Chỉ số CPI của tháng 3 giảm là điều khá bất ngờ, vì giá cả thực tế trên thị trường không thể hiện điều đó.Bởi vậy, nhiều người đặt giả thiết, phải chăng CPI phải giảm để mở đường cho điện, xăng dầu tăng giá trong tháng tới? Mà sự tăng giá nếu có của hai mặt hàng là đầu vào của mọi ngành sản xuất và dịch vụ trong xã hội ấy sẽ kéo theo sự tăng giá của hầu như tất cả các loại hàng hóa. Nếu đây là sự thật, thì sau này khó mà thuyết phục được người dân tin vào các số liệu được các cơ quan Nhà nước công bố.
Việc đưa ra giả thiết trên không phải là không có cơ sở. Từ sau Tết nguyên đán, các doanh nghiệp xăng dầu đã nhiều lần đề nghị được tăng giá và chỉ không thực hiện điều nay do Chính phủ có chỉ thị yêu cầu không được tăng giá. Về giá điện thì những năm qua ngành này thường tăng vào dịp trong hoặc sau tháng 3 hằng năm, vì được cho là thời điểm phù hợp. Nếu điều này xảy ra, lạm phát hoàn toàn có thể quay lại, khi đồng thời các chính sách tài khóa cũng như tiền tệ theo hướng mở rộng bắt đầu tác động đến CPI.
Tuần qua, tín hiệu hạ lãi suất đã đến cả từ phía Ngân hàng Nhà nước lẫn các ngân hàng thương mại. Về phía Ngân hàng Nhà nước, tại Hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh miền Trung diễn ra tại Đà Nẵng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định sẽ hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại nếu cần thiết để hạ dần lãi suất cho vay. Thống đốc cho biết sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến lạm phát trong những tháng tới và nếu kỳ vọng lạm phát cả năm dưới mức 8% thì sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Mục đích của đợt giảm lãi suất huy động này là tiền đề cho việc giảm lãi suất cho vay, giúp giá vốn ngày càng giảm, làm nhẹ đi gánh nặng cho các doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Theo Thống đốc, nếu các ngân hàng thương mại tiếp tục áp dụng mức lãi suất cho vay 15 – 17%/năm như hiện nay, nhiều doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp vay nợ trước đây – sẽ không thể chịu nổi.Mà nếu không cho vay được, ngân hàng cũng sẽ bị ứ đọng vốn.Chấp nhận cho vay với lãi suất thấp hơn, lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm, nhưng bù lại có thể giúp cả ngân hàng lẫn các doanh nghiệp đều hưởng lợi. Ngân hàng thì đẩy được nguồn vốn đang tồn đọng trong hệ thống do tiền huy động đã vượt quá nhu cầu vay vốn của nền kinh tế, còn doanh nghiệp sẽ được hưởng chi phí vốn rẻ hơn. Để thực hiện điều này, quan điểm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới là nguồn vốn lãi suất thấp sẽ được hỗ trợ đúng đối tượng khách hàng có dự án kinh doanh tốt, để các ngân hàng thương mại vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng.
Như đã nói, dư địa giảm lãi suất huy động chỉ còn khoảng 1 – 2%/năm trong năm nay, nên lãi suất cho vay có giảm trong thời gian tới hay không chủ yếu phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại.Phản ứng của các ngân hàng trong những ngày qua mới chỉ là giảm lãi suất huy động xuống dưới trần quy định, từ 0,2 – 0,5%/năm tùy ngân hàng.Song song đó là các chương trình cho khách hàng mới vay với lãi suất từ 11 – 13%/năm. Còn mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước đề ra là đưa lãi suất cho vay ở tất cả các khoản nói chung về mức này, điều rất nhiều doanh nghiệp mong muốn, thì vẫn còn phải chờ…
Minh Hằng