Thành phố Trà Vinh có thể tự hào là “đô thị xanh”, “đô thị di sản cây xanh”… độc đáo, phù hợp với xu hướng bảo vệ môi trường trong thời kỳ biến đổi khí hậu khắc nghiệt hiện nay.
[1]
Các đô thị ở Nam bộ được hình thành từ khoảng đầu thế kỷ XX, hiện nay là nơi chứa đựng những di sản phản ánh lịch sử – văn hóa – cộng đồng cư dân của đô thị đó. Hơn nữa, là trung tâm của một địa phương nên đặc trưng văn hóa đô thị phản ánh đặc trưng văn hóa của khu vực.
Gia định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, trong mục Thành trì chí cho biết ở Nam bộ vào đầu thế kỷ XIX đã có những trung tâm kinh tế sầm uất. Tại mỗi trấn cùng với “thành” là trung tâm hành chính thì nhà cửa phố xá bến chợ luôn được nhắc đến như một thành phần quan trọng. Thời kỳ này Trà Vinh thuộc trấn Vĩnh Thanh. Năm 1834 vua Minh Mạng đặt ra Nam Kỳ và chia thành 6 tỉnh nên gọi là Nam kỳ lục tỉnh. Thời kỳ này Trà Vinh thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Sau khi Pháp chiếm toàn bộ Nam kỳ, năm 1899 Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ra nghị định đổi tên gọi “hạt” thành “tỉnh” (province) và chia Nam kỳ thành 20 tỉnh trong đó có tỉnh Vĩnh Long. Từ lúc này trung tâm các “tỉnh” ở Nam kỳ bắt đầu hình thành những đô thị hành chính, tiêu biểu là “tòa bố” (dinh thự làm việc của chủ tỉnh – chef de province), dần được chỉnh trang và quy hoạch theo kiểu phương Tây: đường xá và hạ tầng đô thị, không gian và công trình kiến trúc công cộng.
Từ khi khởi lập, vị trí của các đô thị Nam bộ luôn ở trung tâm của mạng lưới giao thông đường thủy từng khu vực, tận dụng sự thuận tiện của hệ thống sông, kênh rạch, đường biển và chế độ thủy triều… Giữa các tỉnh hầu như đều có ranh giới tự nhiên là những dòng sông lớn nhỏ. Hiện nay có thể nhận thấy trên trục lộ chính cứ qua một bến phà – nay là một cây cầu – là vào địa phận một thành phố lớn/trung tâm một tỉnh. Có thể nói tính chất của đô thị Nam bộ là “đô thị sông nước”, đô thị không chỉ là những thành trì, các công trình hành chính hay tôn giáo mà còn được biết đến vì những bến cảng “thị tứ” phong phú hàng hóa, giao lưu trao đổi buôn bán trù mật, dân cư đông đúc và đa dạng.
- Xem thêm: Từ hoa sữa nghĩ về cây xanh đô thị
Các đô thị ở Nam bộ tuy là trung tâm của một vùng nông thôn rộng lớn nhưng không bị “nông thôn hóa” mà ngược lại, có ảnh hưởng khá nhiều về lối sống, về sinh họat kinh tế – văn hóa đến những vùng xung quanh. Một hiện tượng phổ biến tại Nam bộ mà không thấy xuất hiện ở miền Trung hay miền Bắc, đó là ở nhiều tỉnh có huyện “châu thành”, đó là đơn vị hành chính bao gồm hoặc ở sát thị xã trung tâm của tỉnh. Trong quá trình phát triển, huyện Châu Thành là nơi “dự trữ” cho quy hoạch đô thị và được “đô thị hóa” nhanh nhất.
[2]
Thành phố Trà Vinh là tỉnh lỵ của tỉnh Trà Vinh, nằm bên bờ sông Tiền, trên quốc lộ 53 và cách TP.HCM khoảng hơn 200km. Trà Vinh có “mặt tiền” là dòng sông Cổ Chiên, có “đảo” là cù lao Long Trị và một số cù lao nhỏ. Nằm giữa hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy khá hoàn chỉnh với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thuận tiện để phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội và là khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Có thể thấy thành phố Trà Vinh vừa mang đặc điểm chung của các đô thị Nam bộ là đô thị sông nước, “một thị tứ” vừa mang đặc điểm riêng là sự có mặt, hòa hợp gắn bó lâu đời của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Từ đó đã hình thành một nền văn hóa đa tộc người, biểu hiện bằng các công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng độc đáo.
Hiện nay thành phố Trà Vinh có 6 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và 1 di tích cấp tỉnh. Bao gồm các loại hình: miếu thờ, đình, chùa Khmer, chùa Hoa, danh thắng Ao Bà Om và quần thể di tích và thiết chế văn hóa quanh đó, Đền thờ Hồ Chủ Tịch… Đặc biệt nằm ngay cửa ngõ vào thành phố là Chùa Hang – di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia nổi tiếng, thuộc địa phận huyện Châu Thành.
“Thương hiệu” hay danh tiếng của thành phố có thể được nâng cao, cải thiện hay suy thoái đi một phần lớn thông qua giá trị di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy trong đời sống hiện tại như thế nào.
