Hội thảo “Xu hướng thay đổi và thách thức đối với ngành Dệt may Việt Nam” do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tổ chức vào chiều 10/4 tại thành phó Hồ Chí Minh, các chuyên gia đã đưa ra những dự báo thách thức mới từ CPTPP giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển bền vững.
Đồng thời, chia sẻ định hướng xanh hóa ngành dệt may Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh đáp ứng thị trường toàn cầu.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký VITAS, ngành dệt may Việt Nam qua 30 năm phát triển, đã trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam năm 2018 đạt gần 37 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2017. Dự kiến năm 2019, ngành dệt may Việt Nam sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD. Cùng với đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự báo sẽ tạo ra “cú hích” cho ngành dệt may Việt Nam trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Hiện tại, ngành dệt may phát triển khá nhanh nhưng vẫn có những điểm yếu nhất định, nhất là vấn đề tuân thủ quy tắc về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Đây cũng được xác định là một trong những thách thức lớn đối với ngành dệt may Việt Nam trong tận dụng lợi thế từ những Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó, có CPTPP.
Tuy nhiên, song song với thách thức vẫn có cơ hội, vì chính những quy định khắt khe sẽ thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi để phát triển bền vững hơn và chinh phục người tiêu dùng quốc tế. Đồng thời, tạo ra sức ép để doanh nghiệp liên kết, hợp tác, chủ động thu hút dòng vốn đầu tư để cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, các FTA sẽ tạo động lực hình thành chuỗi cung ứng, đáp ứng được xu hướng thị trường toàn cầu.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, không chỉ tại Việt Nam, mà các nước đều có Chương trình phát triển bền vững với 17 mục tiêu. Riêng ngành dệt may là một trong những ngành được xác định có nguy cơ gây ô nhiễm, nên đi đôi với hoạt động sản xuất kinh doanh phải thực hiện giải pháp, cũng như tuân thủ quy định bảo vệ môi trường. Đơn cử, doanh nghiệp cần chú trọng đến khái niệm “nền kinh tế tuần hoàn”; trong đó triển khai sử dụng tiết kiệm nước, năng lượng…
Ông Võ Tân Thành, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) cho hay, ngành dệt may Việt Nam luôn được xác định là một trong những ngành trọng điểm; có tiềm năng phát triển và thuộc nhóm ngành dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu. Chính vì vậy, việc đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu đang là mối quan tâm hàng đầu mà doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam cần chú trọng cải thiện trong xu hướng phát triển bền vững.
Mặt khác, doanh nghiệp ngành dệt may cần chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác về thiết bị, máy móc, nguyên phụ liệu… đạt tiêu chuẩn quốc tế để vừa đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTA, vừa tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải chuyển hướng kịp thời từ gia công sang sản xuất để tạo những bước tiến bền vững cho ngành dệt may Việt Nam.
Thống kê cho thấy, ngành dệt may Việt Nam đang có hơn 6.000 doanh nghiệp hoạt động. Theo ông Vương Đức Anh, đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX), bên cạnh những thách thức bởi các quy tắc xuất xứ “ngặt nghèo”, CPTPP được đánh giá là tạo điều kiện thúc đẩy ngành liên kết các khâu sản xuất kinh doanh và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với thị trường các nước thành viên CPTPP, Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển, với dung lượng thị trường là 83 tỷ USD. Hiện tại, ngành dệt may Việt Nam mới đạt kim ngạch xuất khẩu vào thị trường các nước thành viên CPTPP là 5,3 tỷ USD, chiếm 6,3% thị phần thị trường các nước thành viên CPTPP.