Thiết kế một nhà hàng chay, tất nhiên, phải thể hiện được hình ảnh, cái tình, cái ý của một không gian thiền tịnh. Điều này đôi khi cần rất nhiều sự dụng tâm, và ở Hum, thực khách được đắm chìm trong tinh thần đó.
Một bức tường gạch thô gắn tên nhà hàng được bố trí ngay khoảng sân trước, che hẳn tầm nhìn từ bên ngoài vào nhà hàng. Men theo “bình phong” này, một đoạn đường lát đá nhỏ với hồ sen chạy hiền lành hai bên dẫn thực khách đến điều bất ngờ đang chờ đợi sẵn bên trong. Một không gian ẩm thực rộng rãi mà ấm cúng, thanh tịnh – đúng như những gì người ta có thể hình dung về một nơi chốn để tìm đến sự bình yên trong tâm tưởng. Chủ đầu tư và đơn vị thiết kế đã kiến tạo nên không gian đậm chất thiền và thanh lịch. Khi vào với thế giới riêng của Hum, những bề bộn của thành phố mà thực khách vừa trải qua vài phút trước đó như hoàn toàn biến mất. Một cõi tự tại xanh mới được mở ra, cảm giác cân bằng đã xóa đi tiếng gầm gào của xe cộ, sự ngột ngạt của bụi khói và bao phủ trên khắp ngóc ngách của chốn ẩn lánh tịnh lặng này.
Biệt thự cũ, cảm giác xưa và cái tình thân thuộc. Ở bên trong, Hum hiền hòa với những dãy bàn ghế bằng gỗ tự nhiên. Những bàn ghế để nguyên màu nâu trầm ấm và kiểu dáng đơn giản, không tô vẽ, không uốn lượn. Đây đó ảnh hưởng tinh thần những món đồ gỗ thời những năm 1960s của Sài Gòn ngày cũ. Những bức tranh màu nóng đậm chất Á Đông như dành riêng cho mảng tường gạch thô. Những cánh rèm đơn sắc, màu mạnh và trong, nhiều màu được phối hợp với nhau nhưng không sặc sỡ mà hợp với tông màu ấm của gỗ.Những cánh rèm lấy cảm hứng từ cờ ngũ sắc trong văn vật của Kim cương thừa tượng trưng cho Ngũ trí Như lai. Đây là loại cờ nhỏ được nối thành chuỗi dài mà người dân Tây Tạng treo ở khắp nơi. Họ viết lên đó những lời kinh màu nhiệm để mỗi khi gió thổi qua, lời kinh sẽ theo đó mà bay xa, ban phúc lành đến tận những điểm dừng của gió. Thế nên những bức rèm này không chỉ dùng trang trí mà còn làm không gian bừng sáng, như một mong muốn về những nhiệm màu. Nhà thiết kế cũng tạo ra những khoảng trống cố ý, những chỗ chuyển tiếp nhẹ nhàng trong nội thất bằng cây xanh, bằng hồ sen hay kệ trang trí. Sự tách biệt giữa các khu vực chức năng cũng được thiết lập nhẹ nhàng nhờ cách xử lý đó.
Câu thần chú Quan Thế Âm – vị Phật của lòng bi mẫn “Om mani padme hum” kết thúc ở từ “hum” – được nhiều người lý rằng là sự giác ngộ về ý, là bước cuối cùng trong tịnh hóa những chướng ngại của thân, lời, ý. Thế nên, cách những vị chủ nhân ở đây chọn lựa tên nhà hàng cũng thật tinh với nhiều hàm ý. Họ đã mang đến cho thực khách những món chay đúng với tinh thần tịnh ngộ: thuần khiết, hướng hoàn toàn đến thiên nhiên và chắc chắn là, tốt cho sức khỏe. Nhưng rộng hơn nữa, là ở cách họ thiết lập nên không gian để thực khách, dù có là Phật tử hay không cũng tìm được chốn để có thể thong dong, tìm được một nơi thật khác biệt – nơi của những bữa ăn chậm rãi giữa thân tình trong nhịp đời luôn hối vội.
- Hình ảnh được thực hiện tại Nhà hàng chay Hum
- 32 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM. ĐT: (08) 39303819
- Website:http://www.hum-vegetarian.vn
Bài Đăng Nhiên