“Xin hãy nhẹ tay!” là triển lãm cá nhân lần thứ hai của họa sĩ Nguyễn Thế Hùng tại gallery Craig Thomas (27i Trần Nhật Duật, Q.1, TP. Hồ Chí Minh – từ 21-3 đến 11-4-2013) sau triển lãm “Và hoa đã mưa xuống” năm 2011.
“Xin hãy nhẹ tay!” giới thiệu loạt tranh mới nhất của Nguyễn Thế Hùng được vẽ với chất liệu acrylic trên vải, trên giấy dó bồi trên vải và acrylic cùng bạc lá trên vải. Loạt tranh này lấy ý tưởng từ những suy nghĩ của tác giả về sự tương phản giữa các thiết kế cổ xưa và hiện đại cùng những mâu thuẫn giữa các giá trị truyền thống Việt ở nông thôn với những cách sống, cách nghĩ mới đã bị đô thị hóa, quốc tế hóa.
Chính từ đó, dễ nhận thấy những họa tiết Phật giáo và hoa văn Việt cổ rải khắp các nền tranh là những biểu tượng của các triều đại phong kiến trước đây: rồng, phượng, nghê, các tích cổ “lưỡng long tranh châu”, “song long chầu nguyệt”, tất cả như muốn nhắc đến di sản văn hóa phong phú của người Việt. Và nổi bật trên nền tranh là hình ảnh gợi cảm của người phụ nữ Việt Nam hiện đại được thể hiện qua các kiểu tạo dáng sống động và hấp dẫn.
Lấy cảm hứng từ loại tranh Mỹ theo phong cách “pin-up” phổ biến vào thập niên 1950 (*), Nguyễn Thế Hùng sử dụng hình ảnh các cô người mẫu trên các áp phích, tạp chí tiêu dùng và thời trang phổ biến hiện nay cũng như trên internet, kết hợp chúng với các mô-típ hoa văn cổ phổ biến ở những kiến trúc lâu đời của Việt Nam. Sự pha trộn này phản ánh những điều tác giả tin rằng đang diễn ra trong xã hội Việt Nam đương đại. Đó là sự hòa nhập và xung đột liên tục giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại; đồng thời những ảnh hưởng tương hỗ này cũng làm biến đổi những giá trị và thái độ sống của người Việt. Quá trình này gợi lên những trăn trở về các giá trị văn hóa, xã hội, đạo đức và nghệ thuật, khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về các giá trị định hướng và cảm xúc của mình.
Đặt hình ảnh phụ nữ ở vị trí trung tâm của loạt tranh “Xin hãy nhẹ tay!”, Nguyễn Thế Hùng còn nêu ra các câu hỏi quan trọng về quyền con người, về bình đẳng giới và mối quan hệ nam – nữ trong xã hội đương đại. Với các chân dung phụ nữ quyến rũ và có phần khiêu khích trong tranh, anh muốn nhấn mạnh sự trân trọng đối với phụ nữ, với vẻ đẹp cơ thể và sự hiện diện đặc biệt của họ. Thay vì thể hiện cụ thể vẻ đẹp nữ tính, họa sĩ tôn vinh phụ nữ và khiến người xem đặt câu hỏi về bản chất và vai trò của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam đương đại.
Anh thừa nhận mình bị kéo vào thế giới của những người phụ nữ hiện đại, say đắm và quyến rũ, những cô gái rực rỡ, gợi cảm và tự tin. Nhưng anh đồng thời bị giằng xé giữa thế giới mới này và một thế giới khác, cũng đẹp đẽ không kém, nhưng khác biệt, bởi nó có gốc rễ truyền thống hàng nghìn năm, thế giới của những truyền thuyết và thần thoại, văn hóa và nghệ thuật cổ, những giá trị đạo đức. Anh tạo ra không gian mới trong tranh mình để cố gắng dung hòa sự tách bạch này bằng khả năng mỹ cảm của bản thân.
Theo Nguyễn Thế Hùng, cả hai thế giới mới và cũ đều xứng đáng được quan tâm và nâng niu: “Xin hãy nhẹ tay với các giá trị truyền thống văn hóa, đạo đức, lịch sử và nghệ thuật. Xin hãy nhẹ tay với những người phụ nữ xinh đẹp. Họ mạnh mẽ và hiện đại, nhưng cũng thật nữ tính, mong manh, dễ bị tổn thương như bản chất của họ”.
Sinh năm 1981, Nguyễn Thế Hùng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2009, từng triển lãm cá nhân tại Hà Nội, Huế và TP. Hồ Chí Minh cùng rất nhiều triển lãm nhóm trong nước. Anh còn tham gia một số dự án về âm nhạc, múa, sân khấu và thời trang.
(*) Thập niên 1950 chứng kiến sự thống trị của những bức tranh “pin-up” rất phổ biến trong nền văn hóa pop giai đoạn này. Đó là những bức tranh đầy màu sắc được chuyển thể từ ảnh đen trắng, hay các bức ảnh được cắt ra từ báo, tạp chí, lịch… mà nhân vật trong tranh luôn là các cô gái thật gợi cảm. Loại tranh này chúng để treo tường với mục đích trang trí, được người Mỹ đặc biệt ưa thích.
- Xuân Mai