Từ Jakarta đến Yogyakarta, thủ phủ của đảo Java mất trên dưới một giờ rưỡi bay, cộng thêm chừng ấy thời gian ngồi ôtô nữa, khách thập phương sẽ bắt đầu nhận ra Borobudur, di sản văn hóa của nhân loại trong màng sương khói mờ ảo trên một ngọn đồi khá cao giữa thung lũng rộng lớn được tạo bởi những dãy núi xa xa, trong đó có núi lửa Merapi hãy còn thức và đang mải mê phun cao những cột khói trắng. Ngoài lòng sùng đạo, rất có thể không ít người từ nhiều châu lục đang nối nhau đến Borobudur từng ngày, chắc chỉ với nỗi mong được chạm ánh mắt và đôi tay vào kỳ quan Phật giáo lớn nhất thế giới giữa Indonesia, đất nước của trên 230 triệu dân, đa phần là tín đồ của đạo Hồi.
Chúng tôi đến với kỳ quan của hơn nghìn ngọn tháp trong một ngôi tháp trên khu đồi mờ ảo ấy vào sáng mùng Năm Tết vừa qua, với những cảm xúc nói chi cũng không cùng.
1. Trời phơn phớt lạnh. Nắng dịu dàng và gió lưa thưa. Chút mùi hương thân quen, thoảng đưa từ ruộng lúa. Và tiếng chim líu lo như không hề muốn dứt… Tất cả là lời chào mang âm sắc mùa xuân Việt Nam giữa đất nước nghìn đảo. Xuống xe từ bên này hàng cây rợp bóng trên con đường là ranh giới giữa ngôi làng vùng cao với khu đồi rộng mênh mông của “vương quốc” Borobudur. Tại khu hành chính, đúng hơn, tại trạm bảo vệ và phục vụ du khách, chúng tôi mất chưa đầy 5 phút để làm ba việc – mua vé, nhận một chai nước ướp lạnh và dang hai tay để một cô gái quàng cho một chiếc xà rông. Không biết ai tạo ảnh hưởng cho ai, nhưng rõ ràng cung cách đón tiếp và phục vụ khách của người Indonesia rất giống người Nhật. Nụ cười tươi vui, bàn tay phải trân trọng đặt lên ngực trái và cái cúi gập người, là “bộ ba” trong một động thái văn hóa mà chúng tôi đã được nhận từ cửa vào sảnh khách sạn ở thủ đô Jakarta, ở Yogyakarta, thành phố trung tâm của đảo Java và tại cổng vào đông kín người ở điểm tham quan, chiêm bái này.
Chúng tôi bắt đầu bước lên những bậc thang đầu tiên của tòa tháp với niềm cảm xúc rưng rưng. Ánh hào quang từ 1.400 năm trước của suốt hai vương triều Sailendra và Sanjaya rất mực sùng bái đạo Phật đã không còn xa cách về thời gian và địa lý. Tất cả đang hiện rõ ngay trước mặt, sau lưng, trên đầu và dưới chân. Tôi đã được chạm tay vào từng phiến đá, từng bức phù điêu chạm trổ rất công phu và được xoa vào chân từng tượng Phật, từng cánh sen, từng đóa hoa vô ưu… Cứ như thế. Có thể nhiều người đang tịnh tâm cầu nguyện hay van xin một điều gì đó qua từng bước, trong từng vòng kinh hành, hoặc đứng như bị thôi miên trước một pho tượng. Nhưng với tôi, chỉ những lần được chạm tay như thế là đã quá đủ để cúi đầu nghĩ về công đức, tài năng và cả sự hy sinh của không biết bao nhiêu người từ đời xửa, đời xưa. Những người đã làm nên một Borobudur hùng vĩ, uy nghiêm như ngọn núi Linh Thứu ở Ấn Độ.
Được xây dựng toàn bằng đá, Borobudur mô phỏng theo thuyết trời tròn, đất vuông, gồm 12 tầng, với thứ tự vuông tròn, to nhỏ chồng lên nhau. Cao 42 mét. Chiều dài của cạnh vuông tầng dưới cùng là 123 mét. Tất cả được gắn kín bởi những bức phù điêu chạm khắc tinh xảo, mô tả về các thế giới theo triết lý Phật giáo và đời sống của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, của các vị Bồ tát và các anh hùng đã giác ngộ Phật pháp… Mỗi bức phù điêu dài 25 centimet. Có người đã tính, nếu nối tất cả phù điêu được gắn trên thành của các tầng tháp, sẽ có một chiều dài đến 4km. Và, nếu mỗi bức chỉ xem trong vòng một giây thôi, thì phải mất đến hai ngày mới xem xong. Thế mà theo Sutopo, hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, người đã theo chúng tôi trong suốt cuộc hành trình tại Java, kể: “Đã đôi ba lần tôi được các vị khách đến từ châu Âu, Ấn Độ yêu cầu phải rời Yogyakarta trước 5 giờ sáng để họ có được những vòng đi quanh tháp liên tục ít nhất ba tiếng trước lúc nắng nóng và đông người. Là người Hồi giáo, tôi thật sự nể phục lòng sùng đạo của những Phật tử ấy”. Về phần mình, hôm ấy chúng tôi chỉ đi được bốn vòng ở tầng vuông dưới cùng và chín vòng ở tầng tròn lớn nhất.
