Triển lãm có tên “… từ Hà Nội” của họa sĩ Nguyễn Trịnh Thái tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Q.1, từ 16-3 đến 7-4) đã đem đến cho người thưởng ngoạn một không gian hội họa với nhiều cung bậc cảm xúc.
Đây là triển lãm cá nhân thứ 15 của nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Trịnh Thái, một cái tên còn được biết đến nhiều trong nghề làm phim, song song với nghiệp vẽ mà ông đã gắn bó cả đời. Ông từng làm họa sĩ thiết kế cho nhiều bộ phim nổi tiếng như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Mẹ vắng nhà, Ngày lễ thánh, Biệt động Sài Gòn, Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn, Săn bắt cướp, Khách ở quê ra…, từng mải miết với những đoàn làm phim dọc ngang khắp mọi miền đất nước và chỉ đến năm 1995 mới rời khỏi làng điện ảnh, tập trung cho hội họa.
Quê quán đất cảng Hải Phòng nên không lạ khi đất và người nơi Nguyễn Trịnh Thái sinh ra, lớn lên trở thành một chủ đề thường trực trong tranh của ông, đặc biệt là con sông Tam Bạc với bến thuyền và con phố cổ chạy dài ven hữu ngạn mà Trịnh Thái đã vẽ không biết bao lần. Ở triển lãm “… từ Hà Nội” cũng không thiếu những tác phẩm vẽ Tam Bạc, vẽ Hải Phòng bằng sơn dầu lẫn sơn mài.Ngoài hai chất liệu trên, còn có vài bức tranh lụa vốn cũng là chất liệu sở trường của ông, vẽ những phiên chợ quê, chợ vùng cao đầy màu sắc. Trịnh Thái kể rằng có thời gian tranh lụa của ông gần như lúc nào cũng bán được tại một cửa hàng của Công ty Xunhasaba ở Hà Nội: “Cứ hết tiền thì bên ấy lại gọi ra nhận tiền bán tranh, đến độ có người tưởng tôi có… ngân hàng riêng”. Ông được coi là một người “có duyên” bán tranh, triển lãm nào cũng bán được tác phẩm. Lần này cũng vậy, ngay trong ngày khai mạc “… từ Hà Nội”, nhiều bức tranh đã được gắn nơ.
Rõ ràng là có “cái duyên bán tranh” ấy nhưng trước hết tranh phải đẹp, khiến người mua “phải lòng”.Điều đó cũng rất rõ khi xem tranh Trịnh Thái ở triển lãm này. Cùng với phong cảnh Hải Phòng thân yêu của ông còn là những góc phố Hà Nội thật êm đềm, là lênh loang sương khói hồ Gươm, là Hạ Long trầm mặc, Tây Bắc hiền hòa… và sự sinh động, rộn ràng của những phiên chợ vùng cao với khăn áo thổ cẩm tươi vui. Dường như những nơi chốn ông đi qua đều trở thành cơ hội để người nghệ sĩ trải hết lòng mình. Trịnh Thái coi hội họa như “người tình chung thủy, chung thân” của mình, bởi cho tới tuổi đã ngoài thất thập ông vẫn sống một thân một mình, như được thể hiện trong bức tự họa Những người tình đã bỏ T đi. Chỉ có một chân dung phụ nữ trong triển lãm – đó là chân dung một cô gái ông từng yêu và vẽ cô năm 1984, khi vào đây làm phim Biệt động Sài Gòn.
Triển lãm tranh Nguyễn Trịnh Thái còn là dịp tụ họp, gặp gỡ của nhiều người Hà Nội, Hải Phòng đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. Ông đã đem đến cho họ những phút đáng nhớ, được sống lại với một thời đầy những kỷ niệm vui buồn…
- Y Chiêu