Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 ghi nhận nhiều tiến bộ về điều hành kinh tế ở hầu hết các địa phương.
Những xu hướng nổi bật đáng mừng của năm 2018 là chi phí không chính thức giảm, đặc biệt tham nhũng vặt đã giảm rõ rệt so với thời kỳ trước. Môi trường kinh doanh cũng trở nên bình đẳng hơn.
Các cấp chính quyền tỉnh nhìn chung đã trở nên năng động và sáng tạo hơn. Cải cách hành chính tiếp tục có bước tiến.
Báo cáo PCI 2018 dựa trên thông tin phản hồi từ 12.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 11.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 20 địa phương của Việt Nam, vừa được công bố cuối tuần qua cho thấy mức độ lạc quan và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh vẫn được duy trì ở mức tương đối cao. 49,3% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh.
Có 42,4% doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì quy mô hiện tại. Chỉ 8,3% dự kiến giảm quy mô sản xuất kinh doanh hoặc đóng cửa. Tuy nhiên, bức tranh tổng thể của môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều điểm đáng quan ngại. Chi phí không chính thức tuy giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, cụ thể 58% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu, 54% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí bôi trơn.
Tình hình chưa cải thiện được bao nhiêu vẫn là môi trường kinh doanh bất bình đẳng. Có tới 40% doanh nghiệp cho biết các tỉnh còn ưu tiên, ưu ái doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) hơn các doanh nghiệp tư nhân. Thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông vận tải.
Tính minh bạch, cũng theo phản ánh của doanh nghiệp còn ít được cải thiện. Chất lượng nguồn nhân lực và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chưa cao. Theo báo cáo, các doanh nghiệp dân doanh nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ đang rất khó khăn.
Để tiếp tục phát triển khu vực kinh tế tư nhân, việc khắc phục những điểm nghẽn thể chế và chính sách nêu trên vẫn cần là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Chính phủ và cơ quan chính quyền các cấp.
Năm nay, đứng đầu trong bảng xếp hạng PCI là tỉnh Quảng Ninh, thứ hai là Đồng Tháp. Riêng Hà Nội lần đầu tiên lọt vào nhóm 10 tỉnh thành được đánh giá cao nhất về chất lượng điều hành và sự thông thoáng của môi trường kinh doanh.
Được thực hiện năm thứ 14 liên tiếp, chỉ số PCI mấy năm qua đã cho thấy sự chững lại của các ngôi sao cải cách và sự gian nan của những nỗ lực đột phá của nhóm dẫn đầu.
Điểm số PCI của các địa phương này vẫn chỉ mới qua ngưỡng 70/100 điểm kỳ vọng, cho thấy dư địa cải cách vẫn còn nhiều, những việc cải cách dễ dàng các tỉnh thành đều đã triển khai và bây giờ đụng đến những khâu, những việc khó khăn hơn, thậm chí là cốt lõi cần phải được tháo gỡ từ trần thể chế, từ cấp trung ương cũng như từ các bộ ngành.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Tài chính vừa cho biết năm 2018, theo kế hoạch sẽ phải cổ phần hóa được 64 doanh nghiệp, tuy nhiên đến hết năm mới chỉ cổ phần hóa được 23 doanh nghiệp. Việc chậm tiến độ sẽ tạo áp lực sang năm 2019.
Cụ thể, năm 2019 theo kế hoạch là cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, nhưng sẽ phải cộng dồn thêm 40 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa xong năm 2018, mà nếu không có biện pháp quản lý thì sẽ không thể hoàn thành được.
Về tình hình thoái vốn năm 2018, các doanh nghiệp đã thoái được 8.640 tỉ đồng, thu về 19.618 tỉ đồng. Theo Bộ Tài chính, việc triển khai thoái vốn nhà nước như vậy còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra.
Một số bộ, ngành, địa phương có nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn vẫn đang triển khai thực hiện nhưng kết quả đạt thấp hoặc chưa có kết quả, tuy nhiên vẫn chưa báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ thực hiện.
