Theo Báo cáo Phát triển con người 2013 của Liên Hiệp Quốc, đến năm 2020, tổng sản lượng kinh tế của ba nước trong khối BRICS là Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ vượt xa con số gộp lại từ Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý và Canada. Dù có tiềm năng kinh tế mạnh như vậy, chưa có một gương mặt sáng giá nào của các quốc gia trong khối BRICS được chọn làm lãnh đạo Ngân hàng Thế giới hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Do đó, giới lãnh đạo BRICS cho rằng sự ra đời của một ngân hàng quốc tế mới sẽ là bước đi vô cùng quan trọng trong việc tái lập địa vị và quyền lực của kinh tế thế giới. Đồng thời, giới lãnh đạo BRICS muốn hướng xu thế tăng trưởng về phương Đông và phương Nam với chủ trương tạo nhiều cơ hội điều động vốn, phát triển cơ sở vật chất tại những thị trường đang phát triển, đặc biệt là châu Phi. Ngoài ra, yếu tố bình đẳng giữa các thành viên BRICS cũng được cân nhắc đến vì khoảng cách giữa Trung Quốc (nền kinh tế lớn thứ hai thế giới) và Nam Phi (hiện ở thứ hạng 27) là khá lớn, trong khi mỗi quốc gia tham gia BRICS được yêu cầu đóng góp 10 tỉ USD để hình thành tổ chức ngân hàng mới, tương đương 3% GDP của Nam Phi.
Lâm Kiên theo Christian Science Monitor