Chị V.T.T.N (sinh năm 1996, tại Bình Thạnh) sau khi ngủ dậy thấy chóng mặt nhiều, nôn ói kèm các triệu chứng như tê vùng mặt bên trái, tay chân bên trái khó điều khiển, di chuyển không được và nói đớ, méo miệng đã nhập viện cấp cứu BV Hoàn Mỹ Sài Gòn.
Sau khi nhập viện, bác sĩ khám lâm sàng nghi ngờ đột quỵ. Vì không xác định được thời gian đột quỵ nên các bác sĩ quyết định chụp MRI não và ghi nhận có hình ảnh nhồi máu tiểu não – cuống não, còn trong thời gian vàng điều trị. Bệnh nhân được chỉ định ngay dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch rTPA. Đây là loại thuốc được chỉ định trong nhồi máu não cấp dưới 4,5 giờ, giúp làm tan máu đông, mạch máu lưu thông tốt, cải thiện được vùng não có nguy cơ tổn thương.
Theo ThS-BS Trương Việt Trung, Khoa Nội thần kinh BV Hoàn Mỹ Sài Gòn, đây là trường hợp nhồi máu não cấp ở người trẻ (22 tuổi); trẻ tuổi nhất mà BV Hoàn Mỹ Sài Gòn tiếp nhận và có dấu hiệu phục hồi tốt. Bác sĩ khuyên với những trường hợp nhồi máu não cần được nhập viện càng sớm càng tốt, đặc biệt trong thời gian vàng (trước 4,5 giờ kể từ khi có triệu chứng).
Khi đó, khả năng phục hồi sau dùng thuốc sẽ được cải thiện đáng kể, giảm thương tật sau đột quỵ, tránh tổn thất lớn cho gia đình và xã hội. Thêm vào đó, người dân cũng có thể sử dụng quy tắc F.A.S.T để nhận biết và cấp cứu nhanh bệnh nhân đột quỵ. Chú ý hạn chế sử dụng các hướng dẫn lan truyền trên mạng như: chích máu đầu ngón tay, nặn chanh vào miệng, uống thuốc không rõ loại… sẽ làm kéo dài thời gian nhập viện.
Bác sĩ Trung cũng nhấn mạnh nhồi máu não có xu hướng trẻ hóa và có chiều hướng gia tăng do stress, thói quen ăn uống nhiều muối, chất béo, hút thuốc lá, rượu bia… Vì vậy để hạn chế nguy cơ nhồi máu não, chúng ta nên xây dựng lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên. Đối với những bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp hay rối loạn lipid máu… cần điều trị tốt và lưu ý các triệu chứng bệnh để điều trị kịp thời.