Trái với các dự báo không mấy lạc quan hồi đầu năm, lượng kiều hối Việt Nam có được từ công dân đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài gửi về, dự báo đến cuối năm 2018 sẽ đạt gần 16 tỉ USD. Đây là con số kỷ lục và Việt Nam hiện đứng thứ 10 trong số các nước có lượng kiều hối cao nhất từ người lao động của mình trên toàn cầu chuyển về quê hương.
Theo thống kê từ Báo cáo tóm tắt về Phát triển và Di dân của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được công bố, quốc gia nhận được nhiều kiều hối nhất trong năm 2018 là Ấn Độ với 75,9 tỉ USD, còn Việt Nam con số này lên đến 15,9 tỉ USD tính đến cuối tháng 11.
Các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng con số kiều hối ngày càng nhiều cho thấy người Việt ở nước ngoài đặt niềm tin vào sự ổn định của nền kinh tế đất nước và tiếp cận được các cơ hội đầu tư tốt hơn. Dòng kiều hối đã có xu hướng tăng kể từ đầu năm cùng với lực lượng lao động làm việc ở nước ngoài gia tăng.
Hầu hết số tiền được gửi về Việt Nam được đầu tư vào bất động sản thay vì gửi trong ngân hàng với lãi suất tối thiểu. Năm 2017, kiều hối gửi về Việt Nam đạt 13,8 tỉ USD, tăng 16% so với năm 2016 (11,5 tỉ USD) – mức cao kỷ lục trong vòng năm năm trước đó.
Báo cáo mới nhất từ WB cho hay, lượng kiều hối chuyển về các nước đã tăng trở lại, trong khi đó chi phí chuyển tiền cũng tăng cao hơn, lên đến 7,5% cho khoản kiều hối 200 USD, nơi cao nhất là châu Phi với 9,4%. Sự hồi phục mạnh mẽ, vượt dự báo của các dòng kiều hối, vốn được xem là “chìa khóa” để hỗ trợ nền kinh tế của nhiều nước nghèo, chủ yếu nhờ đà tăng trưởng kinh tế lạc quan tại châu Âu, Nga và Mỹ.
Xu hướng cải thiện nguồn kiều hối diễn ra ở tất cả các khu vực và nước đứng đầu là Ấn Độ, xếp sau là Trung Quốc, Philippines, Mexico, Nigeria và Ai Cập. Xét theo khu vực, theo số liệu của năm 2017, châu Âu và Trung Á có mức tăng trưởng nguồn kiều hối cao nhất, đạt 21%, trong khi khu vực châu Phi cận Sahara tăng 11%. Đông Á và Thái Bình Dương là khu vực chứng kiến nguồn kiều hối đổ về mạnh nhất, đạt 130 tỉ USD, trong khi Nam Á nhận được 117 tỉ USD, xếp sau đó là Mỹ Latinh với 80 tỉ USD.
Hồi năm ngoái, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (NCIF) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng nhận định năm 2018 kiều hối về Việt Nam sẽ gặp nhiều áp lực, trong đó có việc chính sách chống nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục được đẩy mạnh. Mặt khác, Cục Dự trữ Liên bang (FED) dự kiến nâng lãi suất USD cũng ảnh hưởng lớn tới dòng kiều hối về Việt Nam bởi Mỹ là nước cung cấp khoảng 60% lượng kiều hối trên thế giới. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi ngoại tệ trong nước vẫn đang ở mức thấp.
Theo NCIF, việc Mỹ tăng lãi suất đã làm tăng áp lực tỷ giá tới VND và là một trong những nguyên nhân khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn duy trì chính sách lãi suất tiền gửi ngoại tệ 0% (áp dụng từ 18-12-2015) nhằm giảm bớt nhu cầu ngoại tệ trong nước. Một số chuyên gia lạc quan rằng, nếu môi trường kinh doanh trong nước tiếp tục thuận lợi thì vẫn tạo được lực hút đối với kiều hối.
Việc đầu tư vào các cơ sở sản xuất kinh doanh hay đầu tư vào bất động sản cũng sẽ hỗ trợ cho nguồn kiều hối chảy về Việt Nam. Hơn nữa, tỷ giá USD/VND tiếp tục giữ được sự ổn định cũng là yếu tố thuận lợi trong thu hút kiều hối. Cộng thêm việc tình hình ngoại hối ổn định, nếu tiếp tục chính sách tiền tệ, ngoại hối như hiện nay thì lòng tin vào VND vẫn sẽ được củng cố.
Do đó kiều bào gửi tiền về đầu tư vào Việt Nam cũng mạnh mẽ hơn, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh – đô thị có hoạt động thương mại sôi động nhất trong cả nước và đây cũng là nơi kiều hối dồn về mỗi năm lớn nhất.
Theo Vụ trưởng Vụ ngoại hối, hiện kiều hối chuyển về Việt Nam được thực hiện qua bốn kênh: Qua hệ thống ngân hàng thương mại, qua tổ chức kinh tế, hải quan và bưu điện.
