Tám mươi năm là chặng đường ngắn ngủi nhưng Vovinam – Việt Võ Đạo đã có những đóng góp quan trọng vào phong trào võ thuật Việt Nam và thế giới.
Với hệ thống kỹ thuật mang tính dân tộc, khoa học, thực dụng, sáng tạo cùng với triết lý nhân sinh thượng võ và tấm lòng xả kỷ, Vovinam đã góp phần giới thiệu đất nước và con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Cùng với phở và áo dài, Vovinam là một trong ba sản phẩm văn hóa nổi trội nhất của người Việt Nam được thế giới biết đến.
Nhân lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Vovinam, Hội đồng Võ sư (VS) Chưởng quản và Liên đoàn Vovinam Việt Nam đã tổ chức biên soạn tập tài liệu “Vovinam Việt Võ Đạo – Hành trình 80 năm” do VS Nguyễn Hồng Tâm chấp bút. Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam đã có những chia sẻ tóm tắt về những thăng trầm trên chặng đường 80 năm mà môn võ này đã đi qua.
Từ thập niên 1930, khi Việt Nam còn bị thực dân Pháp đô hộ, ông Nguyễn Lộc, một thanh niên ưu tú đương thời, đã chọn con đường Cách mạng tâm thân – một cách rèn luyện và tu dưỡng bản thân để giúp chính mình và những thanh niên khác có thân thể khỏe mạnh, tâm hồn cao thượng, vươn đến lối sống tốt đẹp.
Ngoài việc trau dồi học vấn, ông đã tìm hiểu một số môn võ đương thời. Từ việc nhận ra giá trị của từng môn võ, đặc điểm tâm lý và thể tạng của người Việt Nam, ông đã lấy môn vật và võ cổ truyền Việt Nam làm nòng cốt để sáng tạo một môn phái riêng vào năm 1938 và đặt tên là Vovinam.
Sau cuộc biểu diễn ra mắt công chúng tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào năm 1939, lớp Vovinam công khai đầu tiên được khai giảng tại Trường Sư phạm vào mùa xuân 1940. Những năm sau, tuy có lúc bị chính quyền bảo hộ cấm cản hoặc bị phân tán do thời cuộc, nhưng Vovinam vẫn được quảng bá rộng rãi và có tiếng vang ở Hà Nội. Từ cơ sở đó, Vovinam không chỉ được phát triển đến một số tỉnh lân cận ở phía Bắc mà còn manh nha tại một vài địa phương ở miền Nam.
Giữa năm 1954, VS Nguyễn Lộc và một số môn đệ vào Sài Gòn. Sau khi biểu diễn giới thiệu Vovinam tại Sài Gòn vào đầu năm 1955, VS Nguyễn Lộc mở lớp tại đường Thủ Khoa Huân và cử môn đệ huấn luyện ở một số nơi khác. Đáng tiếc là VS Nguyễn Lộc từ giã cõi đời vào năm 1960 và ông đã trao nhiệm vụ lãnh đạo môn phái lại cho VS trưởng Lê Sáng.
- Xem thêm: Tôi “bày” việc để người khác làm
Ngày 11-11-1960, lấy cớ VS judo Phạm Lợi tham gia đảo chính, nhà cầm quyền Sài Gòn đã hạn chế các võ phái hoạt động. Tuy nhiên, Vovinam vẫn khéo léo mở lớp tại các trường Hồ Vũ, Thăng Long, Saint Thomas… do các VS Trần Huy Phong và Nguyễn Văn Thư hướng dẫn.
Sau cuộc đảo chính chính quyền Ngô Đình Diệm vào ngày 1-11-1963, các võ phái ở Sài Gòn được phép hoạt động trở lại, VS trưởng Lê Sáng tập hợp các VS Trần Huy Phong, Nguyễn Văn Thư, Nguyễn Văn Thông, Mạnh Hoàng, Phan Quỳnh… để đề ra kế hoạch khôi phục Vovinam từ khoảng đầu năm 1964.
Võ đường đầu tiên mở đầu thời kỳ khôi phục và phát triển đặt tại số 61 đường Vĩnh Viễn, Q.10. Lúc đó, ban lãnh đạo môn phái đã soạn thảo Quy lệ và xây dựng phương hướng phát triển.
Dựa trên tư tưởng, kỹ thuật của VS Nguyễn Lộc truyền lại, Chưởng môn Lê Sáng và vài VS cao đẳng đã xác lập chương trình giảng huấn võ đạo, huấn luyện võ lực và võ thuật theo từng cấp. Hệ thống kỹ thuật cũng dần dần được bổ sung thêm một số đòn thế mới.
