Các nhà khoa học của Đại học Kansas, Mỹ vừa công bố chế tạo thành công thiết bị phát hiện bệnh ung thư chỉ qua một giọt máu, rút ngắn được các quy trình chẩn đoán bệnh phức tạp hiện nay.
Zeng Yong, trưởng nhóm nghiên cứu và là phó giáo sư hóa học tại Đại học Kansas, đã sử dụng công nghệ vi sinh 3D, khiến thiết bị này có thể giúp các túi bào kết nối với bề mặt nhận diện của con chip. Khi các túi bào di chuyển gần tới bề mặt này, chúng có xu hướng bị chia tách bởi một khoảng dung dịch nhỏ.
Khi các exosome – túi bào của tế bào ung thư – tiếp xúc với bề mặt cảm biến của chip, chúng bị ngăn cản bởi một lượng chất lỏng. Các lỗ nhỏ sẽ hút chất lỏng xuống giống như bồn rửa. Nhờ đó mà các túi bào được giữ lại trên bề mặt chip dễ dàng hơn.
Nhóm của Zeng đã thử nghiệm thiết kế này với các mẫu lâm sàng từ các bệnh nhân ung thư buồng trứng và phát hiện ra rằng con chip có thể phát hiện sự hiện diện của ung thư trong một lượng nhỏ huyết tương.
Bên cạnh việc cho kết quả nhanh chóng, con chip này cũng dễ chế tạo và chi phí tạo ra nó khá rẻ. Điều này cho phép việc thử nghiệm ở quy mô rộng hơn và ít tốn kém hơn với nhiều đối tượng bệnh nhân khác.
Theo Zeng Yong, trưởng nhóm nghiên cứu, Phó Giáo sư hóa học tại Đại học Kansas, hầu như tất cả các loài động vật có vú đều giải phóng exosome, vì vậy ứng dụng này không chỉ giới hạn ở ung thư buồng trứng hay bất kỳ loại ung thư nào.
Nhóm nghiên cứu đang hướng đến việc ứng dụng thiết bị này với các bệnh liên quan đến mô thần kinh, ung thư vú vàung thư trực tràng.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Biomedical Engineering hôm 25-2.