Chắc chắn “Ủ” là cái tên ngắn gọn nhất trong số những triển lãm tranh tại nước ta từ khi có nền hội họa hiện đại, được khai sinh từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào thập niên 1920 tại Hà Nội. “Ủ” còn xứng đáng được coi là một sự kiện nghệ thuật của những ngày đầu năm 2019 (tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, 97 Phó Đức Chính, quận 1, từ 4-1 đến 10-1).
“Ủ” là triển lãm cá nhân thứ hai của họa sĩ Hiền Nguyễn, giới thiệu 88 bức tranh trong đó có đến 61 tranh sơn mài, với nhiều bức có kích thước lớn, cùng một số tranh sơn dầu và tranh đồ họa – loạt đồ họa cỡ nhỏ này là cách tác giả cho biết xuất thân của chị, người từng theo học khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Tất nhiên tên gọi “Ủ” cho thấy sơn mài mới là giấc mộng cuộc đời, là sự nghiệp nghệ thuật của Hiền Nguyễn. Xem toàn bộ tác phẩm của triển lãm “Ủ” chiếm lĩnh trọn tầng trệt khu trưng bày của bảo tàng đủ để ngả mũ thán phục sức làm việc của nữ họa sĩ, nhất là với chất liệu sơn mài đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian.
Rời Hà Nội vào miền Nam sinh sống, Hiền Nguyễn từng là họa sĩ thiết kế thời trang cho Công ty May Việt Tiến; thế rồi khi Việt Tiến dự một show diễn thời trang tại Đài Bắc, Hiền Nguyễn đã mạnh dạn dùng các nguyên liệu sơn mài là son, then, vàng vẽ lên trang phục, không ngờ thử nghiệm táo bạo này lại thành công bất ngờ, từ đó chị có được nguồn cảm hứng lớn lao với chất liệu truyền thống này và đã quyết định bỏ hẳn nghề thiết kế để chuyên tâm sáng tác tranh sơn mài. Thật may mắn là trước đó chị đã học được kỹ thuật vẽ tranh sơn mài tại Trường Mỹ nghệ Hà Đông, một cơ sở đào tạo bài bản và vững chắc về chất liệu này.
- Xem thêm: Bữa tiệc thị giác cuối năm 2018
Có nhiều khuynh hướng sáng tác trong tranh sơn mài của Hiền Nguyễn, song chủ yếu là tranh trừu tượng và biểu hiện. Theo họa sĩ Lê Trí Dũng, một người thầy của Hiền Nguyễn, thì cô học trò năm xưa của ông “đã rất thông minh khi sáng tác tranh sơn mài theo khuynh hướng trừu tượng và biểu hiện”, bởi “không đòi hỏi diễn hình quá cụ thể, nệ thực mà cho phép thả sức tìm tòi vẻ đẹp của sơn ta truyền thống qua các hình – mảng – nét tự do, ít bị cầm thúc bởi bất cứ đề tài gì”.
Còn nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nhận định về tranh sơn mài của nữ họa sĩ: “Hiền Nguyễn có khả năng miên man với một bề mặt rộng, có lẽ không nhất thiết phải giới hạn, hay kết thúc ở đâu. Họa sĩ thích các bề mặt dịu dàng, sắc độ chuyển đổi không quá đột ngột, không thích sự chói lọi, mà nghiêng về trung tính, tỏ ra đơn giản, để che đậy cái phức tạp bên trong”.
Còn nhiều bài viết của các họa sĩ được in trong tập sách Ủ phát hành cùng với triển lãm. Đây là một ấn phẩm được thực hiện công phu, trình bày đẹp, cho thấy hành trình đến với nghệ thuật sơn mài của Hiền Nguyễn, như tâm sự của chị: “Tôi đã trải qua 15 năm thực nghiệm và tìm tòi chất liệu sơn mài, từ những kiến thức học được từ trường, và từ kinh nghiệm thực tế. Mỗi bước đều là quá trình tìm cho mình một con đường sáng tạo qua nhiều khuynh hướng thể hiện khác nhau”.
- Xem thêm: Ký ức hẻm Sài Gòn
Nữ họa sĩ phân tích thấu đáo: “Mài chính là “vẽ” chỗ ta muốn hiện ra, không mài hoặc mài nhẹ chỗ muốn ẩn đi. Sơn mài là dự kiến, là tìm khả năng phối trợ nhiều lớp màu được chồng đè, với độ dày mỏng khác nhau. Kỹ thuật và tay nghề khi “mài”, làm phẳng, chính là công đoạn thể hiện cá tính sáng tạo rõ nhất, kỹ thuật cộng với cảm xúc sáng tác khi mài làm lộ rõ thứ lớp của nhiều lớp màu, sau đó, khi tranh được đánh bóng thì hiệu quả theo chiều sâu tăng thêm, không một chất liệu nào sánh kịp”.
Tập sách trình bày các công đoạn cơ bản của quá trình thực hiện một tác phẩm sơn mài trong xưởng của nữ họa sĩ và được minh họa bằng các hình ảnh thực tế. Riêng công đoạn ủ trong quy trình sáng tác tranh sơn mài phức tạp và công phu, được Hiền Nguyễn tóm tắt bằng một “slogan”: “Hơn cả lúc vẽ, hơn cả lúc mài, ủ là một công đoạn thú vị và bí hiểm!”.
Hiền Nguyễn tên khai sinh là Nguyễn Thị Thu Hiền, sinh năm 1969 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Hiện đang sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Trước triển lãm “Ủ”, Hiền Nguyễn chỉ có một triển lãm cá nhân với tên gọi “Những cung bậc cảm xúc” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2012; đã dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2010, cùng các triển lãm nhóm tại Anh, Malaysia năm 2015, 2016.