Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nhìn nhận qua một năm triển khai chương trình này Chính phủ đã dành nhiều công sức để xây dựng một hệ thống văn bản. Tuy nhiên, chất lượng văn bản không cao, triển khai còn chậm và chưa có những chuyển biến cụ thể trên từng nội dung của tái cơ cấu. Quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng chưa được thiết lập theo một chương trình bài bản có mục tiêu nên kết quả chưa rõ ràng, nhất là đối với khu vực kinh tế trong nước.
Là người có vai trò quan trọng trong việc hình thành đề án “Tái cơ cấu nền kinh tế”, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cũng nhìn nhận các công việc đã làm để tái cơ cấu kinh tế chưa tập trung vào giải quyết vấn đề căn bản là tạo lập một hệ thống động lực khuyến khích mới để phân bố lại nguồn lực trong toàn xã hội, làm cho nguồn lực được sử dụng có hiệu quả, hợp lý và bền vững hơn.
Nghịch lý là, theo ông Cung, quá trình tái cơ cấu không những chưa tạo áp lực để các doanh nghiệp, nhà đầu tư dám chấp nhận rủi ro, có tư duy mới, cách làm mới, mà trái lại có phần dung dưỡng, che chắn cho một số doanh nghiệp, trong khi chính những doanh nghiệp này là tác nhân của khó khăn kinh tế hiện nay.
Liên quan đến đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế mới được phê duyệt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương (CIEM) Lê Xuân Bá nhấn mạnh, nếu không chấp nhận để doanh nghiệp và cả ngân hàng yếu kém chết đi, thì không thể tái cơ cấu nền kinh tế.
Cũng tại Diễn đàn này, chuyên viên Phạm Chi Lan đã nhấn mạnh chúng ta bỏ lỡ cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế và trong thời gian đó, các nhóm lợi ích đã bùng lên, trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Thế lực của các nhóm lợi ích đã trở nên mạnh mẽ, không phải chỉ ở riêng khu vực doanh nghiệp nhà nước mà khu vực nào cũng có và là lực cản rất lớn cho tái cơ cấu. Bà Lan cũng quan ngại có thể xảy ra việc lợi dụng tái cơ cấu để thu vén cho lợi ích cá nhân và đề nghị Quốc hội cần giám sát thật chặt chẽ.
Gia Minh tổng hợp