Bằng hoạt động năng nổ, sáng tạo của ban lãnh đạo môn phái, Vovinam đã thu hút được sự chú ý của nhiều giới và các võ đường khác dần dần xuất hiện như Chân Phước Liêm, Trần Hưng Đạo, Hoa Lư…
Năm 1966, Vovinam được Bộ Giáo dục chính quyền Sài Gòn mời cộng tác thực hiện chương trình “Học đường mới” với bốn thí điểm là các trường trung học Trương Vĩnh Ký, Gia Long, Chu Văn An, Trưng Vương.
Cũng từ năm 1966 này, danh xưng Vovinam được bổ sung thành Vovinam Việt Võ Đạo để thanh, thiếu niên chú trọng đến tinh thần dân tộc khi luyện võ hầu phấn đấu rèn luyện bản thân cả ba phương diện: tâm, trí, thể.
Một số trường trung học công lập và tư thục lớn tại Sài Gòn lúc đó đều có lớp tập ngoại khóa. Nhiều sách, đặc san do Ban Nghiên cứu Việt Võ Đạo biên soạn và những bài hát do môn sinh, thân hữu sáng tác đã được xuất bản trong giai đoạn này.
- Xem thêm: Những môn võ thuật hiếm lạ nhất thế giới
Từ năm 1967, hàng loạt VS, huấn luyện viên (HLV) được đưa đi xây dựng phong trào ở hầu hết các tỉnh, thành miền Nam. Đến khoảng cuối 1968, võ đường 61 Vĩnh Viễn dời đến số 30 Trần Hoàng Quân (nay là 31 Sư Vạn Hạnh, Q.10, TP.HCM) và là trung tâm điều hành tất cả hoạt động của môn phái. Hằng năm, vào dịp Lễ tưởng niệm Sáng tổ, VS các nơi đều tập trung về Sài Gòn dự lễ, tập huấn, thi cử, tạo thành truyền thống tốt đẹp.
Có thể nói, giai đoạn 1964-1975 là thời kỳ phát triển nhảy vọt của môn phái, qua đó xác định được vị thế trong làng võ miền Nam Việt Nam và theo chân các du học sinh, Vovinam xuất hiện ở Pháp, Ý, Đức, Thụy Sĩ… vào đầu thập niên 1970. Người có công dựng cột mốc đầu tiên để phát triển Vovinam ra quốc tế vào năm 1973 là GS-TS Phan Hoàng.
Gần một năm sau ngày đất nước thống nhất, VS Nguyễn Văn Chiếu đã tập hợp một số VS, HLV về Q.8, TP.HCM ôn luyện. Sau đó, VS Trần Huy Phong cũng tham gia huấn luyện. Ngày 15-12-1978, được sự chấp thuận của Sở thể dục thể thao (TDTT) TP.HCM và UBND Q.8, lớp Vovinam chính thức khai giảng tại tụ điểm hồ bơi Hòa Bình, Q.8.
Trong cùng khoảng thời điểm này và sau đó, một số tỉnh, thành ở phía Nam cũng bắt đầu vượt qua nhiều khó khăn để tái lập phong trào. Ở các tỉnh phía Bắc, tuy khôi phục muộn hơn các tỉnh phía Nam, nhưng phong trào cũng nhanh chóng hòa nhịp cùng cả nước. Về kỹ thuật, môn phái cũng bổ sung lần thứ hai vào chương trình huấn luyện một số bài quyền tay không và binh khí, giúp cho hệ thống bài bản, kỹ thuật đa dạng và phù hợp với nhiều đối tượng.
Trên đường xã hội hóa, đầu thập niên 1990, VS Trần Huy Phong, VS Nguyễn Văn Chiếu biên soạn luật thi đấu Vovinam và Tổng cục TDTT đã cho Vovinam tổ chức Giải vô địch toàn quốc lần đầu tiên vào tháng 12-1992 tại TP.HCM. Năm 2002, Vovinam góp mặt trong Đại hội TDTT toàn quốc.
Bên cạnh các giải vô địch, vô địch trẻ, cúp các câu lạc bộ (CLB) toàn quốc được tổ chức hằng năm, Vovinam còn nằm trong chương trình thi đấu các kỳ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc từ năm 2008. Ngày 21-7-2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã đưa Vovinam vào hoạt động thể thao ngoại khóa trong trường học. Đến năm 2017, Bộ GD-ĐT tổ chức Giải học sinh toàn quốc và năm nay tổ chức thêm Giải sinh viên toàn quốc.
