Bác sĩ TLY, một bác sĩ đàn anh rất nổi tiếng của chúng tôi giữa thập niên 60 tại Sài Gòn, có lần nói với bọn sinh viên y chúng tôi là anh có thể nhìn người bệnh vừa bước vào phòng khám là biết ngay người đó mắc bệnh gì! Hồi đó bọn tôi nghĩ anh nói đùa, phóng đại cho vui vì như thế hình như “thiếu khoa học” quá!
Sau này, càng học nhiều, càng thực hành nhiều, có kinh nghiệm rồi tôi mới thấy lời anh nói quả không ngoa. Dĩ nhiên cái định bệnh đầu tiên khi vừa thấy người bệnh đó chỉ là chẩn đoán sơ bộ, sau đó còn cần có các bước khác như chẩn đoán phân biệt, chẩn đoán xác định, trước khi điều trị.
Phần nhiều, thầy thuốc có kinh nghiệm lâm sàng thì chẩn đoán sơ bộ này đã thường là chính xác. Cái đó trong ngành y gọi là “flair clinique” (đánh hơi lâm sàng), nhờ rèn luyện mà có chớ không phải nhờ đoán mò, cầu may! Cũng như trong kinh doanh, người có kinh nghiệm có thể đánh hơi thị trường rất tài tình, “nắm bắt thời cơ” rất hay mà người khác không sao có được, cứ tưởng là may mắn! Người nào càng rèn luyện cái “flair clinique” của mình tinh nhuệ chừng nào thì càng giỏi nghề chừng đó.
- Xem thêm: Người ta trở thành… thầy thuốc cách nào?
Sau này khi đã nhiều năm thực tập và làm việc ở bệnh viện, đặc biệt ở phòng khám và cấp cứu, hằng ngày tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhân, được hội chẩn những trường hợp phức tạp, dần dần chúng tôi cũng có được cái “flair” đó và truyền lại cho đàn em, dĩ nhiên là cho những đàn em cũng chịu khó lăn lộn trong nghề, bám sát bệnh nhân và rèn luyện tay nghề, bởi vì y khoa là một nghề phải rèn tập (apprentissage) chớ không thể chỉ đọc sách nghiên cứu y văn!
Chúng tôi nhìn màu da của bệnh nhân có thể thấy màu vàng nghệ của viêm gan, vàng xanh lá cây của tắc mật, rồi vàng nhạt của thiếu máu tán huyết, vàng sạm do sốt rét, do lãi móc; chúng tôi có thể nhìn vết xuất huyết ở niêm mạc mắt rất sớm trước khi xuất hiện “tử ban” dạng bản đồ trong bệnh não mô cầu, có thể thấy ngay vết bầm tím chỗ chích, cắt lể, giúp chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết. Chúng tôi có thể nhìn dáng đi của một bé đau bụng mà biết là viêm cơ thăng, rất khác với dáng đi của bé đau bụng do viêm ruột thừa; có thể nhìn thấy cách co giật ở trẻ sơ sinh mà biết là do uốn ván rún hay do xuất huyết não màng não vì ở trẻ bị uốn ván rún, giữa hai cơn giật, bé vẫn tỉnh táo trong khi trẻ xuất huyết não co giật một bên hoặc không đều và hôn mê. Dễ dàng nhìn các vết ban để phân biệt là ban gì hoặc nhìn phân mà biết là do nguyên nhân gì gây ra: thí dụ phân xanh lổn nhổn mùi chua thì biết là phân sinh lý của trẻ bú sữa mẹ; phân tanh, nhớt, có máu như máu cá là do vi trùng E. coli; phân đàm, máu lẫn trong phân là do Shigella, phân đen như bã cà phê trong sốt xuất huyết, phân tanh tưởi, hôi như “thịt thúi” trong viêm ruột hoại tử, phân nước như nước vo gạo trong dịch tả v.v…
Rồi nghe tiếng trẻ khóc mà biết là khóc do đói hay do khát, do bị ủ ngộp hay vì suy tim thiếu B1… Dĩ nhiên với hai ngón tay đã biết cách gõ để phân biệt phổi đang có nước (tràn dịch màng phổi) hay có khí (tràn khí màng phổi); gan, lá lách lớn đến đâu, túi mật có bướu hay không… Những người thầy thuốc giỏi lâm sàng như vậy được người ta khen là “mát tay”. Thực ra để mát tay phải trải qua sự rèn luyện lâu dài, phải có óc quan sát thật tốt. Ngày nay, ngày càng có nhiều phương tiện cận lâm sàng như siêu âm, Xquang, nội soi. CT, MRI… thì việc “nhìn, sờ, gõ, nghe” (lâm sàng) ngày càng bị coi nhẹ, không còn được rèn tập nữa mà thui chột đi mất cái flair chinique quý báu nói trên, và người thầy thuốc bị lệ thuộc vào máy móc, phương tiện, nhiều khi có những sai lầm đáng tiếc! Dĩ nhiên mỗi thời đều có những cách riêng của mình và người thầy thuốc ngày nay có thể phối hợp tốt giữa lâm sàng và cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác hơn.
Ngày xa xưa, người thầy thuốc còn khổ hơn nhiều vì đâu có phải lúc nào cũng có thể “nhìn, sờ, gõ, nghe” trực tiếp trên người bệnh. Hoàng hậu hay công chúa bị ốm chẳng hạn, quan ngự y chỉ nhìn hình nhân bằng gỗ có đánh dấu vị trí đau mà… chẩn đoán. Bắt mạch có khi còn phải qua một dải lụa chớ không được đụng vào tay “người đẹp”, mắt cứ phải lim dim ngó lên trần nhà chớ đâu dám quan sát bệnh nhân!
- Xem thêm: Những ngày xưa thân ái…
Tôi lại nhớ thầy TVB ở Bệnh viện Chợ Rẫy thời đó. Thầy kể chúng tôi nghe chuyện “óc quan sát” của sinh viên y khoa: Có một giáo sư lấy ngón tay nhúng vào nước tiểu bệnh nhân đựng trong một cái ống nghiệm đưa lên miệng nếm và kết luận về mùi vị, tính chất lý hóa của nước tiểu đó. Các sinh viên lần lượt bắt chước thầy, cũng nếm, cũng phân tích tỉ mỉ. Cuối cùng thầy kết luận: “Các anh thiếu óc quan sát rồi! Tôi nhúng ngón tay trỏ nhưng nếm ngón giữa, còn các anh…”.