Nhà lãnh đạo sẽ khó thành công nếu không có những cộng sự bên cạnh. Theo các chuyên gia quản trị nhân sự, một nhà lãnh đạo nên có sáu nhóm nhân viên thuộc sáu nhóm tính cách sau đây để giúp đỡ họ trong nhiều công việc, tình huống khác nhau.
1. Người thúc giục
Đó là những nhân viên luôn đặt ra nhiều câu hỏi cho sếp và cho những đồng nghiệp khác, khiến mọi người phải cùng suy nghĩ, thử nghiệm và hành động để hướng tới những cái mới. Nhiệm vụ của sếp là làm cho những nhân viên này luôn tràn đầy sinh lực và nhiệt huyết để họ hoàn thành vai trò là người khơi nguồn cảm hứng cho người khác.
- Xem thêm: Bạn là ai trong 10 kiểu nhân viên này?
2. Người cổ vũ
Đó là những “fan” (người hâm mộ) của sếp, luôn ủng hộ các công việc, chủ trương của sếp. Họ cũng sẽ là những người “truyền lửa” cho những nhân viên trong việc triển khai các ý tưởng của nhà lãnh đạo.
Nên thường xuyên động viên, khen thưởng những người cổ vũ và tạo điều kiện để họ tham gia vào nhiều công việc, dự án quan trọng của sếp, làm cho họ có cảm giác gắn bó với thành công của sếp và của tổ chức.
3. Người nghi ngờ
Trái với người cổ vũ, những người nghi ngờ luôn dò xét, đặt ra nhiều câu hỏi thách thức và tiên đoán trước các vấn đề khó khăn. Nhà lãnh đạo rất cần tầm nhìn xa và bao quát của những nhân viên này. Ở góc độ tích cực, họ luôn giúp sếp đề phòng các rủi ro, đảm bảo sếp luôn được an toàn và thành công. Họ là đại diện cho tiếng nói của lý lẽ.
4. Người làm chủ công việc
Đây là những nhân viên khá “ồn ào” và hiếu thắng. Họ luôn đòi hỏi các công việc phải được hoàn tất một cách chỉn chu và sẽ thẳng thắn chỉ trích, phê bình những ai cản trở điều đó. Họ luôn trung thành với các thời hạn và luôn nỗ lực để đảm bảo đạt được các mục tiêu. Họ là đại diện cho sự tiến triển trong công việc.
5. Người kết nối
Những nhân viên có tính cách này có thể giúp sếp tìm ra những đích đến mới, cách giải quyết vấn đề mới và những đồng minh mới. Họ biết cách phá vỡ các rào cản để biến những điều tưởng chừng như không thể thành hiện thực.
Các nhà lãnh đạo cần những cộng sự như thế để kết nối với những con người hay đi đến những nơi mà bản thân họ không tự làm được. Người kết nối chính là đại diện cho tinh thần hợp tác và tính cộng đồng.
6. Người gương mẫu
Đây chính là những “quân sư” của nhà lãnh đạo. Sự có mặt của họ như một lời nhắc nhở rằng các nhà lãnh đạo cũng có thể làm được những điều phi thường. Các sếp cần phải làm cho những người gương mẫu cảm thấy tự hào về bản thân họ – những người đại diện cho uy quyền và tài năng thật sự.