Chuyện kể có một tỉ phú đến khám bệnh ở một bác sĩ. Ông ta khai là mình thấy khó nuốt. Các triệu chứng mô tả giống hệt như ung thư thực quản và chính ông kết luận mình đã bị ung thư thực quản. Bác sĩ lắng nghe ông rất kỹ. Rồi khám nghiệm cẩn thận và cho làm tất cả các xét nghiệm cần thiết. Không có dấu hiệu gì của ung thư thực quản cả!
Nhà tỉ phú không tin. Ông đến một bác sĩ khác. Rồi một bác sĩ khác nữa. Ở đâu, sau khi kiểm tra bác sĩ cũng đều kết luận như nhau: không phải. Nhà tỉ phú càng giận. Nghĩ có lẽ người ta gạt mình, dối mình, an ủi mình, ông càng tìm thêm sách báo y học để nghiền ngẫm, nghiên cứu và càng thấy triệu chứng nấc nghẹn, khó nuốt của bệnh ung thư thực quản càng rõ rệt.
Bệnh ngày càng trở nên trầm trọng, khiến ông mất ăn mất ngủ và suy sụp hẳn đi. Cuối cùng, ông gặp được một bác sĩ giỏi đã chẩn đoán đúng bệnh của ông: ung thư thực quản. Chẳng những thế, bác sĩ còn cả quyết ông chỉ có thể sống sót thêm chừng 6 tháng thôi.
- Xem thêm: Óc quan sát…
“Mừng rỡ” vì đã tự chẩn đoán được bệnh mình, qua mặt rất nhiều bác sĩ và các phòng xét nghiệm, nhà tỉ phú mời luôn cô y tá của bác sĩ đi theo chăm sóc cho ông trong những tháng ngày còn lại. Sáu tháng đó cũng là 6 tháng hạnh phúc nhất đời ông, ông đi du lịch khắp nơi, sống trọn vẹn từng giây từng phút, phân phát hết tài sản cho các cơ sở từ thiện…
Khi trở về thăm vị bác sĩ, ông báo tin đã quyết định cưới cô y tá làm vợ. Bác sĩ lúc đó mới nói thật với ông rằng bệnh ông chỉ là bệnh tưởng, chả có ung thư ung thiếc gì cả! Vậy là một kết thúc có hậu! Chuyện bên Mỹ, do Dale Carnegie kể lại. (Quẳng gánh lo đi và vui sống, bản dịch Nguyễn Hiến Lê)
Bác sĩ Lương Phán, một vị bác sĩ nội khoa có tiếng của thành phố trong mấy chục năm qua cũng đã có lần bày tỏ sự bực mình của ông với những bệnh nhân “biết quá nhiều” như vậy.
Bệnh nhân đến khám bác sĩ nhưng đã tự có sẵn một chẩn đoán cho mình, đến bác sĩ chẳng qua là để “kiểm chứng” hoặc “kiểm tra trình độ” của bác sĩ coi có… bằng mình chưa. Bệnh nhân có khi thuộc vanh vách các triệu chứng mô tả y như trong các sách giáo khoa y học, bác sĩ nói gì cũng không tin và thay đổi nhiều bác sĩ, để sau cùng có thể gặp được một… lang băm. Gặp những ca như vậy mới thấy tác dụng… tốt của lang băm!
Bạn tôi, một người “bận rộn”, nói cuộc sống của chị bây giờ tùy thuộc vào kết quả của những con số đo huyết áp mỗi ngày. Con số đó sẽ quyết định việc đi lại, ăn uống, giao tiếp, làm việc trong ngày của chị. Nếu tốt, ngày đó sẽ là một ngày vui, hoạt bát, năng động, còn không tốt, nhích lên nhích xuống một chút thì chị… thành một người khác hoàn toàn.
Chị thường hỏi tôi huyết áp bữa nay 126/79mmHg, có phải là “tiền cao huyết áp” chưa? Hôm nay lên tới 143/92 chắc là đã chuyển sang tăng huyết áp độ 1 rồi phải không? À mà bữa nay chỉ còn 118/67, chắc không phải rồi…
Đo LDL hơi cao, thuốc bác sĩ TM cho để tiêu mỡ nghe nói nó rất độc đối với gan phải không? Uống giảm chừng phân nửa liều có được không? Hỏi để hỏi thôi, vì dù có hướng dẫn cách nào chị cũng bỏ ngoài tai. Thực tế, chẳng cần phải đo này nọ chi cho khổ, cứ thấy cách làm việc, cách ăn uống của gia đình chị cũng biết chị bị dư mỡ trong máu, bị cao huyết áp và rồi tim mạch, gan, thận, kể cả… tiểu đường các thứ!
Có thể nói: “Huyết áp không phải là huyết áp, chỉ tạm gọi là huyết áp”. Thực vậy. Huyết áp không phải chỉ là con số đo. Nó thay đổi trong ngày, từng giờ, từng phút. Khi nổi nóng, khi tranh cãi, huyết áp lên; khi thư giãn, thảnh thơi, huyết áp xuống.
- Xem thêm: PLACEBO!
Huyết áp chẳng qua chỉ là áp lực của máu “đè” lên thành mạch, nó tùy thuộc vào sự thông thoáng, độ đàn hồi của mạch, độ co thắt hay giãn nở của mạch, sức co bóp của tim, khối lượng và chất lượng của máu, hoạt động của hệ bài tiết, hệ hô hấp và nhất là hệ… thần kinh. Nó là kết quả của các mối tương quan, tương tác, không thể tách rời riêng lẻ được.
Dĩ nhiên, những con số đo là một thực thể, một chỉ báo, giúp cho người thầy thuốc đánh giá, theo dõi, giám sát và tìm ra những căn nguyên nằm sâu trong một lô các yếu tố tương quan, tương tác kia để có thể can thiệp bằng một cách nào đó, chủ yếu là hướng dẫn thay đổi lối sống, hoặc nếu cần lắm thì dùng thuốc.
Thời đại bùng nổ thông tin, kể cả các thông tin y học bát nháo đã gây hoang mang, tạo nhu cầu giả tạo không phải là ít. Những người “biết quá nhiều” có khi lại bị lệ thuộc vào thuốc men, xét nghiệm quá đáng. Nhiều công ty sản xuất thuốc đẩy mạnh tiếp thị quảng cáo và một số bác sĩ góp phần hù dọa… bệnh nhân dưới nhiều hình thức.
Một anh bạn vì nghe quảng cáo thuốc cường dương, nghiên cứu kỹ quá đến nỗi đang bình thường bỗng “rối loạn dương cương” thiệt, phải chữa bằng thuốc các loại, rồi ngầu pín, ngọc dương mãi không khỏi, sau nhờ dùng biện pháp dân gian, ăn hột sầu riêng mà khỏi, bởi hột sầu riêng trông giống hệt tinh hoàn!
Hẹn thư sau. Thân mến.