Áp lực tăng vốn đang đè nặng lên các ngân hàng để đáp ứng các tiêu chuẩn Basel, khi thời hạn áp dụng bộ chuẩn mực này vào đầu năm 2020 không còn xa.
Nhu cầu cấp thiết
Tín dụng tăng nhanh trong khi vốn chủ sở hữu tăng chậm thời gian qua đã khiến hệ số CAR của nhiều ngân hàng giảm sút. Nếu không tìm được cách cải thiện, các ngân hàng này phải hạn chế mức độ tăng trưởng tín dụng để giữ mức tỷ số an toàn vốn trên ngưỡng tối thiểu. BIDV, Vietcombank, VietinBank đều có chung mong muốn tăng vốn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mọi mặt cũng như đáp ứng chuẩn Basel II.
Mới đây, BIDV đã có tờ trình cổ đông về việc sẽ phát hành 603 triệu cổ phần, tương đương 17,65% vốn hiện tại và 15% vốn sau tăng cho một nhà đầu tư là KEB Hana Bank. Vốn điều lệ của BIDV theo đó sẽ tăng từ 34.187 tỉ đồng lên 40.220 tỉ đồng. Vietcombank mặc dù đã thí điểm triển khai Basel II từ nhiều năm qua nhưng đến nay riêng điều kiện về vốn vẫn chưa đáp ứng được.
Tin vui đối với Vietcombank là đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức chấp thuận kế hoạch tăng vốn điều lệ từ hơn 35.977 tỉ đồng lên hơn 39.575 tỉ đồng (tương ứng phát hành thêm tỷ lệ 10%) theo phương án phát hành riêng lẻ. Người mua tiềm năng cho lần phát hành này của Vietcombank có thể là hai đối tác nước ngoài GIC và Mizuho.
Với tỷ lệ CAR theo quy định của NHNN đạt 13% và theo tiêu chuẩn Basel II đạt 12%, VPBank vừa chính thức xin phép NHNN được áp dụng toàn phần tiêu chuẩn Basel II trong quản trị rủi ro từ đầu năm 2019, sớm một năm so với yêu cầu đặt ra của NHNN. Nếu được chấp thuận, VPBank sẽ nằm trong nhóm ngân hàng tiếp sau OCB áp dụng bộ chuẩn mực quản trị rủi ro này. Ngoài OCB, VPB, VIB cũng cho biết đã sẵn sàng áp chuẩn Basel II. Hệ số CAR tính theo Basel II của VIB hiện ở mức trên 9,5%. Nếu được NHNN chấp thuận, VIB cũng sẽ vận hành Basel II từ 1-1-2019.
Còn nhiều thách thức
Về cơ bản, Basel II sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Triển khai Basel II giúp các ngân hàng hoạt động an toàn hơn, lành mạnh hơn do trình độ quản trị rủi ro được tăng cường, các biện pháp quản trị rủi ro, đặc biệt là mô hình rủi ro và xếp hạng nội bộ được chủ động áp dụng, đồng thời nguồn vốn được quản lý một cách hiệu quả hơn.
Trong lĩnh vực tín dụng, các ngân hàng thương mại sẽ phải chuyển hướng tập trung vào đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, thay vì dựa chủ yếu vào tài sản bảo đảm. Hơn nữa, sau khi áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vốn và thanh khoản, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn do ngân hàng hoạt động kinh doanh trong môi trường đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, các ngân hàng Việt Nam cũng sẽ có cơ hội vươn xa ra thị trường các nước phát triển khi các chỉ tiêu an toàn tài chính đã đạt chuẩn.
Tuy nhận thức được việc áp dụng Basel II là cần thiết để xây dựng quy trình, quy tắc quản trị rủi ro cho ngân hàng, nhưng không thể phủ nhận yêu cầu của tiêu chuẩn Basel II vẫn khá cao so với mặt bằng chung của các ngân hàng Việt Nam hiện nay nên việc áp dụng cần có thêm thời gian. Thực tế thời gian qua cho thấy, kế hoạch tăng vốn của nhiều ngân hàng gặp không ít khó khăn, phải dời đi dời lại qua các năm.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, áp lực tăng vốn của các ngân hàng hiện nay rất lớn, vì hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng, nhất là đối với các ngân hàng có vốn nhà nước đã tiệm cận mức 9%. Như vậy, nếu áp dụng các chuẩn mực Basel II, CAR sẽ giảm xuống dưới 8%. Vì thế, nhu cầu tăng vốn trong giai đoạn 2018-2020 của riêng ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (VietinBank, BIDV, Vietcombank) gấp đôi so với hiện tại, đạt tốc độ tăng trưởng tài sản 14 – 18%/năm, đáp ứng CAR từ 8% trở lên và các ngân hàng nhỏ cũng phải tăng.
Mục tiêu mà Chính phủ đề ra cho các ngân hàng cổ phần đến cuối năm 2020 cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó ít nhất 12-15 ngân hàng áp dụng thành công Basel II phương pháp tiêu chuẩn trở lên. Tới cuối năm 2025, tất cả các ngân hàng áp dụng Basel II tiêu chuẩn, thí điểm áp dụng Basel II nâng cao tại ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng cổ phần có chất lượng quản trị tốt.