Trong thời buổi mà số đông đang có xu hướng ăn mặc đơn giản đi thì việc duy trì phong độ của những bộ trang phục được may đo độc bản (bespoke) trên phố thời trang lâu đời Savile Row tại thủ đô London của nước Anh đang dần trở nên khó khăn hơn, bắt buộc những nhà may cao cấp phải tìm ra kế sách mới.
Nhiều thương hiệu hàng đầu đang dần rẽ hướng sang thời trang đường phố, điển hình là hiện tượng Louis Vuitton và Virgil Abloh, chứng tỏ quan niệm về thời trang cao cấp đang dần thay đổi. Người ta bắt đầu quan tâm đến những bộ sưu tập streetwear hơn là trang phục may đo tỉ mỉ. Nổi tiếng trong thế giới bespoke, con phố Savile Row với những hiệu may suit lâu đời có nguy cơ phải đối mặt với sự suy tàn, cho dù vẫn còn một bộ phận khách hàng trung thành.
- Xem thêm: Suit Anh, Mỹ hay Ý, bạn chọn kiểu nào?
Một bộ suit bespoke phải mất tối đa một tháng để hoàn thành nên có giá chừng 100.000 USD. Điều này hoàn toàn trái ngược với xu hướng ăn mặc của giới trẻ hiện nay, thậm chí cả những người thích mặc suit cũng phải cân nhắc hầu bao. Khi nhu cầu về suit bespoke không còn cao, những nhà may đo lão luyện không chỉ bị giảm mạnh doanh thu, mà về lâu dài sẽ khó có khả năng thu hút được giới trẻ để duy trì mô hình kinh doanh. Điều này đã từng xảy ra với trường phái haute couture của Pháp.
Một số công ty bespoke đã cho ra đời dòng ready-to-wear với giá rẻ hơn nhằm thu hút những khách hàng trẻ và cũng để duy trì thương hiệu. Tuy nhiên, sự ra đời của dòng suit rẻ hơn cũng đồng nghĩa với việc làm hạ “phẩm giá cao quý” vốn có của cái tên Savile Row. Giải pháp đề ra nhằm tiếp tục giữ vững phong độ mà không làm mất địa vị là thu hút những khách hàng tiềm năng, nhất là giới trẻ ở thị trường khác. Do đó các thương hiệu cao cấp đang nhắm đến khu vực châu Á và đặc biệt là Trung Quốc, nơi mà giới nhà giàu mới nổi luôn tìm kiếm những gì sang trọng và đắt giá nhất. “Y phục phải xứng với kỳ đức”, trong khi đó, có mặt hàng nào vượt qua đẳng cấp của một bộ suit bespoke “Made in Savile Row”?
Một số “quý ông trẻ tuổi” có thể thuộc nhóm tín đồ của thời trang streetwear, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không phải là khách hàng của dòng suit bespoke. Trong những buổi thương thuyết, dịp lễ hay tiệc trang trọng vốn được tổ chức khá thường xuyên trong cuộc sống của giới thượng lưu, những bộ complet chỉn chu vẫn là “bộ giáp số 1” của phái mạnh. Vì thế, mỗi người trong tầng lớp này đều có ít nhất ba bộ suit bespoke trong tủ đồ của mình.
Sự tiếp thị văn hóa lịch lãm đậm chất Anh qua bộ phim Kingsman cũng là cách để những khách hàng trẻ châu Á bắt đầu yêu thích và biết đến Savile Row. Các cô gái luôn có cảm tình với những chàng trai ăn mặc lịch lãm nên điều đó góp phần thôi thúc các đấng mày râu hướng tới phong cách thanh lịch mà yếu tố quan trọng chính là bộ suit.
Giới nhà giàu trẻ cấp tiến có điểm khác với thế hệ đi trước ở sự hiểu biết và cách tiêu thụ hàng xa xỉ. Một số khách hàng của Savile Row đã “truyền bá” tinh thần cao quý của thời trang cổ điển đậm chất Anh cho những người thân quen và đưa họ đến những nhà may nổi tiếng để có thể sở hữu một bộ suit độc bản.
Trên thực tế, đa số đàn ông châu Á không có thói quen diện suit cả ngày, một phần vì lý do thời tiết, một phần vì sự gò bó khi mặc nên nhu cầu sở hữu suit chưa đạt đến đỉnh điểm. Tuy nhiên, việc hiểu và trân trọng những giá trị của bespoke suit trong thế hệ trẻ là hy vọng để danh tiếng của Savile Row tiếp tục được duy trì.