Hà Nội có cơm niêu từ mấy năm nay. Tối đầu tiên đến Hà Nội vào cuối thu, bạn Hà Nội đãi khách phương Nam bằng… trực chỉ cơm niêu. Cơm niêu… cái góc bếp tối mờ của bà ngoại ngày xưa bỗng hiện ra, những củi lửa, rơm rạ và chiếc nồi đất ám khói đặt trên ông táo sứt nghèo nàn. Đã có hàng trăm bữa cơm chiều tỏa khói ngày mưa dầm, đi học về kéo áo bà: “Bà ơi! cháu đói bụng!” Thế rồi, chiếc niêu đất mở nắp thơm ngào ngạt, rồi cá bống kho tiêu, rồi muối vừng, tép rang, cà nén… Cái góc bếp tối với niêu cơm đất, bà đã thay mẹ nuôi lớn một đời người.
Cơm niêu… đủ làm rung động cả một ký ức như khi nhìn thấy bức vẽ của một họa sĩ vô danh vẽ “tĩn nước mắm” cổ truyền in trên báo xuân Sài Gòn Tiếp Thị năm ngoái. Góc bếp với niêu cơm đất như chiếc tĩn nước mắm ấy đã biến mất từ lâu trong đời sống đô thị. Nhưng phải chăng những phong vị Việt Nam lại nằm trong vại cà, trong gầm chạn, trong tàu lá chuối, cọng rơm khô xó bếp, tĩn nước mắm quê mùa? Y.B là tay đáo để, anh luôn tìm cách “gây vết thương” cho tôi. Bà ơi! Cháu nhớ bà, và sẽ đi đến cái chỗ có niêu cơm đất ngày xưa của bà đây!
- Xem thêm: Cơm Lam đặc sản vùng Tây Bắc
Cái nồi đất nâu, màu bùn đất tự nghìn năm của làng quê được bọc kín. Lửa rơm rạ sẽ nấu chín cơm. Niêu nóng được lót tay bằng khăn và “bốp” một tiếng, người phục vụ lấy ra một khối cơm tròn được bọc bởi một vòng cháy cốm, vừa đủ vàng, vừa đủ “làm áo” bọc lấy cơm trắng tơi xốp. Nếu chiếc nồi vỡ, cơm bên trong không có chiếc áo cốm ấy, xem như “hỏng” – làm lại từ đầu. Rồi niêu cá bống kho tiêu đen cháy, bé xíu, lọ vừng đen (mè), dĩa ruốc khô tơi (chà bông) đặt xuống, bẻ khối cơm tròn ra và… ăn.
Cơm niêu chỉ có vậy, nó bình thường như bữa cơm bình thường trên ruộng đồng của những người nhà quê, thức ăn cũng từ đồng, cá bống, muối vừng… Nhưng nó làm ta rung động không bởi vị giác, nó khơi gợi cả một thời đã cũ, đã xa. Nó làm liên tưởng, gợi nhớ trong ký ức những làng quê êm đềm dù nghèo khó, lam lũ hay thời của những “mực tàu, giấy bản”. Cơm niêu bọc theo áo vải thư sinh lên Tràng An ứng thí, thời lều chõng tao nhã, vương vất mối tình chàng sĩ tử với cô hàng sách kinh kỳ.
Nhưng cũng có điều còn tiếc với cơm niêu Hà Nội. Chỗ ngồi ăn “thời thượng” quá, ghế bàn bằng sản phẩm nhựa, plastic, xanh đỏ, tím vàng. Nơi ăn như mọi quán ăn, quán nhậu khác. Chiếc búa đập thịt kiểu mới – đồ Thái Lan mạ sáng, lởm chởm gai “bốp” vào chiếc niêu mộc mạc sao mà… kỳ cục. Tôi nói đùa với thổ công Hà Nội: “Chúa ơi! Sao lấy cái “hiện đại” nện cái truyền thống vậy?” Y.B cười: “Ừ! đúng đấy!” Sao cơm niêu không ngồi trên chõng tre, nền đất nện, không đặt một chiếc điếu cày, một ngọn đèn dầu bé bé để trang trí? Trang trí cho nó có không khí thôi mà. Đâu cứ phải tù mù như góc bếp bà tôi. Nhưng trong khung cảnh “quê mùa” ấy, cam đoan với thực khách nước ngoài, Hà Nội mới ra phong vị, cái quê mùa bỗng hóa thành “sang trọng” không đâu có được của cơm niêu – thứ cơm Việt Nam dân dã.
- Xem thêm: Ba miền chung mẻ cá kho
Thế nào rồi Sài Gòn cũng sẽ có cơm niêu đấy – nếu có tay kinh doanh nghệ sĩ (không phải người viết) nào, một hôm bỗng mở giữa đô thị sáng trưng một cái “quán làng” có tre, có trúc, có điếu cày và một chiếc niêu đất vàng rụm cháy cốm, trắng tinh gạo mới, thơm ngát “cái bống cái bang” kho tiêu đó. Bạn Hà Nội à!