Thị trường chứng khoán đang có sự khởi sắc tích cực sau thời điểm Tết Kỷ Hợi. Thống kê 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường, có 26/30 mã tăng giá trong thời gian từ 11-2 đến 25-2, trong đó 13 mã đạt mức tăng hai con số.
DHG và HPG bứt phá mạnh nhất
Với 10/11 phiên giao dịch tăng điểm, VN-Index đã tăng 9,4% kể từ sau kỳ nghỉ tết vừa qua, từ hơn 900 điểm lên gần 1.000 điểm. Trong nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên sàn HSX, hai mã bứt phá mạnh nhất trong thời gian vừa qua là HPG và DHG. Với 10/11 phiên tăng giá, gồm một phiên tăng trần, thị giá DHG đã tăng 28,2% từ 11-2 đến 25-2.
Thậm chí, so với mức giá đáy gần hai năm qua là 73.500 đồng/cổ phiếu thiết lập hồi đầu tháng 1-2019 thì tỷ lệ tăng giá của DHG lên đến 48%. Diễn biến tích cực tại DHG cùng lúc với việc cổ đông lớn thứ hai là Taisho Pharmaceutical Co., Ltd đăng ký mua vào 952.200 cổ phiếu nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên 34,99%, ngay trong ngày đầu tiên được phép giao dịch (20-2), cổ đông này đã hoàn tất mua vào lượng đăng ký qua giao dịch thỏa thuận.
Cổ phiếu HPG cũng có 10/11 phiên tăng giá giúp thị giá tăng 27,5% trong hơn hai tuần qua. Trước đó, HPG công bố lợi nhuận quý IV-2018 suy giảm khiến thị giá mất đi 8,2% trong bốn phiên trước kỳ nghỉ tết. Diễn biến giá HPG đã hoàn toàn đảo ngược sau khi thị trường trở lại giao dịch, với đóng góp từ việc khối ngoại trở lại mua ròng tích cực 20,7 triệu đơn vị, trị giá 649,6 tỉ đồng.
Thời gian qua, diễn biến giá HPG khá đồng pha với xu hướng mua/bán ròng của khối nhà đầu tư ngoại, mỗi khi lực mua ròng tăng mạnh, thị giá diễn biến tích cực và ngược lại. Không bứt phá mạnh mẽ về giá, nhưng nhóm cổ phiếu “họ Vin” bao gồm VIC, VHM và VRE đã có đóng góp lớn nhất vào đà tăng của chỉ số VN-Index. Với các vị trí thứ 1, thứ 2 và thứ 11 về vốn hóa trong số các doanh nghiệp niêm yết trên HSX, chiếm 23,3% tổng quy mô vốn hóa, ba cổ phiếu “họ Vin” đã đóng góp 38,2% tổng mức tăng vốn hóa toàn sàn trong hơn hai tuần qua.
Thống kê 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường, có 26/30 mã tăng giá từ 11-2 đến 25-2, trong đó 13 mã đạt mức tăng hai con số. Tại nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, sự đồng thuận không cao khi có 40,8% số cổ phiếu niêm yết trên HoSE đi ngang hoặc giảm giá trong giai đoạn thị trường bứt phá sau tết, 32% cổ phiếu còn lại tăng giá dưới 5%.
Kỳ vọng dòng tiền lan tỏa
Sau giai đoạn VN-Index giảm về vùng đáy một năm trong tháng 12-2018, thị trường đã có những diễn biến tích cực khi bước sang năm mới 2019. VN-Index tăng gần 4% trong thời gian giữa hai kỳ nghỉ tết (Dương lịch và Âm lịch) khi đón nhận nhiều thông tin hỗ trợ từ mùa kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2018, cùng tình hình kinh tế, chính trị thế giới giảm bớt những bất ổn. Ngoài việc chỉ số tăng điểm thì một điểm tích cực nữa là dòng tiền có xu hướng hoạt động mạnh trở lại sau Tết Kỷ Hợi. Tính riêng sàn HSX, giá trị giao dịch bình quân của 11 phiên sau tết đạt 4.194 tỉ đồng, tăng 57% so với tháng trước, trong đó giao dịch khớp lệnh bình quân đạt 3.584 tỉ đồng/phiên.
- Xem thêm: Vì đâu TTCK hứng khởi sau tết?
Bên cạnh dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước, dòng tiền khối ngoại cũng tăng cường mua ròng với giá trị đạt 2.375 tỉ đồng sau 11 phiên. Trong đó, khoảng một nửa là thông qua giao dịch khớp lệnh, trở thành động lực giúp thanh khoản thị trường cải thiện, nâng đỡ niềm tin của nhà đầu tư trong nước. Mùa đại hội đồng cổ đông 2019 đang đến gần với những kỳ vọng về kế hoạch phân phối lợi nhuận, cổ tức tích cực sau năm 2018 thành công, cùng kế hoạch doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng trong năm 2019 tại nhiều doanh nghiệp.
Sau giai đoạn tập trung vào nhóm cổ phiếu dẫn dắt, dòng tiền được kỳ vọng sẽ lan tỏa sang nhóm vừa và nhỏ, tạo nên sự tăng giá đồng đều hơn, cũng như kích thích thêm dòng tiền mới gia nhập, khi mức định giá của nhiều cổ phiếu vẫn đang ở vùng hấp dẫn, thấp nhất trong 1-2 năm trở lại đây. Tuy vậy, sự sàng lọc đã và đang diễn ra mạnh mẽ, dòng tiền được đánh giá sẽ chủ yếu tìm đến các doanh nghiệp có câu chuyện riêng nổi bật, các ngành được đánh giá là nhiều triển vọng trong năm nay như ngân hàng, dầu khí, bất động sản…