Sutopo đã rất chính xác khi dùng hai chữ “thân phận” để nói về Borobudur – Mất gần 100 năm xây dựng, rồi chỉ hơn 100 năm sau đó đã bị tro bụi của núi lửa Merapi và làn sóng vô minh của người Hồi giáo lúc bấy giờ chôn vùi suốt hơn 1.000 năm. Mãi đến đầu thế kỷ XX, với sự đầu tư của UNESCO, Phật tích này mới được đánh thức, được bảo vệ và, được công nhận là di sản văn hóa của nhân loại từ 1992 – Mong là, đến 1.000 năm sau nữa, cổng vào của khu tháp vẫn còn rộng mở để đón khách thập phương, như Tổng thống Indonesia Suharto đã nói trong một lần đến đây vào ngày 23-2-1983.
Mạn-đà-la. Nhưng tôi lại không muốn hiểu theo nghĩa của triết học là “Một biểu đồ linh thiêng của vũ trụ”, mà hiểu theo cách mô tả của truyền thuyết. Rằng, mỗi lần đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp thì trời “mưa” hoa Mạn-đà-la. Có khi là Mạn-đà-la trắng, có lúc là Mạn-đà-la xanh, tím nhạt, với hương thơm tỏa ngát, quyện cùng những cung bậc thanh thoát của hằng hà sa số lời chim từ vô lượng trời cao. Đã thế, biết đâu Borobudur lại chẳng là một đóa Mạn-đà-la được bay đi từ vườn Lộc Uyển ở nước Ba-la-nại hay trên đỉnh núi Linh Thứu của nước Ma-kiệt-đà trong một lần thuyết pháp nào đó của đấng Thế Tôn. Bay và bay mãi cho đến hơn một nghìn năm sau đó, nhận ra Vương triều của Sailendra và Sanjaya đầy đủ cơ duyên nên đã đáp xuống giữa vùng Java kỳ vĩ ấy. Tôi nghĩ như thế. Và nếu đã là thế, thì cách gọi thống nhất, hãy nên là Mạn-đà-la.
Đứng trên tầng cao của Mạn-đà-la, tôi chợt nhớ lại bốn câu mở đầu của bài Chúc xuân mà mình đã viết trong tập thơ Tình biển nghĩa sông, xuất bản tại Sài Gòn năm 1969. Đang còn là tiết xuân, tôi xin được chép lại bốn câu thơ ấy như là lời chúc từ Borobudur: “Xuân đến đem vui khắp mọi nhà / An lành thắm nhụy Mạn-đà-la / Đón xuân, xin chúc xuân như ý / Sáng cả năm châu, sáng Phật đà…”.
Trả lời câu hỏi rất cũ được đặt ra ngay buổi chiều hôm ấy tạiYogyakarta- Cái “có” nào đã làm nên những cái “không” ấy? – Sutopo đã nói rất mực thước: “Khách nước ngoài thường là tử tế, nên chúng tôi luôn phải tự trọng”. Trở lại câu chuyện về các nhóm học sinh, sinh viên trên các tầng tháp lúc sáng, anh bạn tiếp: “Không phải là buổi dã ngoại, càng không phải là cuộc đi chơi, mà là những giờ học chính của các em về kỹ năng giao tiếp với cộng đồng và ứng xử với những di tích. Ở đó các em sẽ quan sát, nhận xét và đưa ra bài học riêng về những vị khách mà mình đặc biệt chú ý, nhất là khách nước ngoài”.
Chắc vĩnh viễn qua rồi những trăm năm vùi dập bởi tro bụi từ trời, đất và lòng người, Borobudur sẽ mãi rạng ngời giữa ánh hào quang của những cơn mưa Mạn-đà-la từ hơn 2.500 năm trước trên đỉnh Linh Thứu ở đất Phật Ấn Độ. Mãi là điểm mà trong một đời, nếu có điều kiện mỗi chúng ta nên một lần đến, để thêm một lần được thấy mình thật sự nhỏ bé.
Bài Hoàng Thoại Châu
Ảnh Nguyễn Bảo Châu – Nguyễn Quang Tuyến