Dự báo trong mùa đại hội cổ đông năm 2019, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh việc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn và hút thêm vốn ngoại, nhằm nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng chuẩn Basel II đang cận kề.
Gấp rút tăng vốn
Yêu cầu đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, nâng cao sức cạnh tranh trong hệ thống đẩy áp lực phải sớm tăng vốn của các ngân hàng ngày càng lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng nhỏ có vốn điều lệ từ 3.000 đến 5.000 tỉ đồng. VietBank vừa phát hành thêm 100,7 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ trước khi chuẩn bị lên sàn UPCoM.
Theo nghị quyết của hội đồng quản trị, VietBank đã nộp hồ sơ đăng ký và sẽ giao dịch trên thị trường UPCoM với mã cố phiếu VBB trong vòng một năm sau khi hoàn tất tăng vốn điều lệ. Ngày 10-12-2018, TPBank đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu và chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tổng tỷ lệ 28%. Sau phát hành, vốn điều lệ của TPBank dự kiến tăng lên 8.566 tỉ đồng.
Cuối tháng 11 vừa qua, VIB đã hoàn thành việc phân phối hơn 219 triệu cổ phiếu để chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 41,13% cho cổ đông. Theo đó, vốn điều lệ của ngân hàng tăng từ 5.644 tỉ đồng lên 7.835 tỉ đồng. Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, SeABank vừa công bố thông tin về việc tăng vốn điều lệ lên 7.688 tỉ đồng thông qua ba đợt phát hành tổng hơn 222,2 triệu cổ phiếu, gồm phát hành cho cán bộ, nhân viên, phát hành cổ phiếu trả cổ tức và chào bán cho các cổ đông hiện hữu.
Mới đây, ABBank cũng đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu để chia cổ tức tỷ lệ 7,4%, tương ứng phát hành hơn 39,3 triệu cổ phiếu. Đây là phương án đã được đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua từ tháng 4-2018. Hay LienVietPost Bank cũng đang chạy đua để hoàn thành việc tăng vốn nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn do tốc độ tăng trưởng tài sản khá nhanh những năm qua. Ngân hàng sẽ phát hành 37,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn lên 9.875 tỉ đồng.
Thu hút vốn ngoại
Để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính, các ngân hàng trong đó có cả các ngân hàng quốc doanh đã gặp khá nhiều khó khăn trong các năm qua. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực đã bắt đầu xuất hiện gần đây. Hai ngân hàng lớn là Vietcombank và BIDV đang chuẩn bị cho kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Cụ thể, Vietcombank sẽ chào bán riêng lẻ gần 360 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, nhằm tăng vốn điều lệ thêm gần 3.600 tỉ đồng. BIDV sẽ chào bán 603 triệu cổ phiếu cho một cổ đông chiến lược nước ngoài là KEB Hana Bank. Việc phát hành cổ phiếu của hai ngân hàng này dự kiến được tiến hành vào cuối 2018, đầu 2019.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, một vài ngân hàng cũng đang lên kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư ngoại như SCB, OCB. Theo tổng giám đốc SCB, ngân hàng này muốn tìm kiếm đối tác ngoại phù hợp với chiến lược phát triển cũng như hoàn tất tái cấu trúc trước khi bán vốn. Còn OCB cũng muốn bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài trước khi niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM. OCB hiện chỉ có nhà đầu tư ngoại là VinaCapital, chiếm tỷ lệ 5%. OCB đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ niêm yết và dự kiến sẽ lên sàn đầu năm tới đây.
Lộ trình tăng vốn nhằm đáp ứng chuẩn mới Basel II chắc chắn sẽ còn khiến các ngân hàng gấp rút lên phương án gọi vốn trong thời gian tới. Việc triển khai Basel II giúp các ngân hàng hoạt động an toàn hơn, lành mạnh hơn, đồng thời nguồn vốn được quản lý một cách hiệu quả hơn. Đặc biệt, sau triển khai Basel II với các chỉ số vốn và các yêu cầu về thanh khoản, quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế, các ngân hàng Việt Nam sẽ có cơ hội vươn xa ra thị trường các nước phát triển khác.
Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã chọn 10 ngân hàng thí điểm thực hiện Basel II, bao gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và VIB. Theo kế hoạch, đầu năm 2018 việc thí điểm này sẽ hoàn thành, sau đó mở rộng với các ngân hàng thương mại khác. Theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, đến năm 2020 tất cả các ngân hàng phải tuân thủ các quy định Basel II.
Tuy nhiên, sau bốn năm triển khai mới có Vietcombank, OCB và VIB hoàn tất việc này. Lý do chính dẫn đến sự chậm trễ này là các ngân hàng chưa thể tăng vốn như dự kiến. Dự báo trong mùa đại hội cổ đông năm 2019, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh việc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn và hút thêm vốn ngoại, nhằm nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng chuẩn Basel II đang cận kề.