Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã khởi đầu năm Kỷ Hợi một cách rất tích cực. Chỉ số VN-Index có sự bứt phá ngoạn mục với mức tăng hơn 50 điểm, đi kèm thanh khoản cải thiện mạnh.
Hứng khởi sau tết
Một trong những động lực quan trọng hỗ trợ đà tăng giá của VN-Index hai tuần sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi là xu hướng mua ròng mạnh trở lại của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị mua ròng trên cả ba sàn (bao gồm UPCoM) ước tính gần 2.000 tỉ đồng. Giao dịch đáng chú ý trong hai tuần qua là khối ngoại mua ròng 14,6 triệu cổ phiếu MSN của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan trong phiên giao dịch ngày 14-2 thông qua giao dịch thỏa thuận, trị giá 1.231 tỉ đồng, góp phần tạo nên phiên giao dịch có thanh khoản cao nhất trên TTCK kể từ đầu năm 2019.
Giao dịch mua trực tiếp trên sàn thông qua khớp lệnh tại nhiều cổ phiếu cũng diễn ra tích cực, góp phần hỗ trợ thị giá. Sau tuần giảm giá mạnh trước tết khi đón nhận tin tức kém khả quan về kết quả kinh doanh quý IV-2018, cổ phiếu HPG đã được khối ngoại mua ròng năm phiên liên tiếp, tổng cộng 11,6 triệu đơn vị, trị giá 358 tỉ đồng. Lực cầu tốt giúp thị giá HPG tăng hơn 15% trong các tuần sau tết. Cổ phiếu STB cũng được khối nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 8,18 triệu đơn vị, thị giá cổ phiếu tăng hơn 16%. Sau những thông tin kết quả kinh doanh năm 2018 khả quan, trong khoảng một tháng trở lại đây, STB là một trong những cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trên thị trường về khối lượng, với 23,2 triệu đơn vị, trị giá 287 tỉ đồng.
Dòng tiền từ các quỹ
Cụ thể hơn, với động thái mua ròng của khối ngoại trên thị trường, dữ liệu công bố cho thấy một loạt quỹ đầu tư đã huy động vốn thành công và tích cực giải ngân từ đầu năm 2019 đến nay. Chứng chỉ quỹ E1VFVN30 – quỹ đầu tư vào danh mục cổ phiếu VN30 do Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) quản lý đã được nhà đầu tư nước ngoài mua vào 4,2 triệu chứng chỉ quỹ trong tuần đầu tiên sau tết, trị giá 62,2 tỉ đồng. Là quỹ ETF nội, không bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room) và không bị giới hạn đầu tư vào các cổ phiếu bị giới hạn sở hữu nước ngoài, E1VFVN30 được xem là chứng chỉ quỹ hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại.
Đến cuối tháng 1-2019, tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tại E1VFVN30 lên đến 98% số lượng chứng chỉ quỹ lưu hành. Thống kê cho thấy, mỗi giai đoạn VFMVN30 ETF tăng mạnh phát hành chứng chỉ quỹ, nhà đầu tư nước ngoài mua vào mạnh là giai đoạn TTCK thường diễn biến thuận lợi. Ngược lại, khi chứng chỉ quỹ bị khối ngoại bán ròng, rút vốn, diễn biến thị trường thường kém tích cực. Bởi vậy, việc quỹ liên tục phát hành thành công chứng chỉ quỹ và đẩy mạnh giải ngân từ đầu năm được xem là chỉ báo cho xu hướng tích cực của thị trường.
Quỹ ETF ngoại VanEck Vectors Vietnam (VNM ETF) cũng liên tục huy động thêm vốn và mua ròng trên thị trường. Tính đến ngày 15-2, tổng giá trị tài sản ròng của VNM ETF đạt 373 triệu USD, tăng 17,8% so với cuối năm 2018. Tổng cộng, VNM ETF đã phát hành thêm hơn 1,5 triệu chứng chỉ quỹ trong 1,5 tháng qua. Sau các khoản giải ngân thêm vào KDH, DXG, HPG… giai đoạn cuối năm 2018, nhóm các quỹ đầu tư do Dragon Capital quản lý đã công bố mua thêm 1,7 triệu cổ phiếu MWG trong tháng 1-2019, nâng tỷ lệ sở hữu từ 11,7% lên 12,1%. Trong đó, Amersham Industries Limited mua thêm 450.000 đơn vị, Wareham Group Limited mua thêm 440.000 đơn vị, Norge Bank mua thêm 200.000 đơn vị…
Kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt, tỷ giá được giữ ổn định, triển vọng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết thuận lợi, tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do… đang được đánh giá là những yếu tố giúp TTCK Việt Nam tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2019, nhất là sau giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh cuối năm 2018 đã đưa mức định giá của nhiều cổ phiếu về vùng hấp dẫn. Ngoài ra, triển vọng nâng hạng cũng là câu chuyện hấp dẫn đối với TTCK trong trung và dài hạn.
Dù kết quả nâng hạng khó có thể đến trong năm nay, nhưng năm 2019 được xem sẽ là bước đệm quan trọng khi các cơ quan quản lý (Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước…) nỗ lực thực hiện các công việc nhằm đáp ứng tiêu chí nâng hạng như nâng cấp hệ thống giao dịch, sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán. Cơ chế giao dịch được hoàn thiện sẽ là yếu tố thu hút dòng vốn ngoại tìm đến Việt Nam để đón đầu tiềm năng tăng trưởng, bao gồm cả các quỹ chuyên đón đầu “game” nâng hạng, chẳng hạn Tundra Vietnam Fund. Tính đến cuối tháng 1-2019, quy mô tài sản ròng của Tundra Vietnam Fund đầu tư vào TTCK Việt Nam khoảng 88,3 triệu USD, với các khoản đầu tư được phân bổ tài sản ròng lớn như FPT (8,4%), MSN (6,9%), DXG (6,2%), VIC (5,6%), VNM (5,3%).