Cũng chuyện đồng tiền nhưng ở một góc cạnh khác là có ý kiến cho rằng ngân sách quốc gia dành đến 70% để chi thường xuyên là không lành mạnh. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, lũy kế chi ngân sách nhà nước trong 11 tháng đạt “1 triệu 210 ngàn 600 tỉ đồng, tăng khoảng 8% so với năm ngoái”.
Trong con số này, chi đầu tư phát triển đạt 239.600 tỉ đồng, chi trả lãi nợ hơn 98.000 tỉ đồng; và chi thường xuyên lên đến 841.700 tỉ đồng. Với các số liệu được Bộ Tài chính đưa ra như vậy, trên giấy tờ, ngân sách của Việt Nam đã “thặng dư khoảng 12.100 tỉ đồng sau 11 tháng”. Thông tin ấy mâu thuẫn với số liệu mà Tổng cục Thống kê đã công bố vài tuần trước cho thấy tính đến ngày 15-11-2018 ngân sách “đã thâm hụt khoảng 6.100 tỉ đồng”.
Nhận định về điều này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng “Chi thường xuyên của Việt Nam chiếm tỷ lệ quá cao, cộng thêm 24,5% là chi để trả nợ mà đó chỉ là trả nợ lãi chứ còn trả nợ gốc thì chưa tính. Vì vậy, phần còn lại để đầu tư chủ yếu dựa vào vay. Và đấy là một trong các lý do dẫn đến bội chi ngân sách và nợ công tăng cao”.
Theo các chỉ số về chi tiêu ngân sách trong giai đoạn 2013-2018 được Chính phủ công bố, dự toán bội chi trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đều trên dưới 5% mỗi năm trong các năm từ 2013 đến 2016. Nhưng dự toán cho các năm 2017 đến 2019, tỷ lệ này thấp hơn hẳn, chỉ còn 3,5% hoặc hơn một chút.
Trong một bài viết đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn hôm 8-12, tiến sĩ Vũ Quang Việt, một cựu chuyên viên cao cấp của Liên Hiệp Quốc, cho rằng ông được biết Bộ Tài chính Việt Nam đã “thay đổi cách làm thống kê kể từ năm 2017”, theo đó, khoản chi trả nợ chỉ có “chi trả lãi chứ không bao gồm cả chi trả nợ gốc” như trước đây.
Theo bài viết trên, ông Việt lưu ý ngưỡng bội chi ngân sách so với GDP mà các tổ chức quốc tế khuyến nghị là “không nên vượt quá 3%”, nhưng bội chi ngân sách Việt Nam vẫn tiếp tục vượt tỷ lệ khuyến nghị trên dù với cách làm thống kê mới.
Nhận xét về vấn đề bội chi, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói việc bội chi ngân sách hiện nay là quá lớn, lại dựa trên việc tăng thêm nợ công là điều rất không lành mạnh. Do đó cần sớm có biện pháp để cắt giảm chi thường xuyên và hạn chế những chi tiêu kém hiệu quả.
Trong số các biện pháp, ông Doanh nói chính phủ cần phải khôi phục việc “thực hiện ngân sách khắc khổ và chi tiêu rất tiết kiệm” như thời chiến tranh hay giai đoạn bắt đầu đổi mới kinh tế những năm 1986-1990.
Ngoài ra, cần thiết phải cải cách bộ máy hành chính, bao gồm tinh giản biên chế những người hưởng lương từ ngân sách nhưng hiệu quả làm việc lại quá thấp. Trong chi thường xuyên của ngân sách thì lương và các khoản liên quan đến chế độ tiền lương chiếm phần lớn.
Cách đây năm năm khi còn làm Phó thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu rằng 30% trong số 2,8 triệu công chức “không có cũng được” bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, “không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.
Việc tinh giản biên chế đã được thực hiện trong những năm gần đây, nhưng trên thực tế không mang lại kết quả đáng kể nào. Chúng ta đã đặt ra mục tiêu mỗi năm phải tinh giản 70.000 người, nhưng sau hai năm thực hiện, thực tế cho thấy điều ngược lại, nhân sự trong bộ máy nhà nước không giảm được mà còn tăng lên 96.000 người.
Do vậy, để giảm bớt chi thường xuyên nhằm hạn chế bội chi ngân sách, bộ máy nhà nước cần phải tái cấu trúc, bao gồm cả tinh giản, trên cơ sở đó chi tiêu hết sức tằn tiện, tiết kiệm. Có làm được như vậy nhà nước mới có thể dành một tỷ lệ lớn hơn cho đầu tư, đồng thời giảm nợ công.
Hồi tháng 10-2018, Ủy ban Tài chính Quốc hội cho biết tại một phiên họp rằng dư nợ công ước thực hiện năm 2017 là 3.128.000 tỉ đồng; ước năm 2018 là 3.409.000 tỉ đồng. Như vậy, bình quân mỗi người Việt có thể gánh hơn 34 triệu đồng nợ công năm 2018, tăng gần 3 triệu đồng mỗi người so với năm 2017.