Ngoài ra còn có nhiều công trình kiến trúc khác, tuy chưa được xếp hạng di tích nhưng là những công trình quen thuộc với cộng đồng cư dân, phản ánh đời sống vật chất, tinh thần của người dân như chợ Trà Vinh, nhà thờ giáo xứ Thánh Tâm, chùa Khmer Điệp Thạch, chùa Phật giáo Thánh Tâm, thánh thất Cao Đài…
Nhìn trên bản đồ có thể nhận diện phạm vi của “Đô thị cổ” Trà Vinh là khu vực hình thành sớm, được quy hoạch theo kiểu “đô thị phương Tây” với các đường phổ nhỏ giao cắt nhau tạo thành ô phố “bàn cờ”, hai bên là dãy nhà phố hoặc những biệt thự nhỏ xinh xắn. Vỉa hè rộng trồng cây xanh đến nay đã hơn trăm năm tuổi, là chứng tích của đô thị cổ xưa. Theo tài liệu lịch sử thì thành phố Trà Vinh có một số công trình xây dựng thời Pháp, đó là công sở, trường học, bệnh viện, biệt thự kiểu Tây hay kiểu “Đông Tây kết hợp” khá phổ biến ở Nam bộ. Tất cả đã hợp thành một hệ thống di tích lịch sử phản ánh cấu trúc xã hội, tình trạng kinh tế và nhất là tạo ra sự đa dạng của cảnh quan đô thị.
“Đô thị cổ Trà Vinh” là khu vực mật độ đường phố cao, có cơ sở hạ tầng đô thị, tập trung nhiều di tích lịch sử – văn hóa lâu đời và nổi tiếng, tiêu biểu cho các loại hình di sản đô thị. Tất cả đã trở thành “dấu chỉ” để nhận biết tuổi đời và đặc trưng của đô thị nhỏ nhưng rất đẹp này.
[3]
Các loại hình di sản văn hóa đô thị Trà Vinh tuy có công trình ra đời sớm hơn nhưng phần lớn kiến trúc còn lại có niên đại thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Loại hình kiến trúc của công trình tôn giáo tín ngưỡng, nhà ở, một vài công sở, không gian công cộng… cho biết sự đa dạng về văn hóa cũng như các giai đoạn lịch sử của thành phố. Hệ thống di tích lịch sử văn hóa của Trà Vinh phản ánh quá trình hình thành và phát triển của một đô thị hòa hợp văn hóa các cộng đồng dân cư, tạo nên ấn tượng về sự hiền hòa, bình an của đời sống đô thị.
Hệ thống hàng ngàn cây xanh đô thị tuổi đời trăm năm, các loại cây đặc trưng của vùng đất Nam bộ như cây me, cây sao, cây dầu… chính là một “thương hiệu” nhận diện của đô thị Trà Vinh. Thành phố Trà Vinh có thể tự hào là “đô thị xanh”, “đô thị di sản cây xanh”… độc đáo, phù hợp với xu hướng bảo vệ môi trường trong thời kỳ biến đổi khí hậu khắc nghiệt hiện nay. “Thương hiệu” hay danh tiếng của thành phố có thể được nâng cao, cải thiện hay suy thoái đi một phần lớn thông qua giá trị di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy trong đời sống hiện tại như thế nào. Hiểu biết và sử dụng hợp lý tất cả giá trị của di sản văn hóa đô thị chính là phát triển bền vững.
- Xem thêm: Tản mạn về cây xanh đô thị
Hiện nay, thông qua việc nghiên cứu, đào tạo, giảng dạy, truyền bá tri thức về lịch sử văn hóa tỉnh Trà Vinh trong bối cảnh Nam bộ nói chung, những giá trị của di sản văn hóa luôn được quan tâm bảo vệ, bảo tồn, trùng tu tôn tạo. Trà Vinh đã biết dựa vào cộng đồng để duy trì đời sống của di tích, thực sự coi trọng vai trò “chủ thể văn hóa” của cộng đồng dân cư. Có thể nhận thấy việc bảo tồn di sản lịch sử văn hóa, “di sản cây xanh” ở “đô thị cổ” Trà Vinh không thể không có vai trò quan trọng của các cộng đồng dân cư, nhất là tâm thức cư dân theo Phật giáo Nam tông luôn gắn bó mật thiết với văn hóa truyền thống và cảnh quan thiên nhiên.
“Đô thị cổ” Trà Vinh hiện còn nhiều di tích lịch sử văn hóa độc đáo. Có thể nhận thấy “ADN văn hóa” – những đặc trưng cơ bản của thành phố Trà Vinh là “đô thị xanh”, văn hóa truyền thống phong phú và cộng đồng dân cư hiền hòa, thân thiện. Đây là “vốn xã hội” quý giá và giàu tiềm năng để có thể phát huy và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong kinh tế di sản và kinh tế du lịch.
Với tuổi đời hơn một thế kỷ, các đô thị cổ ở Nam bộ trong đó có Trà Vinh là nơi chứa đựng những di sản kiến trúc phản ánh lịch sử – văn hóa – cộng đồng cư dân. Hơn nữa, đô thị luôn là trung tâm của một địa phương nên đặc trưng văn hóa đô thị phản ánh đặc trưng văn hóa của khu vực. Lưu giữ, bảo tồn di sản văn hóa đô thị chính là lưu giữ và phát huy giá trị vật chất và tinh thần của một vùng đất, một địa phương.
Để bảo tồn “đô thị cổ”, quá trình đô thị hóa và quy hoạch đô thị mới không nên tập trung vào “vùng di sản” để tránh làm tổn thương và biến dạng, phá hủy khu vực đô thị cổ. Ngược lại cần mở rộng, tạo dựng các khu đô thị mới, hướng đến việc xây dựng “di sản đô thị thế kỷ XXI” cho đời sau. Đây là cách thức bảo tồn, tích lũy và xây dựng thêm di sản văn hóa cho một địa phương.