Bà Đỗ Thị Kim Liên là gương mặt khá quen thuộc trong giới kinh doanh. Bà từng là “Madame” trong ngành bảo hiểm với thương hiệu AAA tiếng tăm, đồng thời là Lãnh sự danh dự của Cộng hòa Nam Phi tại TP. Hồ Chí Minh. Mới đây, bà cùng các đồng sự trẻ ra mắt ứng dụng LIAN, bắt nhịp với cuộc cách mạng 4.0 trong ngành bảo hiểm. Bà cho biết:
Cách mạng 4.0 nói thì đơn giản nhưng làm thì không dễ dàng, tôi muốn là người đi đầu trong ngành và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, làm sao để biến cách mạng số thành hiện thực, vận dụng vào cuộc sống và đem lại hiệu quả. Ứng dụng tôi mang đến cho thị trường lần này sẽ minh bạch hóa và tiết giảm thời gian tối đa trong việc làm hồ sơ, thủ tục bồi thường. Có như vậy thì người người nhà nhà mới tin dùng bảo hiểm, cũng chính là mua cho mình sự văn minh và nhân văn.
Vì sao sản phẩm bảo hiểm mang tính nhân văn lại chưa được người dân quan tâm, thậm chí còn có thông tin xấu về vấn đề trục lợi bảo hiểm?
Theo tôi thì không ai muốn trục lợi bảo hiểm cả. Không ai muốn mua một chiếc xe rồi cố tình gây tai nạn để lấy tiền bảo hiểm. Đi sâu vào ngành này, tôi tiếp cận đến 99% người dân chưa hiểu đúng về bảo hiểm. Đa số người mua là chạy theo số đông hoặc theo mua quy định của nhà nước. Đến khi gặp nạn, người dân lại mệt mỏi với các nhập nhằng trong hồ sơ và thủ tục bồi thường. Nhiều nhân viên bảo hiểm xem việc chi tiền bồi thường là ban phát, bố thí, thậm chí bắt người được bồi thường phải chi “tiền cà phê”. Chính vì vậy mà hình ảnh ngành này ngày càng xấu đi…
Thật sự, bảo hiểm là một ngành vô cùng nhân văn, lấy tiền từ số đông người may mắn để chia sẻ, giúp đỡ cho số ít người kém may mắn, như người bị bệnh nặng, người bị mất mát tài sản… Vì vậy, mua bảo hiểm là mua “nhân văn”, đồng thời đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là an sinh xa hội được nâng cao.
Vậy sản phẩm mới giúp người dân nhìn nhận bảo hiểm một cách gần gũi, thân thiện hơn bằng cách nào?
Sản phẩn LIAN đơn giản hóa thủ tục hết mức có thể, khách hàng chỉ cần tải hình ảnh tình trạng bệnh, sự cố xảy ra và hình giấy xác nhận của chính quyền địa phương lên ứng dụng là nhận được bồi thường nhanh chóng. Chẳng hạn khi xảy ra cháy nổ thì chỉ cần có hình ảnh và xác nhận của công an địa phương. Ngay lập tức, đội ngũ của chúng tôi sẽ xác minh và chi trả trong… 30 giây. Đối với thiệt hại dưới 50% thì chúng tôi bồi thường 50%, trên 50% thì chi trả 100%.
Thời nay, ai cũng có trong tay chiếc điện thoại thông minh, ngay cả vùng nông thôn, nên việc tải ứng dụng cũng như thực hiện các thao tác không quá khó khăn. Hơn nữa, ứng dụng này còn tạo điều kiện cho những người nhàn rỗi như nội trợ, người hưu trí cũng có thể tham gia bán bảo hiểm. Việc nhận tiền hoa hồng cũng diễn ra nhanh chóng từ tài khoản ngay trên ứng dụng. Đây là cơ hội kiếm tiền dễ dàng cho những người không có cơ hội tham gia thị trường lao động…
Chỉ cần nhìn cách bà chia sẻ về sản phẩm, cũng thấy bà vẫn hăng say với ngành bảo hiểm quá…
Vì tôi đam mê bảo hiểm, với những ý nghĩa nhân văn của nó. Ở tuổi sắp về hưu như tôi, tiền bạc không còn quá quan trọng nữa. Tôi quan niệm, tiền bạc mua được nhiều thứ, nhưng không mua được tất cả. Khi bạn có nhiều tiền rồi, thì người khác không thể dùng tiền để mua tình cảm của bạn nữa, đúng không?
Tất cả các mối quan hệ trong đời đều là do cách ứng xử với nhau mà có. Nếu một người cứ muốn dành phần hơn về mình thì không thể có mối quan hệ bền vững, trong ngành bảo hiểm cũng vậy. Một công ty bảo hiểm chỉ muốn bán nhiều sản phẩm mà không quan tâm đến tiếng nói của người mua, không tạo cho khách hàng cảm thấy thoải mái, công bằng thì khó mà tồn tại lâu dài. Điều này cũng đúng trong các mối quan hệ thân sơ, quan hệ gia đình, tình cảm vợ chồng…
Thành công của người đàn ông không thể thiếu bóng dáng của người phụ nữ. Vậy sau lưng bà hẳn cũng có sự đồng hành của một người đàn ông quan trọng?
