ETF
Hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETF đã giúp thị trường chứng khoán giải tỏa được vấn đề thanh khoản.Theo đó, tổng khối lượng khớp lệnh trên HoSE đã tăng 22,5% so với tuần giao dịch trước; trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh tăng 2,7%.Thống kê cho thấy tuần qua, khối ngoại đã mua ròng 261 tỉ đồng trên HoSE.Họ mua ròng mạnh ở GMD (167 tỉ đồng), HPG (88,2 tỉ đồng), MSN (83,0 tỉ đồng), HSG (42,3 tỉ đồng).Giao dịch bán ròng tập trung ở CTG với 420 tỉ đồng, tiếp đó là BVH (111 tỉ đồng), SBT (9,1 tỉ đồng) và VIC (5,3 tỉ đồng).
Tuy nhiên, chỉ có thể đánh giá sự hỗ trợ từ hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETF ở mức “phần nào” bởi nhà đầu tư trong nước đã quá quen với các giao dịch của các quỹ ETF. Điều này khiến cho sự hưởng ứng của nhà đầu tư trong nước với đợt tái cơ cấu không còn hào hứng như trước.Khối lượng giao dịch tăng nhưng không mạnh.Đặc biệt, từ thời điểm 21-2-2013 mức độ tham gia thị trường của khối ngoại đã giảm mạnh về mức tương đương của tháng 12-2012.
Tuần giao dịch thứ hai của tháng 3, thị trường đã có phiên tăng điểm đầu tuần khá bất ngờ với diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu xây dựng và bất động sản. Việc Ngân hàng Nhà nước công bố Dự thảo Thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước đang thực sự nỗ lực để nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng sớm có những chuyển biến mới. Phiên cuối tuần 15-3, VCG và các cổ phiếu nằm trong danh sách cơ cấu danh mục của ETF nói chung có một phiên giao dịch “hoành tráng” với lực mua vào cực mạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn sớm để nói về sự hồi phục thực sự của thị trường khi thanh khoản vẫn còn chưa thể hiện sức bền và khả năng gia tăng.Áp lực bán ra đã tăng mạnh trở lại khi chỉ số VN-Index tiến sát vào vùng nhạy cảm 480-490 điểm.Nhà đầu tư tiếp tục được khuyến nghị duy trì sự thận trọng và tiếp tục bám sát diễn biến của khối ngoại.Nhiều khả năng áp lực chốt lời sẽ gia tăng mạnh hơn trong tuần giao dịch thứ ba của tháng. Sự hạn chế tham gia của các quỹ ETF và nhà đầu tư nước ngoài khi đã hoàn thành việc cơ cấu danh mục có thể khiến thị trường “hụt hơi” về thanh khoản.
CPI tháng 3 mang dấu âm?
Những ngày qua không ít thông tin quan trọng đã được công bố nhưng vì thiếu yếu tố bất ngờ nên thị trường không phản ứng mạnh. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” ban hành kèm theo Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1-3-2012 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh làm Trưởng ban Chỉ đạo. Cùng với dự thảo về cho vay mua nhà lãi suất 6%/năm là những bước đi cụ thể để vực lại hệ thống ngân hàng và lĩnh vực bất động sản.Kỳ vọng lớn nhất của thị trường là đề án thành lập công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) sẽ được xem xét trong tháng này.Khả năng nếu đề án này được phê chuẩn sẽ có thể tạo ra một cú hích đáng kể với thị trường chứng khoán.
Trước mắt, chỉ số CPI tháng 3 sẽ là thông tin đáng quan tâm. Mùa vụ qua đi, sức cầu yếu, tăng trưởng tín dụng âm trong hai tháng đầu năm… là những yếu tố khiến giới chuyên gia dự báo CPI tháng 3 sẽ mang dấu âm. Cho dù dự báo này chính xác thì khả năng thị trường có phản ứng tích cực là không nhiều bởi áp lực điều chỉnh tăng giá xăng dầu, giá điện đang án ngữ, tạo nên thách thức đối với CPI những tháng tiếp theo.
Phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt mang đến một thông tin đáng chú ý, sau nhịp tăng mạnh kéo dài hai tháng (12-2012 và 1-2013), chỉ số P/E trên HSX đã tăng cao hơn mức P/E thời điểm cuối tháng 11-2012 khoảng 20% và 36%. Trong bối cảnh hiện nay, mức định giá này khiến cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt sẽ “tạm thời” kém hấp dẫn đối với dòng tiền đầu tư.
Phiên giao dịch đầu tuần, ngày 18-3, thị trường trở nên lặng lẽ khi không còn sức hỗ trợ của dòng vốn đến từ các quỹ ETF. VNM và GAS đã hỗ trợ cho sàn HoSE không bị giảm điểm sâu. Các mã đầu cơ trên sàn HNX dường như cũng không còn động lực để tăng giá. Lo ngại thị trường sẽ chùng xuống sau giai đoạn các quỹ ETF cơ cấu lại danh mục đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư. Bên bán không quá mạnh nhưng lực cầu vào cũng trở nên dè dặt. Đóng cửa, VN-Index không giữ được mốc 480, giảm xuống còn 479,13 điểm với 49,14 triệu cổ phiếu được trao tay, giá trị giao dịch đạt 809,68 tỉ đồng.
Song Hà