Đề cập đến nguyên nhân cổ phần hóa, thoái vốn chậm, Bộ Tài chính cho rằng có nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Nguyên nhân khách quan như các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, quản lý nhiều tài sản nhà nước, nhất là đất đai, nên tồn tại nhiều tính chất phức tạp. Nếu là doanh nghiệp nhỏ, đất đai không có thì sẽ cổ phần hóa dễ hơn.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết một số doanh nghiệp nhà nước (tập đoàn, tổng công ty) đang triển khai kế hoạch chuyển sang mô hình công ty cổ phần như Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Ngân hàng Agribank, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
Ngoài ra, tiến độ cổ phần hóa chậm còn do doanh nghiệp vướng mắc. Ví dụ như việc cổ phần hóa MobiFone, phải xử lý xong vụ AVG thì mới tiến hành cổ phần hóa được. Còn nguyên nhân chủ quan là có người làm sai.
Chẳng hạn như cổ phần hóa Ngân hàng Agribank, là hệ thống ngân hàng lớn nên khởi động một năm rưỡi rồi mà phương án sử dụng đất vẫn chưa thể hoàn thành theo quyết định, nên chưa cổ phần hóa được.
Đây là những vấn đề không xử lý một sớm một chiều. Có doanh nghiệp không mặn mà, có doanh nghiệp nhà đầu tư không mua, có doanh nghiệp có dư địa bán thì lại vướng mắc.
Một trong những vướng mắc đó liên quan đến đất đai mà Chính phủ đang xin lùi lại thời gian sửa luật cho phù hợp với tình hình thực tế.
Theo chương trình xây dựng luật năm 2019 của Quốc hội, dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai sẽ được trình Quốc hội trong năm 2019, nhưng Chính phủ xin lùi đến sau năm 2020.
Tuy đồng tình với Chính phủ, nhưng các ý kiến tại phiên họp đề nghị phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án luật để sớm đưa vào chương trình.
Việc xin lùi lại quả thật là rất đáng tiếc bởi trước đó, cũng phải rất khó khăn khi Quốc hội đồng ý sắp xếp sửa Luật Đất đai vào chương trình xây dựng luật của năm nay.
Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ 1-7-2014, tính đến nay chưa được năm năm, tuổi thọ còn khá ngắn, muốn được Quốc hội cho sửa không phải điều dễ dàng.
Tuy nhiên, Chính phủ thấy rằng không thể không sửa, nên từ cuối năm 2017 đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu sửa đổi và đến tháng 6-2018, được Quốc hội đồng ý cho thực hiện vào năm 2019.
Theo đó, dự án luật sẽ được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 diễn ra vào tháng 5-2019, thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10-2109.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, để tạo được động lực mới cho phát triển, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này sẽ xem xét đồng bộ nhiều vấn đề lớn nhằm giải quyết ba mục tiêu cơ bản là quản lý chặt chẽ tài nguyên đất; nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy nguồn lực tài chính từ đất đai cho phát triển; giải quyết vấn đề khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai.
Chính sách đất đai, một trong những yếu tố đầu vào quan trọng của hoạt động kinh tế – xã hội, cần phải tiếp tục được hoàn thiện, đổi mới để giải phóng các nguồn lực khác.
Đất đai là lĩnh vực quá nhạy cảm và phức tạp, chỉ một chút thiếu thận trọng cũng để lại hậu quả khó lường như về nội dung liên quan đến đất cơ sở tôn giáo; người nước ngoài mua nhà ở gắn liền với đất ở; quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, tích tụ tập trung đất đai; căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng, nhà ở khách sạn…
Luật Đất đai đã qua năm lần sửa đổi, luật đầu tiên được ban hành cách đây đã hơn ba thập niên, có hiệu lực từ ngày 8-1-1988 với sáu chương, 57 điều.
Luật này sau đó được thay thế bởi Luật Đất đai 1993 ban hành ngày 14-7-1993 với bảy chương, 89 điều và có hiệu lực từ ngày 15-10-1993.
Năm 2003, luật lại được sửa đổi, bổ sung với bảy chương, 146 điều. Lần sửa đổi tiếp theo vào năm 2013, có hiệu lực từ ngày 1-7-2014 và nay lại phải tiếp tục sửa đổi.