Đó là chồng tôi, người đã luôn ủng hộ vợ từ những ngày đầu lập nghiệp. Tôi vốn xuất thân là giáo viên, nghề của gia đình. Tôi có vài năm theo nghề giáo viên Văn theo định hướng của gia đình, nhưng ẩn sâu bên trong tôi là người hơi “nổi loạn”, không thể làm những việc giống nhau mỗi ngày. Nghề giáo là nghề cao quý, nhưng không cho tôi cơ hội được sáng tạo nhiều. Tôi lại là người mạnh mẽ, nên thích hợp với thương trường hơn.
Thế là tôi bỏ nghề giáo và dấn thân vào kinh doanh. Chồng là người vừa ủng hộ, vừa đồng hành cùng tôi trong hành trình xây từng viên gạch đầu tiên. Chúng tôi đã từng trải qua nhiều giai đoạn vô cùng khó khăn, để đưa bảo hiểm AAA từ một văn phòng chỉ vỏn vẹn 12m2 với chín nhân sự lên thành một thương hiệu nổi tiếng thế giới. Không chỉ khó khăn về nguồn nhân lực, tài chính mà còn khó khăn bởi “lời ra tiếng vào” từ dư luận. Người ta không tin một cô giáo có thể làm giám đốc hay chủ tịch hội đồng quản trị. Tôi trân trọng những người sát cánh cùng tôi trong những ngày đầu, họ đến với AAA chỉ với niềm tin chứ không có tương lai hứa hẹn nào. Và vì vậy, tôi không cho phép mình được thất bại. Sau này, nhiều người nói tôi đã thành công một cách khó tin, tôi nói rằng đó là nhờ “trời thương”!
Chồng tôi luôn là người luôn động viên vợ và cũng là bờ vai khi tôi nản lòng. Thậm chí có ngày, anh lắng nghe tôi kể về chuyện công ty từ tối đến 3 giờ sáng. Tôi thật sự trân trọng người bạn đời của mình, vì thông cảm và là động lực cho vợ phát triển.
Nhiều năm bên nhau, con cái đã lớn mà chúng tôi vẫn muốn nhìn thấy nhau, ăn cùng nhau ba bữa cơm mỗi ngày. Có những lần, anh đi công tác Hà Nội và nhắn: “Mới đi mà đã nhớ vợ”. Tôi trả lời: “Nhớ thì em ra”, và tôi ra thật. Hai chúng tôi là tri kỷ thật sự, chứ không chỉ là người cùng nhà.
Có một người chồng “hậu thuẫn” phía sau, lại có những người đồng nghiệp trẻ sát cánh bên mình, chị thật may mắn.
Bên cạnh may mắn, còn là nỗ lực nữa. Từ những ngày đầu làm bảo hiểm, tôi sẵn sàng xông pha đi bán hàng cùng anh em. Với tôi, một giám đốc chỉ ngồi trong văn phòng thì không thể quản lý tốt được. Anh phải ăn ngủ cùng anh em, thở cùng hơi thở với anh em, thì mới có thể “vẽ” nên một bức tranh có hồn cho công ty. Cũng nhờ tiếp xúc trực tiếp cùng người dân, hiểu được những búc xúc thường gặp của khách hàng mua bảo hiểm mà tôi mới cùng các bạn trẻ đưa ra ứng dụng bảo hiểm LIAN sau này.
Tôi là người ham học hỏi, không không ngại vất vả, gian khó. Khi có người nhờ giúp điều này, điều kia, tôi không bao giờ từ chối, nhất là lãnh đạo. Tôi hiểu rằng khi người ta tìm đến mình, nghĩa là mình đã được đặt niềm tin. Nên câu trả lời thường trực của tôi là: “Vâng, em sẽ làm trong vòng một nốt nhạc”. Và nhờ vậy, tôi không bỏ qua bất cứ cơ hội nào trong đời mình.
Trở thành Lãnh sự danh dự của Cộng hòa Nam Phi tại TP. Hồ Chí Minh cũng là một cơ duyên như thế?
Vâng. Khi được lựa chọn cho vị trí danh dự này, tôi nhận ngay, và làm rất tốt trong 10 năm qua. Tôi cũng nhận được thư khen từ chính phủ Nam Phi vì những đóng góp tích cực quảng bá, xây dựng hình ảnh đất nước này tại Việt Nam.
Bà nhận thấy cơ hội giao thương giữa Nam Phi và Việt Nam ra sao?
Tiềm năng quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nam Phi là rất lớn. Việc tiếp cận thị trường cũng được tạo điều kiện thuận lợi nhờ các hợp tác song phương giữa hai nước. Việt Nam có thể nhập khẩu than và gỗ lim từ Nam Phi. Và ngược lại, chúng ta xuất khẩu sang nước này các sản phẩm gạo, cà phê, giày dép, quần áo… Tuy nhiên, hàng Việt Nam ở Nam Phi phải cạnh tranh rất gay gắt với hàng Trung Quốc về giá. Đây là điểm gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, dù Nam Phi là “tín đồ” của hàng Việt Nam chất lượng cao.
Cảm ơn bà về những chia sẻ trên.