiều việc “điên” thế nhỉ?”.
Ví dụ như vào tận phòng bệnh (khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội) chiếu phim cho bệnh nhân xem, lập tủ sách cho bệnh nhân đọc hay làm một chương trình phát thanh “Nắng mới” tại Bệnh viện 09 Hà Nội…
Chúng tôi cũng tự phát triển và xây dựng những chương trình đào tạo dành riêng cho những nhóm cộng đồng như Chương trình tập huấn kỹ năng mềm với bảy kỹ năng cơ bản (nâng cao lòng tự trọng, quản lý tức giận, quản lý thời gian, làm việc nhóm…) để giúp các bạn chuẩn bị trước khi đi tập huấn cho gần 300 khách hàng.
Làm việc ở Room To Read Việt Nam, nhìn thấy số lượng trường tiểu học được tham gia dự án còn hạn chế, được sự ủng hộ của Room To Read toàn cầu, cùng các đồng nghiệp của mình, chúng tôi đang tích cực mở rộng phạm vi hoạt động để phát triển thói quen đọc cho nhiều học sinh tiểu học ở Việt Nam.
Làm việc với cộng đồng mang lại cho tôi nhiều kỷ niệm hạnh phúc và tôi thấy công việc của mình thực sự có ý nghĩa cho ai đó. Khi tôi bảo vệ luận văn tốt nghiệp, mấy em nhỏ ở mái ấm tình thương nhất định đòi đến tham gia, với lý do rất trẻ thơ nhưng nghe ứa nước mắt “Em chẳng có cơ hội học đại học đâu, em đến để xem trường đại học có to không?”.
____
Có sự tương đồng – khác nhau nào giữa công việc phát triển cộng đồng Việt Nam, khu vực và thế giới?
Cách đây 12 năm, khi bắt đầu tìm hiểu về sức khỏe sinh sản và tình dục ở các nước lân cận, lúc đó tôi đã có gia đình, tuổi đời cũng hơn các đồng nghiệp ở các nước châu Á, nhưng khi học, làm các bài tập “sắm vai” để đối thoại về chính sách, hay hướng dẫn về an toàn tình dục, tôi luôn là người “về sau” so với các bạn.
Sau khi tôi sắm vai một đồng tính nữ, các đồng nghiệp trẻ nhận xét “Có cố gắng để giống đấy, nhưng vẫn là một bà già”. Tự ái quá nhưng đúng, và tôi hiểu vì sao các bạn nói như vậy.
Gần đây thôi, trong một cuộc hội thảo về giáo dục ngôn ngữ tại Ấn Độ, tôi được gặp và nói chuyện với đại diện của hơn 20 tổ chức phi chính phủ trong và ngoài Ấn Độ thuộc lĩnh vực giáo dục.
Mọi người trình bày kết quả làm việc, chỉ ra những vấn đề còn thiếu hụt trong nền giáo dục một cách thẳng thắn, và bày tỏ mong muốn lấp đầy những khoảng trống trong giáo dục.
Được gặp gỡ, trao đổi với các đồng nghiệp các nước trong khu vực và trên thế giới về lĩnh vực này, tôi có cơ sở để tin rằng những tổ chức cộng đồng Việt Nam, khi đạt được những điều kiện cơ bản, cũng có thể làm việc rất tốt.
Nhưng điều chắc chắn là các tổ chức dựa vào cộng đồng (community based organization) nói riêng và xã hội dân sự ở các nước trong khu vực và trên thế giới đã có sự phát triển quá xa so với chúng ta.
Con đường học hỏi còn đang rất dài và nhiều thách thức dành cho những người muốn làm cộng đồng ở Việt Nam.
Ví dụ nước Campuchia cạnh chúng ta, dân số ít hơn, điều kiện kinh tế cũng chưa phát triển nhưng có rất nhiều tổ chức dựa vào cộng đồng, nhiều tổ chức phi chính phủ trong nước, kể cả các tổ chức phi chính phủ quốc tế.
Chính phủ Campuchia tạo hành lang pháp lý hỗ trợ việc thành lập các tổ chức cộng đồng, dành “đất” cho các tổ chức hoạt động.
Điều này quan trọng lắm, chỉ được làm thì năng lực của những người làm cộng đồng mới nâng cao, những vấn đề của xã hội mới được giải quyết một cách bền vững chứ không phải chỉ thông qua những mệnh lệnh hành chính hay theo phong trào.
Indonesia cũng là một ví dụ tốt, các tổ chức cộng đồng có thể xin nhà nước cấp ngân sách để hoạt động, đưa ý kiến và đối thoại trực tiếp với chính phủ về những vấn đề họ có chuyên môn, và chính phủ lắng nghe họ thực sự.
Năm 2014, chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, các đồng nghiệp làm cộng đồng ở Indonesia có thể gặp được người có trách nhiệm cao nhất của NAC (National AIDS Council/Hội đồng AIDS quốc gia) để trao đổi và cùng thảo luận những giải pháp giảm lây nhiễm HIV/AIDS cho những người sử dụng ma túy.
Còn ở Mỹ thì các tổ chức cộng đồng được cấp phép, cấp tiền, được ghi nhận đóng góp của họ cho sự phát triển của đất nước. Ví dụ, Family Services for Great New Orleans đã nhận cung cấp nhiều gói dịch vụ hỗ trợ cho chính phủ, những báo cáo hay kết quả hoạt động được chia sẻ trực tiếp với các cơ quan chức năng của chính phủ.
