Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây cho biết 10% dân số trên thế giới đang sống dưới mức nghèo khó với chỉ 1,9 USD/ngày. Bên cạnh đó, 1,7 tỉ người trên toàn cầu – một con số đáng kinh ngạc – không sở hữu tài khoản ngân hàng hoặc không có khả năng tiếp cận với nguồn vốn tài chính, chẳng hạn như các khoản vay. Số liệu này còn cho thấy, 200 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ở các thị trường mới nổi gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với các loại hình tiết kiệm và tín dụng.
WB từng đề ra mục tiêu không quá 3% dân số toàn cầu sống ở mức nghèo vào năm 2030. Để thực hiện điều đó, WB đã đẩy mạnh việc thực hiện nhiều chiến lược giảm nghèo, trong đó có những nỗ lực cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính và sự hỗ trợ cần thiết. Một phần của chiến lược này bao gồm sự phát triển hạ tầng ngân hàng mạnh hơn dựa vào nguồn lực của các nhà đầu tư khu vực tư nhân và sự tham gia của doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Việc thành lập các tổ chức tín dụng, cung cấp dịch vụ tư vấn, cơ sở hạ tầng, công nghệ quản lý rủi ro tín dụng và hỗ trợ cho các ngân hàng trung ương và các bên liên quan trong khu vực tư nhân khác đã giúp ngân hàng và tổ chức tài chính ở nhiều nước mở rộng các quy định và đối tượng cho vay.
Sự tiếp cận hạn chế về nguồn vốn tài chính do thiếu hạ tầng công nghệ ngân hàng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến một người dân hay một doanh nghiệp cụ thể. Nhiều quốc gia trên thế giới đang ở trong tình trạng khan hiếm nguồn lực để tiếp tục đổi mới phát triển kinh tế và gia tăng lực lượng lao động. Các doanh nghiệp tiềm năng cũng đứng trước nguy cơ thất bại chỉ vì không tìm được nguồn vốn đầu tư đúng thời điểm.
Tuy nhiên, làn sóng đổi mới gần đây trong ngành quản lý rủi ro tín dụng hứa hẹn sẽ thu hẹp khoảng cách giữa thực trạng hiện nay và mục tiêu tài chính toàn diện trong tương lai không xa.