Tháng 10-2007, Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) tổ chức tại TP.HCM. Năm 2010, trước khi qua đời, Chưởng môn Lê Sáng đã thành lập hai tổ chức để tiếp tục điều hành môn phái là Hội đồng VS Chưởng quản do VS Nguyễn Văn Chiếu làm Chánh chưởng quản và Hội đồng VS Tương trợ hải ngoại.
Về quá trình hội nhập quốc tế, nhân chào mừng 300 năm Sài Gòn – TP.HCM (1698-1998) và kỷ niệm 60 năm thành lập môn phái, Hội Việt Võ Đạo TP.HCM đã tổ chức Hội diễn Vovinam quốc tế lần 1 (20-7-1998) tại nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Năm 2008, Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam Thế giới (WVVF) được tổ chức tại TP.HCM. Lễ ra mắt Ban chấp hành WVVF và trao tặng Kỷ niệm chương nhân kỷ niệm 70 năm thành lập môn phái diễn ra tại nhà thi đấu Nguyễn Du.
Với sự hỗ trợ tích cực của ngành TDTT Việt Nam và nỗ lực của WVVF cùng VVF, Vovinam được đưa vào chương trình thi đấu Đại hội Thể thao châu Á trong nhà lần 3-2009 tại TP.HCM và lần lượt hiện diện tại SEA Games 26-2011 ở Indonesia và 27-2013 ở Myanmar, Asian Beach Games lần 5-2016 tại Đà Nẵng.
Hiện nay, Vovinam đang hiện diện ở 70 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp năm châu. Với sự mở rộng phong trào ở các nước, một số tổ chức Vovinam châu lục hoặc khu vực (thuộc WVVF) được hình thành như Liên đoàn châu Á, châu Âu, châu Phi, Đông Nam Á, Nam Á và khối Ả rập. Từ việc hình thành các liên đoàn, Giải vô địch thế giới (WVVF) và một số giải vô địch châu Âu, châu Á, châu Phi, Đông Nam Á, Nam Á đã được tổ chức định kỳ 2 năm/lần.
Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử nên Vovinam cũng còn có vài tổ chức khác. Năm 1996, VS Trần Huy Phong và một số VS ở nước ngoài đã thành lập Hội đồng VS lãnh đạo môn phái và Tổng Liên đoàn Vovinam thế giới. Bên cạnh đó là một số CLB sinh hoạt độc lập. Dù vậy, tất cả đều hướng đến mục tiêu chung của môn phái là giúp mọi người có thêm một phương cách rèn luyện sức khỏe và tinh thần.
Nhìn lại hành trình 80 năm, chúng ta tự hào với những thành quả đã đạt được nhưng cũng nên nhận thức đầy đủ các mặt còn bất cập. Một số vấn đề liên quan đến phương thức điều hành, chương trình đào tạo, hệ thống kỹ thuật, quy chế thi cử, luật thi đấu, đội ngũ quản lý, chất lượng phong trào sao cho phù hợp với xã hội đương thời và tiến bộ của các võ phái lớn khác của thế giới… cần được ưu tiên quan tâm.
Chỉ còn 20 năm nữa là Vovinam sẽ tròn 100 tuổi, chúng ta ước mong môn phái và các tổ chức Vovinam ở mọi nơi sẽ chung tay xây dựng hình ảnh và định vị 100 năm Vovinam trong nền văn hóa, võ học Việt Nam và võ học thế giới. Đây là lộ trình dài hạn, đòi hỏi sự đoàn kết và phát huy trí tuệ nhiều hơn nữa của tất cả môn đồ Vovinam trên toàn thế giới.
Riêng VVF sẽ phấn đấu xây dựng Học viện Vovinam toàn cầu để góp phần nghiên cứu và quảng bá môn phái mạnh mẽ hơn nữa trong nhiệm kỳ 2017-2022. Tuy nhiên, trách nhiệm duy trì, quảng bá và phát triển môn phái Vovinam đang nằm trên vai tất cả những thành viên của Vovinam, cũng như bất kỳ cá nhân nào có lòng với đất nước và yêu quý hai tiếng Việt Nam.
Một số hình ảnh Đội tuyển Vovinam sinh viên Việt Nam tại Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á lần thứ 19 – Myanmar.