Nguồn nhân lực hoạt động cộng đồng được đào tạo từ cao đẳng đến đại học. Ngoài ra nhiều ngành học như công tác xã hội, tâm lý học, giáo dục học, y tế cộng đồng… cũng giúp đào tạo con người làm việc cộng đồng.
Trong chương trình đào tạo tại Đại học New Orleans, tôi được học một số môn, tiết học bắt buộc liên quan đến cộng đồng như tư vấn cộng đồng, đánh giá – chẩn đoán, tư vấn sử dụng chất, tư vấn nhóm, thực hành, giám sát hoạt động…
Hoạt động cộng đồng hiện tại và tương lai là làm những công việc liên quan đến phát triển: tập trung phát triển con người cho các cộng đồng để họ hiểu họ là ai, họ cần gì, họ muốn đi đến đâu, và họ phải làm gì trong một xã hội đầy biến đổi. Vì vậy phải học về họ, cùng họ thiết kế con đường đi để tự họ làm được điều họ muốn, tự nói lên tiếng nói, và tự xác định được bản sắc của cộng đồng mình. Việc làm thay, làm hộ hay áp đặt chưa bao giờ mang lại hiệu quả bền vững.
____
Chị có lời khuyên nào cho công việc cộng đồng ở Việt Nam và hoạt động này hướng đến tương lai như thế nào?
Xã hội luôn phát triển, muốn phát triển bền vững, hài hòa thì vai trò của các tổ chức cộng đồng của Việt Nam cần được nhìn nhận phát huy.
Những tổ chức này sẽ làm những việc không mang lại lợi ích kinh tế, nhưng mang lại giá trị phát triển, làm những việc mà “không phải ai muốn làm” và cũng không phải cứ ai muốn làm là làm được.
Ba yếu tố cần thiết cho một tương lai tươi sáng của công việc phát triển cộng đồng ở Việt Nam là (1) Sự thông thoáng về pháp lý, (2) Trình độ chuyên môn, thái độ chuyên nghiệp, và kỹ năng của những cá nhân, tổ chức làm phát triển cộng đồng, và (3) Ghi nhận của xã hội về công việc này.
Nhưng theo kinh nghiệm cá nhân, những người làm cộng đồng tại Việt Nam chỉ tập trung vào điều kiện thứ hai cũng là điều kiện duy nhất: dựa vào chính mình.
Nói đến cộng đồng là nói đến sự khác biệt, sự đa dạng, vì vậy khi làm cộng đồng thì thái độ cởi mở, chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng các nhóm cộng đồng là những nguyên tắc tiên quyết để giúp chính bản thân người làm cộng đồng và giúp được những người trong cộng đồng.
Đã qua rồi giai đoạn chúng ta hiểu làm cộng đồng là những công việc từ thiện (charity) cho và nhận. Trong một giai đoạn nào đó, việc cho trẻ em nghèo một ít quần áo lạnh trong mùa đông cũng là tốt rồi.
Thế nhưng hoạt động cộng đồng hiện tại và tương lai là làm những công việc liên quan đến phát triển (development): tập trung phát triển con người cho các cộng đồng để họ hiểu họ là ai, họ cần gì, họ muốn đi đến đâu, và họ phải làm gì trong một xã hội đầy biến đổi.
Vì vậy phải học về họ, cùng họ thiết kế con đường đi để tự họ làm được điều họ muốn, tự nói lên tiếng nói, và tự xác định được bản sắc của cộng đồng mình. Việc làm thay, làm hộ hay áp đặt chưa bao giờ mang lại hiệu quả bền vững.
Chúng ta đã có nhiều lớp người làm cộng đồng ở Việt Nam, có những lớp người đã khuất, có những người đang độ tuổi chín muồi, và có những người đang háo hức chuẩn bị để tiếp tục công việc này trong tương lai.
Những người làm cộng đồng luôn dựa vào kiến thức chuyên môn và khả năng liên tục tự học hỏi của bản thân.
Bởi lẽ để hiểu và giải quyết những công việc cộng đồng, cần kiến thức của nhiều lĩnh vực chuyên môn và quan trọng hơn là khi làm việc với cộng đồng tại Việt Nam, chúng ta không thể dựa vào một công thức có sẵn của nơi khác.
Những người làm cộng đồng cần những người thầy, có thể là những người đi trước hoặc những cuốn sách cần thiết trong nghề để luôn tự hỏi và trả lời câu hỏi: Mình là ai? Tại sao mình làm việc này? Mình có phù hợp với nghề này không? Đến thời điểm này liệu mình có làm gì tổn hại đến những cộng đồng mà mình đang hướng đến? Đó là những câu hỏi cần thiết giúp người làm cộng đồng không đi lệch đường.
Một người thầy lớn trong ngành đã từng nói: “Tuổi trẻ thì muốn làm nhiều, nhưng thiếu kiến thức và kỹ năng để làm, tuổi già có đủ thứ thì chẳng thể làm gì. Vì vậy, ở bất cứ thời điểm nào trong đời nếu muốn thay đổi điều gì đó, hãy tự làm đi”.
Có kiến thức, có kỹ năng, bắt tay vào làm rồi, thành công hay chưa thành công thì cũng chia sẻ lại bài học cho những đồng nghiệp của mình.
Quan trọng hơn, cần đưa những kết quả làm được đến những người cần được biết, đặc biệt là những người có trách nhiệm của chính phủ và đó cũng là đang giúp cộng đồng.
____
Xin cảm ơn chị.