Vụ nhà báo Jamal Khashoggi của tờ Washington Post bị sát hại trong Tổng Lãnh sự quán Ả Rập Saudi tại Istanbul ngày 2-10 vừa qua đã không chỉ gây một cơn địa chấn chính trị tại Trung Đông mà còn tạo nên những phản ứng tiêu cực của thế giới mỹ thuật, bởi người bị nghi ngờ kẻ chủ mưu vụ sát hại này là một nhân vật quan trọng trong các thương vụ hàng đầu trên thị trường tác phẩm mỹ thuật toàn cầu: Thái tử Mohammed bin Salman bin Abdulaziz Al Saud của vương triều Ả Rập Saudi.
Thái tử Mohammed bin Salman bin Abdulaziz Al Saud (gọi tắt là MBS) đã trở thành một thế lực chủ yếu trong sinh hoạt nghệ thuật tạo hình quốc tế những năm gần đây. Năm ngoái MBS được coi là người đứng sau thương vụ lớn nhất từ trước tới nay trên thị trường tác phẩm mỹ thuật: vụ mua bức tranh Salvator Mundi (Đấng Cứu thế) của Leonardo da Vinci với giá 450 triệu USD tại nhà đấu giá Christie’s ở New York ngày 15-11-2017 (dù sau đó chính quyền ở Riyadh đã bác bỏ sự can dự này). MBS còn là chủ nhân một bộ sưu tập khổng lồ các tác phẩm mỹ thuật quý hiếm, khó có thể định giá chính xác, được mua từ nhiều nguồn và từ nhiều sàn đấu giá khắp thế giới. Cũng trong năm 2017, ông hoàng 33 tuổi này đã công bố một quỹ nghệ thuật có tên MiSK Foundation với mục tiêu giúp “Ả Rập Saudi trở thành bệ phóng hàng đầu cho các sản phẩm văn hóa nền tảng”. Hướng tới các nghệ sĩ trẻ, quỹ này hoạt động hoàn toàn độc lập với các bảo tàng ở thủ đô Riyadh và các thiết chế nghệ thuật khác ở Ả Rập Saudi. Với sự tài trợ của MiSK Foundation, một triển lãm tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ xứ dầu mỏ lớn nhất vùng Vịnh đã được tổ chức trang trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật Brooklyn ở New York từ tháng 12-2017 tới tháng 4-2018. Nhiều hoạt động mỹ thuật rầm rộ khác đã được tổ chức tại Ả Rập Saudi từ sự tài trợ của quỹ này.
- Xem thêm: Quan hệ liên Triều trong hội họa
Trong khi được dư luận thế giới coi là kẻ đã ra lệnh đàn áp không nương tay với những người bất đồng chính kiến, đặc biệt là với các nhà hoạt động nữ quyền tại đất nước mình, MBS còn được cho là đã chỉ đạo tiến hành một chiến dịch quân sự tàn bạo và phong tỏa đất nước Yemen, gây nên một cuộc khủng hoảng nhân đạo được Liên Hiệp Quốc mô tả là “tồi tệ nhất thế giới”. Chính vì thế, nhiều nhà phân tích cho rằng MBS đã nỗ lực xây dựng hình ảnh của mình như là một nhà cải cách tại vương triều Ả Rập Saudi và đang hiện đại hóa đất nước này. Trong số những nỗ lực đó có các hoạt động văn hóa – nghệ thuật với kinh phí từ MiSK Foundation, chẳng hạn các triển lãm như tại Bảo tàng Brooklyn hay dự án đầy tham vọng: xây dựng một trung tâm mỹ thuật mới tại Paris.
Trước những nghi ngờ về vai trò của MBS trong vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi, ông Tad Smith – CEO của nhà đấu giá Sotheby’s đã rút lui khỏi một cuộc hội thảo về kinh tế được MBS tổ chức và chủ trì, có tên gọi là Sáng kiến đầu tư tương lai, dự kiến diễn ta tại Riyadh ngày 23-10 này. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác liên quan đến chính quyền Ả Rập Saudi và MBS, đặc biệt là dính líu tới MiSK Foundation và Học viện Mỹ thuật MiSK (được MBS thành lập) đều được xem xét kỹ lưỡng sau vụ nhà báo Khashoggi mất tích đầy bí ẩn. Một số bảo tàng và các tổ chức mỹ thuật vẫn tiếp tục quan hệ với các đối tác Ả Rập Saudi trong khi chờ kết quả điều tra vụ án tại tổng lãnh sự quán nước này ở Istanbul, nhưng nhiều bảo tàng và thiết chế văn hóa khác đã bắt đầu ngưng các quan hệ với xứ dầu mỏ này. Một trong những thiết chế đó là Viện Trung Đông (Middle East Institute – Trung tâm văn hóa phi lợi nhuận được thành lập năm 1946 tại thủ đô Mỹ). Trong một tuyên bố vừa được đưa ra, Middle East Institute cho biết họ “bị sốc và giận dữ trước sự mất tích và có thể bị sát hại của nhà báo Jamal Khashoggi”, bởi ông là một người bạn của viện đồng thời là người thường xuyên tham gia các hoạt động, hội thảo tại đây.
Chưa hết, vào ngày 18-10 Bảo tàng Metropolitan ở New York quyết định không nhận tài trợ từ Ả Rập Saudi cho cuộc hội thảo có tên “Sưu tầm và triển lãm tác phẩm mỹ thuật tại Trung Đông” sẽ diễn ra cuối tháng 10 này. Bảo tàng Brooklyn cũng khước từ tài trợ của Riyadh cho cuộc triển lãm “Syria, ngày đó – bây giờ: những câu chuyện từ người tỵ nạn cách biệt một thế kỷ”. Newseum, bảo tàng tương tác khuyến khích quyền biểu đạt tự do của công dân, tọa lạc tại Washington D.C đã quyết định hủy bỏ một cuộc triển lãm hình ảnh về sự đổi thay đô thị và cảnh quan tại Ả Rập Saudi dù Học viện Mỹ thuật MiSK đã ký hợp đồng thuê không gian triển lãm tại Newseum từ tháng 3-2018. Trong khi đó, các gallery Freer Sackler thuộc Viện Smithsonian ở thủ đô Mỹ cho biết vẫn duy trì các hoạt động cuối tuần vốn được Công ty dầu mỏ Saudi Aramco tài trợ 175.000 USD. Theo tờ Washington Post, công ty dầu mỏ khổng lồ của Ả Rập Saudi đã tài trợ 2,8 triệu USD cho các hoạt động của Viện Smithsonian từ 2013 đến nay. Một số thiết chế mỹ thuật khác có nhận tài trợ từ Riyadh đã không đưa ra bình luận hay thông báo gì chung quanh mối liên hệ với vương triều Ả Rập Saudi và ông hoàng MBS khi xảy ra vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, trong đó Bảo tàng danh giá bậc nhất Louvre ở Paris và Viện Thế giới Ả Rập cũng tại thủ đô nước Pháp.
Sau khi bài viết chung quanh phản ứng của thế giới mỹ thuật trước vụ sát hại nhà báo Khashoggi được đăng trên tạp chí online Artsy, khi được hỏi về việc Ả Rập Saudi có được mời dự Triển lãm lưỡng niên Venice vào năm 2019, đại diện của Venice Biennale cho biết: “Chúng tôi tin rằng sứ mệnh chính của chúng tôi với tư cách một thiết chế văn hóa hàng đầu là bảo vệ quyền tự do biểu đạt của tất cả”.