Chính phủ vừa ban hành Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), có hiệu lực kể từ ngày 1-2-2019. Theo đó, doanh nghiệp có thời gian hoạt động một năm trở lên kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ được phát hành trái phiếu. Nghị định mới có một số điểm rất đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, theo quy định hiện nay tại Nghị định 90/2011/NĐ-CP, doanh nghiệp muốn phát hành riêng lẻ trái phiếu phải có kết quả hoạt động sản xuất – kinh doanh năm trước liền kề của năm phát hành có lãi. Song quy định mới tại Nghị định 163 không yêu cầu doanh nghiệp phải có lãi mà chỉ cần có báo cáo tài chính kiểm toán năm liền trước của năm phát hành, được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định.
Theo phản ánh từ nhiều doanh nghiệp, quy định yêu cầu có lãi trước đây là khá chặt chẽ bởi nhiều trường hợp doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu cho mục đích cơ cấu lại các khoản nợ nhưng không đáp ứng được điều kiện này nên không thể phát hành trái phiếu để huy động vốn. Bên cạnh đó, Nghị định 163 mới cũng quy định cụ thể về điều kiện để doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu thành nhiều đợt, phù hợp với tiến độ thực hiện dự án đầu tư.
Thứ hai, Nghị định 163 mới cho phép doanh nghiệp phát hành được mua lại trái phiếu trước hạn hoặc hoán đổi trái phiếu để giảm nợ hoặc cơ cấu lại nợ. Chậm nhất 15 ngày làm việc trước khi tổ chức mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu, doanh nghiệp phát hành phải công bố, công khai thông tin về việc mua lại trước hạn, hoán đổi trái phiếu bao gồm: Phương thức tổ chức mua lại, hoán đổi; điều kiện, điều khoản của việc mua lại, hoán đổi; khối lượng trái phiếu mua lại, hoán đổi cho chủ sở hữu trái phiếu theo phương án mua lại trái phiếu trước hạn hoặc hoán đổi trái phiếu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Quy định này thông thoáng hơn so với quy định cũ ở Nghị định 90 khi yêu cầu doanh nghiệp phát hành chỉ được thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn, hoặc hoán đổi trái phiếu để cơ cấu lại nợ, khi có phương án mua lại hoặc hoán đổi được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở thỏa thuận giữa doanh nghiệp phát hành và chủ sở hữu trái phiếu.
Thứ ba, Nghị định 163 quy định rõ TPDN phát hành riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư không bao gồm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Nghị định mới cũng quy định TPDN phát hành riêng lẻ bị hạn chế giao dịch trong phạm vi 100 nhà đầu tư trong vòng một năm kể từ ngày phát hành, sau một năm, trái phiếu được tự do giao dịch không bị hạn chế về số lượng nhà đầu tư. Để quản lý số lượng nhà đầu tư, TPDN riêng lẻ sau khi phát hành phải lưu ký tại tổ chức lưu ký được phép.
Mặc dù nới lỏng một số điều kiện về phát hành TPDN, song nghị định mới cũng có những quy định siết chặt hơn so với trước, đặc biệt là việc công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành. Cụ thể, Nghị định 163 quy định cụ thể về trách nhiệm và nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành cho nhà đầu tư và sở giao dịch chứng khoán, bao gồm công bố thông tin trước khi phát hành, công bố thông tin về kết quả phát hành, công bố thông tin định kỳ và công bố thông tin bất thường. Nghị định mới cũng quy định về việc thiết lập chuyên trang thông tin tập trung về TPDN do Sở Giao dịch chứng khoán quản lý và vận hành trên cơ sở tận dụng cơ sở hạ tầng đã có sẵn để quản lý tập trung toàn bộ thông tin về thị trường TPDN phát hành riêng lẻ.
Những quy định này nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao tính công khai, minh bạch của việc huy động vốn trái phiếu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia huy động vốn. Mặt khác, quy định các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải công bố thông tin một cách công khai cũng sẽ giúp các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý có thể tiếp cận được các thông tin một cách toàn diện và đầy đủ nhất.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2017, dư nợ của thị trường TPDN Việt Nam tương đương 6,19% GDP, thấp hơn nhiều so với mức bình quân khoảng 20% – 50% GDP của các nước trong khu vực và chưa tương xứng với tiềm năng của nền kinh tế. Quy mô thị trường TPDN cũng còn nhỏ so với quy mô của kênh tín dụng ngân hàng (tương đương 130% GDP). Nguyên nhân: các doanh nghiệp có tâm lý e ngại khi huy động vốn trái phiếu, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.