Vẫn biết “Người đẹp vì lụa”, nhưng chính nhân viên, chứ không phải các nhà quản trị, mới là những chiếc “áo lụa” tạo nên sự khác biệt của doanh nghiệp.
“Người của chúng ta tạo nên sự khác biệt” là một đúc kết quan trọng của Michael Bergdahl – tác giả quyển sách 10 quy tắc của Sam Walton, viết về quan điểm dùng người của ông vua bán lẻ của Hoa Kỳ là Sam Walton, chủ nhân Tập đoàn Walt-Smart.
Sự khác biệt của doanh nghiệp không chỉ được tạo nên từ những gì được truyền thông một cách chính thống (ví dụ tên và hệ thống nhận diện thương hiệu, các sản phẩm được bán ra trên thị trường…), mà còn được tạo thành từ chính những con người trong doanh nghiệp. Họ không chỉ là lực lượng tạo nên sản phẩm hay phân phối sản phẩm, mà còn đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống tiêu chí nhận diện của doanh nghiệp.
Nhìn một nhóm người lịch thiệp cùng ngồi ăn trưa tại một nhà hàng sang trọng, người ta sẽ đánh giá công ty mà họ đang làm thuê thuộc đẳng cấp cao, hẳn đó là một doanh nghiệp có uy tín tốt.
- Xem thêm: Nhân sự và câu chuyện chiếc áo
Ngoài chất lượng thực tế của sản phẩm, thương hiệu có thể được nhận biết thông qua phục sức trên người, chẳng hạn có logo doanh nghiệp gắn trên bút viết, sổ tay, giỏ xách, quần áo, mũ bảo hiểm…, nhưng quan trọng hơn là còn được khẳng định bởi chính những thành viên của doanh nghiệp qua phong cách làm việc, cách phục vụ khách hàng, cách giao tiếp với công chúng.
Ngược lại, khi trông thấy một nhóm người đi làm nhếch nhác, lôi thôi vào một quán xá xuềnh xoàng, nếu có thông tin về doanh nghiệp mà họ đang làm việc thì người ta dễ đánh giá đó là một công ty “xoàng” và sản phẩm của thương hiệu ấy cũng có chất lượng thấp.
Thậm chí còn tệ hại hơn nếu tại những nơi quan trọng, hội tụ những đối tác tiềm năng như như các nhà hàng, hội chợ triển lãm hay trên phương tiện truyền thông đại chúng mà thương hiệu của doanh nghiệp lại được trao cho những người chưa đủ tầm để quảng bá.
Ví dụ tại nhà hàng buffet, người có trách nhiệm quảng bá thương hiệu lấy thức ăn quá nhiều và để thừa nhiều đồ ăn trên đĩa thì điều đó nhất định sẽ bị ghi nhận và thương hiệu công ty của anh ta sẽ bị mất ít nhiều giá trị, cho dù anh ta tỏ ra chuyên nghiệp và sang trọng đến mấy.
Tương tự, nhân viên bán hàng trong showroom của một hiệu mỹ phẩm nổi tiếng cũng có thể dễ dàng làm xấu đi thương hiệu của tập đoàn nếu phát âm sai tên những loại mỹ phẩm phổ biến hay tỏ ra thô lỗ với khách hàng.
Trên các phương tiện truyền thông, nếu nhân sự cao cấp của một công ty xuất hiện với hình ảnh không nghiêm chỉnh và dù vô tình hay cố ý mà thiếu tôn trọng khán thính giả thì cũng dễ dàng làm xấu đi thương hiệu của doanh nghiệp.
Tất nhiên cũng có những vị lãnh đạo doanh nghiệp tự xây dựng được thương hiệu cá nhân và qua đó nâng cao hơn giá trị thương hiệu của doanh nghiệp nhờ vào sự đặc biệt đến khác thường của họ, nhưng điều này thường đi kèm với việc họ đã xây dựng được một tập thể hùng mạnh và có tài lãnh đạo đáng khâm phục.
Vì thế, để có được những chiếc “áo lụa” đẹp, giới chủ hay giới lãnh đạo không nên chỉ chăm bẵm cho hình ảnh cá nhân của mà quên mất những cộng sự ở cấp thấp hơn, càng không nên xuề xòa với cách thể hiện bản thân họ trước khách hàng, trước công chúng.
Để các nhân viên hiểu và làm tốt được yêu cầu này, thiết nghĩ trước hết nhà quản trị cần phải biết khơi dậy lòng tự hào đối với tập thể người lao động, tạo cho họ ý thức và thói quen bảo vệ hình ảnh của doanh nghiệp cũng như hình ảnh của chính bản thân mình.
Nói ra điều đó xem ra khá dễ, nhưng muốn thật sự thành công, doanh nghiệp cần hội tụ được nhiều yếu tố, từ lương thưởng, các chế độ đãi ngộ khác, phòng ốc và điều kiện làm việc đến việc xây dựng nền văn hóa doanh nghiệp và con người mẫu của doanh nghiệp.